Dịch bệnh gia súc gia cầm tiếp tục lây lan nhanh

Hiện cả nước có 2 tỉnh có dịch cúm gia cầm, 3 tỉnh có dịch lở mồm long móng trên trâu bò và 4 tỉnh có dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày.

Đáng lo ngại là dịch lợn tai xanh đang lây lan nhanh, gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi. Trước tình hình này, cơ quan chức năng các địa phương tập trung triển khai phòng chống và dập dịch, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.

Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có 5 tỉnh công bố dịch bệnh bùng phát, từ cúm gia cầm đến dịch lợn tai xanh. Ngày 5/4, tỉnh Hải Dương công bố dịch lợn tai xanh ở 7 xã của 2 huyện Tứ Kỳ và Bình Giang. Sau gần 2 tuần, tất cả cơ quan chức năng, đến chính quyền địa phương và người dân triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch nhưng số lợn mắc bệnh tai xanh vẫn tăng từ gần 300 con ở thời điểm công bố dịch lên gần 600 con và dịch lợn tai xanh ở Hải Dương đã lây lan sang 2 xã mới là Liên Hồng, huyện Gia Lộc và xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng.

Tại tỉnh Thái Bình, dịch lợn tai xanh còn nghiêm trọng hơn, bởi chỉ sau mấy ngày công bố dịch ở 3 xã của huyện Đông Hưng, đến nay 11/44 xã của huyện này có trên 1.000 con lợn mắc bệnh và chết.

Mới đây nhất, dịch lợn tai xanh tiếp tục bùng phát tại tỉnh Hưng Yên. Ngày 5/4, dịch tai xanh xảy ra tại 3 xã là Lương Tài, Việt Hưng và Đại Đồng, huyện Văn Lâm. Đến ngày 10/4, xã Chỉ Đạo của huyện Văn Lâm cũng xuất hiện lợn mắc bệnh. Tổng số lợn mắc bệnh ở Hưng Yên là gần 2.400 con, trong đó có hơn 250 con bị chết.

Ngoài 4 tỉnh có dịch lợn tai xanh, hiện nay các tỉnh Điện Biên, Sơn La và Hà Giang có dịch lở mồm long móng trên trâu bò. Tại  tỉnh Bắc Cạn, dịch cúm gia cầm âm ỉ từ giữa tháng 3 đến nay vẫn chưa dứt. Tại đây đã có 2 người mắc cúm A/H5N1.

Nguyên nhân khiến dịch bệnh gia súc gia cầm bùng phát do thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm cao ảnh hưởng đến sức đề khác của đàn vật nuôi. Ngoài ra, còn do điều kiện chăn nuôi kiểu nhỏ lẻ không đảm bảo kỹ thuật, vệ sinh kém, gia súc, gia cầm không được tiêm phòng đầy đủ cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát và lây lan.

Cùng với cơ quan thú y triển khai các biện pháp kỹ thuật, lực lượng công an, quản lý thị trường… cũng có những việc làm cụ thể để ngăn chặn dịch bệnh gia súc gia cầm. Ông Chu Văn Thống, Chi cục Trưởng chi cục quản lý thị trường tỉnh Bắc Cạn cho biết: “Chúng tôi chủ yếu kiểm tra đến cả khâu giết mổ. Những trường hợp mà vận chuyển gia súc, gia cầm không có chứng nhận kiểm dịch thú y, không rõ nguồn gốc thì chúng tôi đầu xử phạt hành chính và chuyển giao cho ngành thú y theo dõi và xử lý theo chức năng”.

Cục Thú y (Bộ N&PTNT) khuyến cáo, điều kiện thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho mầm dịch bệnh phát triển. Vì vậy, các địa phương cần nâng cao cảnh giác, theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Cục Thú y đã cử cán bộ chuyên môn xuống các địa phương hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, đồng thời nhanh chóng điều tra, xác minh nguồn lây bệnh để có biện pháp khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên