Đi tìm tên cho những ngôi mộ khuyết danh

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có gần 60.000 mộ liệt sĩ nhưng hơn một nửa số phần mộ ở đây vẫn chưa có tên. 35 năm qua, thân nhân các anh hùng liệt sĩ, những người quản trang luôn đau đáu nỗi niềm tìm tên cho những ngôi mộ chưa có tên.

Những ngày tháng Tư lịch sử vừa qua, trên khắp các nẻo đường Quảng Trị, từ Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn đến Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào, thành cổ Quảng Trị, hàng nghìn cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ trở về chiến trường khốc liệt năm xưa để viếng các anh và tìm tên cho những ngôi mộ chưa ghi danh.

Chiều tháng Tư, ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, nắng gió êm dịu trên những phần mộ liệt sĩ. Chị Huỳnh Thị Thu Sương, cán bộ Ban quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn chậm rãi kể những câu chuyện linh thiêng ở chốn thâm nghiêm này.

Chị Sương cho biết, trong số hơn 10.000 ngôi mộ ở đây phần lớn đã có tên, nhưng nhiều liệt sĩ yên nghỉ tại đây hàng chục năm rồi mà gia đình chưa biết, vẫn không nguôi nỗi đau tìm kiếm. Chị và những người quản trang thầm lặng làm cầu nối đi tìm tên cho những ngôi mộ khuyết danh. Hàng năm, Ban Quản lý Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn tiếp nhận từ 400 – 500 lá thư, hàng ngàn cuộc điện thoại từ khắp mọi miền đất nước gọi về. Cứ mỗi lần như vậy, các nhân viên lại lần giở sổ sách, rà lại danh sách của Đoàn 559. Nếu không có, họ lại tìm kiếm ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9 và 70 nghĩa trang khác trên địa bàn Quảng Trị.

Chị Huỳnh Thị Thu Sương, nhân viên ban Quản lý nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, kể: “Có một gia đình ở Hưng Yên, anh tên là Bông. Anh đã đi tìm bố đã hơn 30 năm năm. Một hôm anh Bông tìm trên mạng thấy tên bố mình trong danh sách nghĩa trang ở đây quản lý. Anh đến tìm chúng tôi. Tôi tra trên sổ và đưa anh ấy đến với bố. Hôm ấy trời mưa, hai anh em ôm nhau khóc, mừng lắm”.

Ông Lục Xuân Thịnh, một cựu chiến binh phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên, từng là chiến sĩ Sư đoàn 304, chiến đấu ở chiến trường Khe Sanh, tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ mà ngụy quyền Sài Gòn gọi là chiến dịch Lam Sơn 719. Ba mươi lăm năm đất nước thanh bình, nay ông mới có dịp thăm lại chiến trường xưa.

Vào đến Quảng Trị, ông lặng lẽ đi tìm người bạn chiến đấu đã nằm lại trên chiến trường. May mắn thay, ông đã tìm được thông tin về liệt sĩ Lưu Đức Chân, người đồng đội đã từng chia bùi sẻ ngọt với ông đang yên nghỉ tại vùng quê Hải Quế, huyện Hải Lăng.

Ông Lục Xuân Thịnh xúc động: “Tôi tìm về nghĩa trang xã Hải Quế, huyện Hải Lăng. Ở đây có rất nhiều ngôi mộ không có tên nhưng những ngôi mộ này được chính quyền và nhân dân ở đây chăm sóc cẩn thận, chu đáo. Qua Đài TNVN tôi xin cảm ơn nhân dân tỉnh Quảng Trị về việc làm trên”.

Còn ông Hồ Tất Ái, Trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, ưu tư: “Làm nhiệm vụ canh giữ giấc ngủ ngàn thu cho các anh hùng liệt sĩ, bao năm nay chúng tôi luôn tích cực tham gia cùng các gia đình tìm kiếm tên cho các anh, nhưng kết quả chưa được là bao”.

Đã hơn 1/3 thế kỷ trôi qua, hàng ngàn, hàng vạn gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt người thân. Chỉ riêng tại Quảng Trị, hơn 32.000 ngôi mộ đến nay vẫn chưa rõ danh tính. Và trong những ngày cả nước kỷ niệm 35 năm thống nhất non sông, trên mảnh đất từng là giới tuyến, từ những chiến trường Tà Cơn, Đường 9 Khe Sanh, hay tại các nghĩa trang Quốc gia, từng đoàn người về đây với hy vọng mong manh tìm ra nơi yên nghỉ của người thân.

Bà Trần Thị Hoài ở xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng cho biết, bà cùng 5 anh em đến nghĩa trang Trường Sơn này hơn 1 tuần nay. Tìm kiếm và chờ đợi. Nhưng sự đợi chờ ngày thêm vô vọng, tên của các anh vẫn chưa được tìm thấy.

Bà nói trong nghẹn ngào: “Gia đình tôi có 3 anh hy sinh nhưng cả 3 đều không có tên. Khi vào tận trong này, nhìn những ngôi mộ có tên, còn 3 anh chúng tôi không có, thực sự tôi rất buồn... Mẹ tôi mất rồi, bố tôi 84 tuổi già yếu, suốt ngày mong mỏi tìm được các anh ấy về”.

Hoàng hôn, những ngôi mộ thấp thoáng dưới bóng cây bồ đề. Hình bóng 5 anh em bà Hoài liêu xiêu trong nắng chiều nghĩa trang tĩnh mịch. Bước chân họ chầm chậm, rồi dừng lại trước từng ngôi mộ, mong tìm thấy tên người thân yêu của mình.

Tiếng chổi tre người quản trang quét lá như tiếng thời gian gõ nhịp, đưa họ trở về với thực tại cùng nỗi đau hậu chiến. Nỗi đau này là một phần của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Đó cũng là thực tế mà các thế hệ hôm nay vẫn phải tiếp tục đi tìm tên cho những ngôi mộ còn khuyết danh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên