Diêm dân Bình Định bỏ ruộng muối

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là vì thời tiết diễn biến bất lợi cộng với việc giá muối xuống thấp.  

Muối mất mùa, rớt giá

Vào thời điểm này, diêm dân trong tỉnh Bình Định bắt đầu bước vào vụ sản xuất muối mới. Mọi năm, thường vào đầu vụ, giá muối luôn ở mức cao, nhưng năm nay lại rất thấp, cộng với việc thời tiết diễn biến bất lợi khiến nhiều diêm dân bỏ ruộng…

Những ngày đầu tháng 4 này, chúng tôi có mặt trên cánh đồng muối thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước. Tuy đang vào chính vụ nhưng quang cảnh đồng muối khá vắng vẻ, các ruộng muối chưa được cải tạo để bước vào vụ sản xuất mới. Theo bà con diêm dân, năm nay do giá muối đầu vụ quá thấp cộng với thời tiết rét lạnh kéo dài hơn nửa tháng nên bà con không mặn nồng bước vào vụ mới.

Trên cánh đồng muối rộng lớn hàng chục ha của thôn Diêm Vân, hiếm hoi lắm chúng tôi mới bắt gặp được một vài diêm dân đang cải tạo đất để sản xuất muối. Ông Lê Ngọc Hải, một diêm dân ở đây cho biết: “Mọi năm vào thời điểm này là đã vào chính vụ sản xuất, muối đổ trắng đồng, người cào, người gánh... làm không hết việc. Còn năm nay, do giá muối đầu vụ khá thấp cộng với thời tiết rét lạnh kéo dài từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4 nên diêm dân không mặn mà vào vụ mới. Mấy năm trước, giá muối đầu vụ thương lái đến tận bờ ruộng thu mua với giá từ 1.400-1.600 đồng/kg, còn năm nay tuy chưa có muối mà giá đã rớt xuống còn 700-800 đồng/kg. Giá “rớt” nhiều như vậy nên người làm muối tính ra không có lãi. Hiện nay, nhiều diêm dân ở đây bỏ hoang đồng muối hoặc cho thuê lại với giá rất rẻ mà không có người làm”.

Diêm dân thôn Diễm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước cải tạo ruộng muối

Bà Trần Thị Mót, ở thôn Diêm Vân cho biết thêm: “Tôi làm muối đã mấy chục năm nay mà chưa năm nào thấy muối vừa mất mùa vừa mất giá như năm nay. Đúng là khổ cực trăm bề, để có được hạt muối phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Trời nắng gắt thì được mùa, nhưng chỉ cần một cơn mưa là mọi thứ đều trở thành “công cốc”. Cứ sau mỗi cơn mưa, diêm dân phải đầu tư cải tạo lại ruộng muối, đầm đi đầm lại nền ruộng, đắp lại bờ, rồi tháo nước chờ từ 4-5 ngày liên tục có nắng gay gắt thì muối mới kết tinh được. Tôi làm 2.500m2 ruộng muối, nhưng từ đầu vụ đến giờ chưa thu hoạch được hạt muối nào, nếu trời nắng tốt thì phải đến cuối tháng này mới cào được đợt muối đầu tiên”.

Theo thống kê, cánh đồng muối thôn Diêm Vân có diện tích khoảng 20 ha. Mấy năm trước, đến giờ này đồng muối ở địa phương đã cho sản lượng muối hàng trăm tấn, nhưng năm nay chưa thu hoạch được hạt muối nào. Thời tiết diễn biến bất thường, cộng với giá thấp làm cho hàng trăm hộ diêm dân ở địa phương lâm vào cảnh túng thiếu, phải vất vả bươn chải thêm nhiều nghề phụ mới lo đủ cái ăn hàng ngày.

Trên các đồng muối xã Mỹ Thanh (huyện Phù Mỹ), Cát Minh (huyện Phù Cát)…, bà con diêm dân cũng đang bắt đầu cải tạo đồng ruộng, đắp bờ, bơm nước… để vào vụ nhưng tâm trạng không vui.

Ông Nguyễn Thanh Hồng ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh (huyện Phù Cát) cho biết: “Thường đầu vụ sản xuất, muối rất có giá, đến chính vụ giá mới hạ dần. Nhưng năm nay, không hiểu vì sao muối lại rớt giá ngay từ đầu vụ. Một gánh muối nặng 50 - 60 kg chỉ bán được 35.000 đồng, thấp hơn cùng kỳ năm trước đến 15.000-20.000 đồng, nhưng bán cũng rất khó khăn. Với mức giá như hiện nay, diêm dân không đủ tiền công đầu tư sản xuất”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các cánh đồng muối ở huyện Phù Mỹ, Phù Cát cũng đang lâm vào hoàn cảnh mất mùa, mất giá do lượng muối tồn kho các năm trước còn lớn và trời mưa lạnh kéo dài thời gian qua. Nếu thời tiết nắng tốt, không xảy ra mưa, lạnh, diêm dân các địa phương mới có muối thu hoạch vào cuối tháng 4 này. Bên cạnh đó, một vấn đề đáng quan tâm là nhiều diện tích đồng muối ở các địa phương đang bị bỏ hoang, không được đưa vào sản xuất do giá muối quá thấp, diêm dân bị thua lỗ…

Giá muối thấp do cung vượt cầu

Đề cập đến việc giá thu mua muối năm nay thấp, lãnh đạo Chi nhánh Công ty cổ phần muối và thương mại miền Trung tại Bình Định cho rằng, do lượng tồn kho các năm trước còn lại quá lớn cộng với chất lượng muối sản xuất trong tỉnh thấp nên giá thu mua bị sụt giảm mạnh. Giá muối hiện công ty đang thu mua tại nhà máy dao động ở mức từ 800-850 đồng/kg, muối thu mua tại ruộng của diêm dân trên 700 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Quang Khải, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần muối và thương mại miền Trung, giá muối đang ở mức khá thấp là do lượng muối ở các tỉnh phía Nam được mùa đổ ra nhiều, muối lại đạt chất lượng tốt hơn ở Bình Định. Theo tính toán, việc sản xuất ở các tỉnh từ Khánh Hòa vào trong Nam, nếu giá muối bán tại ruộng khoảng 700.000-800.000 đồng/tấn là diêm dân có thể “sống được”. Nhưng cũng với giá đó, diêm dân các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi… sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Lý do, ở các tỉnh này diện tích ruộng muối chia cho mỗi nhân khẩu quá thấp, không khai thác hết năng suất lao động trong một ngày. Đã vậy, phần lớn diêm dân ở đây không có nghề phụ, sau khi kết thúc vụ muối, họ chẳng biết làm gì để kiếm thêm thu nhập. Để diêm dân không phải thường xuyên gặp khó khăn, cần thiết phải tạo việc làm, phát triển chăn nuôi hộ gia đình để tạo thêm thu nhập.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, hiện toàn tỉnh có 220 ha ruộng sản xuất muối, với khoảng gần 2.000 hộ diêm dân tham gia làm nghề muối. Thực tế nghề muối trong nhiều năm trở lại đây thường xuyên bấp bênh, đời sống của diêm dân rất cơ cực. Thế nhưng giải pháp để giúp diêm dân thoát khỏi khó khăn thì hầu như chưa được triển khai. Phát triển sản xuất muối sạch, nâng cao giá trị hạt muối cho diêm dân bao giờ thực hiện? Câu trả lời xin nhường cho ngành chức năng!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên