Chương trình cho vay tín dụng học sinh, sinh viên:

Điểm tựa cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn

Từ năm 2007 đến nay, 2 triệu học sinh, sinh viên đã được vay hơn 26.000 tỉ đồng để học tập.

Chương trình cho học sinh, sinh viên vay vốn học tập được triển khai từ năm 2007 với mục tiêu không để học sinh, sinh viên nào bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Sau hơn 3 năm triển khai, hơn 2 triệu học sinh, sinh viên con em gia đình khó khăn đã được vay vốn để tiếp tục học tập. Đây là một chủ trương lớn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc góp phần tích cực trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Tạo cơ hội cho con em nhà nghèo

Gia đình chị Nguyễn Thị Lượng ở xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, Bắc Giang thuộc diện khó khăn. Chồng mất sớm, mọi việc gia đình, nuôi mẹ chồng già yếu và 3 con ăn học đặt lên đôi vai gầy yếu của chị. Chị Lượng cho biết: Thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên việc xoay sở để có tiền cho con đến trường càng trở nên khó khăn hơn theo từng bậc học của chúng.

“Nhiều lúc cực lắm nhưng nghĩ đến tương lai các con thì tôi lại cố gắng. Các chị phụ nữ động viên tôi vay vốn ngân hàng để nuôi con ăn học chứ giờ bỏ dở thì tương lai các cháu lại mờ mịt” - chị Lượng tâm sự.

Nhờ có chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên, chị Lượng được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 24 triệu đồng cho hai cháu lớn học đại học. Số tiền này cùng với thu nhập thêm từ nghề đan lát giúp chị phần nào bớt đi nỗi lo cho con hàng tháng. Dù không nhiều, nhưng đây là chỗ dựa để các cháu được tiếp tục đến trường. Chị chỉ mong hai con học hành thành đạt, ra trường tìm được việc làm, trả hết tiền vay để Ngân hàng Chính sách xã hội có nguồn vốn tiếp tục cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác được vay vốn.

Nhà chị Lượng chỉ là một trong số gần 2 triệu gia đình khó khăn có con đi học được hưởng lợi từ chương trình cho vay tín dụng học sinh, sinh viên theo Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ. Thông qua mạng lưới hoạt động rộng khắp cả nước với 63 chi nhánh cấp tỉnh, hơn 600 phòng giao dịch cấp huyện, 9.500 điểm giao dịch tại các xã phường và trên 200.000 tổ tiết kiệm vay vốn, từ năm 2007 đến nay, 2 triệu học sinh, sinh viên đã được vay hơn 26.000 tỉ đồng để học tập. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên đã làm tốt trách nhiệm trong việc xác nhận, lựa chọn đúng đối tượng cho vay, hướng dẫn sử dụng vốn đúng mục đích và động viên các gia đình trả vốn, lãi đúng hạn quy định.

Ông Vũ Văn Cải, Bí thư Đảng uỷ xã Cẩm Định, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương cho biết: “Chúng tôi bình xét các hộ gia đình có hoàn cảnh thực sự khó khăn. Trên cơ sở chỉ tiêu phân giao của Ngân hàng Chính sách xã hội, Đảng uỷ, UBND xã sẽ chỉ đạo phân xuống các thôn để bình xét từ cơ sở lên. Sau đó Ban chỉ đạo xoá đói giảm nghèo của xã tiếp tục bình xét. Đối với Cẩm Định, nhiều gia đình có từ 2 đến 3 con theo học đại học nếu không có chương trình cho vay này thì rất khó khăn”.

Bài toán việc làm

Hiệu quả của Quyết định 157 đã được chứng minh từ thực tế trong 3 năm qua. Tuy nhiên, để chương trình tín dụng học sinh, sinh viên phát huy hiệu quả hơn nữa cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, ngân hàng, địa phương và các tổ chức xã hội. Mặt khác cần thực hiện tốt việc công khai dân chủ ở cơ sở trong thực hiện tín dụng, xác định đúng đối tượng thụ hưởng từ chương trình. Làm thế nào đảm bảo nguồn vốn ổn định, quay vòng vốn kịp thời để tiếp tục cho vay là một trong những vấn đề mà các cơ quan chức năng cần tính đến.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi đề nghị: “Các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, gắn kết quả cho vay vốn với hiệu quả thực hiện. Chúng ta quan tâm đến số người học phải được tiếp tục duy trì và sau đó là cơ hội việc làm. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội và các ngành khác phải tính toán ngay. Tôi đề nghị các địa phương cần chỉ đạo các tổ tiết kiệm vay vốn tăng cường công tác kiểm tra giúp cho Ngân hàng Chính sách xã hội đảm bảo nguồn vốn trả nợ đúng hạn”.

Trước tình hình giá cả biến động, hạn mức cho học sinh, sinh viên vay học tập cũng được nâng lên từ 800.000 đồng/tháng lên 850.000 đồng/tháng, sau đó tiếp tục nâng lên mức 900.000 đồng/tháng. Các Bộ, ngành liên quan đang tích cực sửa đổi nội dung Quyết định 157 cho phù hợp với tình hình thực tế, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 5 tới. Chủ trương và quyết tâm tiếp tục giữ vững nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đối với học sinh nghèo trong hoàn cảnh đất nước đang gặp nhiều khó khăn, khẳng định sự ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, tạo điều kiện cho những người còn khó khăn trong xã hội được học tập, đào tạo. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục có điểm tựa vững vàng về tài chính để yên tâm học tập, rèn luyện thành người có ích, cống hiến nhiều hơn cho đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên