Đi học làm cảnh sát giao thông thân thiện

“CSGT không được phép có nét mặt hình sự vì những người mà anh tiếp xúc hằng ngày, chủ yếu là người dân”

Trong vòng một tuần lễ, gần 1.500 cán bộ, chiến sĩ đến từ các đội cảnh sát giao thông (CSGT) trên địa bàn TP HCM đã tham gia đợt tập huấn “Văn hóa ứng xử, đạo đức tác phong của cán bộ chiến sĩ CSGT”.

“Anh CSGT và anh cảnh sát hình sự khác nhau ở chỗ nào?”. Câu hỏi của chuyên gia tâm lý Vũ Gia Hiền (Hội Tâm lý giáo dục TP HCM) đặt ra làm lớp học xôn xao. Có tiếng bàn tán nho nhỏ: “Nghe tên là thấy khác rồi. Chức năng, nhiệm vụ cũng khác, trang phục cũng khác, quy trình làm việc khác nhau...”.

Đừng khó đăm đăm với dân

Chờ mọi người bàn tán, thảo luận xong, chuyên gia Vũ Gia Hiền mới “bật mí” lời giải: “Khác nhau ở nét mặt”. Ông giải thích tiếp: “Cảnh sát hình sự được phép có nét mặt... hình sự, vì đối tượng mà họ thường xuyên phải đối mặt, trấn áp là những tội phạm hung hãn. Còn với CSGT, anh không được phép có nét mặt hình sự vì những người mà anh tiếp xúc hằng ngày chủ yếu là người dân. CSGT nên có nét mặt đôn hậu, nụ cười thân thiện. Đừng có suốt ngày khó đăm đăm với dân, dù người dân có phạm lỗi đi chăng nữa”.

Dừng một chút, chuyên gia Vũ Gia Hiền lại kể một câu chuyện mà ông đã từng chứng kiến ở ngã tư đường Ba Tháng Hai giao cắt với đường Sư Vạn Hạnh: Anh CSGT thổi còi và yêu cầu một bác hơi đứng tuổi dừng xe lại. Sau khi đứng chào, anh lễ phép hỏi: “Thưa bác, bác đã được học kỹ về Luật giao thông chưa ạ?”. Người đàn ông trả lời là chưa.  

"CSGT nên có nét mặt đôn hậu, nụ cười thân thiện"

Anh CSGT ôn tồn nói tiếp: “Để người dân như bác chưa được biết rõ, nắm chắc Luật giao thông là lỗi của tụi cháu đã không làm tốt khâu tuyên truyền, phổ biến luật. Lỗi đó là phần cháu, cháu xin nhận. Nhưng lỗi vi phạm luật là phần bác, cháu không thể nhận lỗi luôn giùm bác. Hi vọng là sau lần này, bác sẽ nắm rõ luật hơn để lần sau đi đường đừng mắc lỗi này nữa”. Nghe giải thích xong, người đàn ông vui vẻ ký vào biên bản xử phạt.

Ông Hiền đúc kết: “Văn hóa ứng xử - nghe có vẻ to tát, tưởng như điều xa vời nhưng thật ra chẳng ở đâu xa. Trong đội ngũ CSGT của chúng ta đã có nhiều người làm được, nhưng cũng có người chưa biết cách làm. Công việc của CSGT không phải chỉ có thổi còi rồi phạt, mà quan trọng là chúng ta phải lấy tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục làm đầu. Làm thế nào vẫn đảm bảo cái lý nhưng vẫn giữ được cái tình. Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ có cái tình ở lại”.

“Lỗi của chúng ta”

Câu chuyện về 999 cái tivi mà ông Vũ Gia Hiền mang đến lớp học có lẽ là câu chuyện làm nhiều CSGT thấm thía nhất.

Chuyện kể rằng có một công ty nhận được đơn hàng sản xuất 1.000 cái tivi. Đến ngày giao hàng, trải qua các khâu kiểm tra chất lượng hàng hóa thì có 999 chiếc tivi hoàn hảo, đạt yêu cầu, chỉ có một chiếc bị lỗi, không đảm bảo chất lượng. Bên mua hàng quyết định không nhận cả lô hàng.

Nhà sản xuất liền lên tiếng: “Thưa ông, chúng tôi đã hoàn thành được 999 sản phẩm, đạt tỉ lệ 99,9%. Chẳng lẽ chỉ vì 0,1% sai sót thôi mà phủ nhận tất cả. Như vậy là không công bằng”. Nghe vậy, bên đặt hàng trả lời: “Với ông, một chiếc tivi bị lỗi chỉ là 0,1%. Nhưng với người dân, họ chỉ mua có một chiếc tivi thôi mà lại mua nhầm đúng chiếc tivi hỏng ấy thì tỉ lệ hư hỏng mà họ phải gánh chịu là 100%”.

Câu chuyện về những chiếc tivi dừng lại ở đó, nhưng những liên hệ về công việc của người CSGT vẫn được nối dài. Cho dù có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn CSGT làm tốt nhưng chỉ cần một người vi phạm thì hình ảnh của cả ngành bị ảnh hưởng.

Bản thân một CSGT chỉ cần một lần sơ suất, làm sai thì dù trước đó anh có làm tốt mấy đi chăng nữa, thiện cảm, niềm tin của người dân đối với anh cũng bị suy giảm, thậm chí là mất hết.

Lại một câu hỏi được đưa ra trao đổi trong lớp học: Khái niệm công quyền và công bộc khác nhau như thế nào? Câu trả lời chính là: Công bộc chính là những người làm việc công nhưng với tư cách phục vụ chứ không phải sử dụng quyền lực, khác với công quyền là dùng quyền lực công để quản lý xã hội.

“CSGT phải luôn nhớ rằng: quyền lực không phải của chúng ta mà của nhân dân trao cho ta. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ đánh mất nó. Đó là khi người dân mất niềm tin. Nếu dân không còn tin, đó là do lỗi của chúng ta và chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về điều đó” - chuyên gia Vũ Gia Hiền phân tích.

Buổi học kết thúc, thiếu úy Phạm Quốc Sanh, đội CSGT Bàn Cờ, vẫn còn chưa hết tâm đắc về những câu chuyện rất sát với thực tế công việc của CSGT được giảng viên gợi mở trên lớp.

Anh chia sẻ: “Tôi vào ngành đã được năm năm. Thực tế công việc thì rất đa dạng. Khó nhất vẫn là khi tiếp xúc với những người say xỉn vì họ thường thiếu kiềm chế, mất tự chủ và rất khó để giải thích, thuyết phục. Kinh nghiệm của mình là phải luôn thật bình tĩnh, lễ độ.

Thấy người nào nóng tính quá thì mình nhẹ nhàng: “Thôi, mời anh vào uống miếng nước cho đỡ nóng, đỡ mệt rồi tôi giải thích cho anh nghe!”. Có lúc mình còn phải tìm hiểu, hỏi thăm hoàn cảnh gia đình. Có người giận quá nói càn, nhưng khi mình nhắc tới chuyện vợ con ở nhà lo lắng cho họ ra sao khi họ lái xe trong khi say, họ lại hiểu ra và nhận lỗi. Bản thân tôi có lần được người dân vui vẻ cảm ơn, dù mình đã xử phạt họ. Có người còn vỗ vai nói: Nói thiệt, hồi nãy lúc chú thổi anh vô, anh đã muốn cự rồi. Nhưng thấy chú nói chuyện đàng hoàng nên thôi”.

Còn trung úy Nguyễn Võ Phước Khánh, đội CSGT Bến Thành, cho biết: “Theo tôi, để giao tiếp tốt với người dân, quan trọng nhất là mình phải tạo được ấn tượng ban đầu tốt đẹp. Mỗi lần tiếp xúc với người phạm lỗi giao thông, mình đều chuẩn bị sẵn nụ cười thân thiện và cúi chào. Khi nghe mình nói câu: “Dạ thưa chú, thưa bác...” thì người có đang nóng nảy mấy cũng sẽ dịu đi phần nào. Một bí quyết nữa là phải lắng nghe người dân nói. Hãy cho họ cơ hội để trình bày, giải thích. Nói thật, làm trong ngành này cũng phải có cái tình. Gặp những trường hợp như xe chở người đi cấp cứu vi phạm luật, anh em chúng tôi cũng linh hoạt cho đi vì nếu chậm trễ, rất có thể tính mạng của người bệnh sẽ gặp nguy hiểm”./.

Thân thiện với người dân

Thượng tá Trần Thanh Trà, trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt TP.HCM (PC67), cho biết đợt tập huấn lần này là để nâng cao hình ảnh của người chiến sĩ CSGT, tạo cảm giác thân thiện, tin cậy đối với người dân, nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho các chiến sĩ CSGT. Thượng tá Trà cho biết thêm việc tổ chức lớp tập huấn là một hoạt động cần thiết đối với lực lượng CSGT của TP vì hiện nay có một số CSGT khi làm nhiệm vụ chưa chuẩn hoàn toàn về tác phong cũng như lời nói. Trong khi họ lại là lực lượng thường xuyên tiếp xúc với người dân, là bộ mặt của cả ngành công an trước dân.

Đợt tập huấn cũng nhằm mục đích đánh giá về thực trạng, những mặt còn tồn tại hạn chế, thiếu sót trong văn hóa ứng xử, giao tiếp của lực lượng CSGT TP hiện nay. Qua ý kiến đóng góp của các chuyên gia, của chính những chiến sĩ CSGT tại các buổi học, PC67 sẽ đề xuất những giải pháp hay để khắc phục các mặt hạn chế còn tồn tại.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhiều địa phương “tung” nữ CSGT xuống đường
Nhiều địa phương “tung” nữ CSGT xuống đường

(VOV) - Các nữ CSGT còn được trang bị gậy điều khiển, súng, còng số 8… để tham gia phòng chống tội phạm.  

Nhiều địa phương “tung” nữ CSGT xuống đường

Nhiều địa phương “tung” nữ CSGT xuống đường

(VOV) - Các nữ CSGT còn được trang bị gậy điều khiển, súng, còng số 8… để tham gia phòng chống tội phạm.  

Người dân ủng hộ không đưa CSGT bụng phệ ra đường
Người dân ủng hộ không đưa CSGT bụng phệ ra đường

(VOV) -Đa số người dân thủ đô đều đồng tình với chủ trương này, nhằm cải thiện hình ảnh chiến sỹ cảnh sát nhân dân.

Người dân ủng hộ không đưa CSGT bụng phệ ra đường

Người dân ủng hộ không đưa CSGT bụng phệ ra đường

(VOV) -Đa số người dân thủ đô đều đồng tình với chủ trương này, nhằm cải thiện hình ảnh chiến sỹ cảnh sát nhân dân.

Mở lớp dạy CSGT biết cười và xin lỗi dân trước khi phạt
Mở lớp dạy CSGT biết cười và xin lỗi dân trước khi phạt

Đây là đợt đầu tiên TP HCM triển khai nhằm tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ CSGT biết cười, xin lỗi dân khi xử phạt vi phạm

Mở lớp dạy CSGT biết cười và xin lỗi dân trước khi phạt

Mở lớp dạy CSGT biết cười và xin lỗi dân trước khi phạt

Đây là đợt đầu tiên TP HCM triển khai nhằm tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ CSGT biết cười, xin lỗi dân khi xử phạt vi phạm