"Điểm tựa" để đồng bào Nậm Tông, Lào Cai gượng dậy sau trận sạt lở kinh hoàng
VOV.VN - Hơn 2 tuần sau vụ sạt lở kinh hoàng khiến 18 người thiệt mạng, toàn bộ 15 hộ dân ở xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà (Lào Cai) vẫn đang được bố trí ở trong khu lán tạm, cách nơi ở cũ của họ chừng 2 km. Đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng họ đang được sống trong sự quan tâm và cưu mang, đùm bọc, sẻ chia của cấp uỷ, chính quyền địa phương và người dân cả nước.
"Mấy ngày này chúng tôi được xã triệu tập về đây làm nhiệm vụ chuyển gạo, rau, nước, mì tôm…vào Nậm Tông cho dân ăn và phục vụ bộ đội đang tìm kiếm các nạn nhân sạt lở, hiện còn 4 người nữa tìm chưa thấy. Xe ô tô không đi lại được là mình phải lấy đá chèn vào để đi cho dễ. Bất kể nắng hay mưa, đều đi phục vụ, ngày nào cũng thế, có hôm 12 giờ chưa được ăn cơm", một người dân Nậm Tông cho biết.
Bất kể nắng hay mưa, hơn 2 tuần qua, ngày nào anh Phàn Văn Mành ở thôn Nậm Nhù, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà (Lào Cai) cũng cùng thanh niên, dân quân tự vệ ở nhiều bản hăng hái làm nhiệm vụ vận chuyển đồ ăn, thức uống, sửa đường để các lực lượng tiếp cận vùng sạt lở dễ dàng.
"Hôm đấy sáng nó mưa; trưa mình ngủ 1 lúc thì nghe thấy tiếng gì nổ bụp to lắm, mình nghĩ chỗ nào sạt hay sao, mình chạy ra ngoài xem thì thấy đống đất to vừa ụp xuống, mình kêu anh em trong làng đất sạt to quá, mọi người chạy nhanh lên… Lúc đấy đất phía trong khe nổ to như quả bom, kêu bụp một phát, nổ tung lên xong ụp hết các nhà phía dưới luôn", anh Mành nói.
Vụ việc anh Lý Seo Khanh, người dân thôn Nậm Tông vừa kể diễn ra vào trưa ngày 10/9 vừa qua. Dù nằm trên sườn đồi dốc, nhưng thôn của anh từ thời cha ông vốn rất thanh bình, với những nương ngô, đồi quế phủ kín, xanh ngát.
Tuy nhiên, sau các trận mưa lớn sầm sập kéo dài, sạt lở đất bất ngờ xảy ra đã vùi lấp hoàn toàn nhà ở của 8 hộ dân, cướp đi sinh mạng của 18 người, nhiều người trong số đó là họ hàng thân thích của anh.
Lý Thị Thuỷ Vân năm nay 8 tuổi. Vụ sạt lở đã cướp đi sinh mạng của bố mẹ và các anh chị em ruột của em; hiện em đang được bác họ của em là Ma Thị Sua cưu mang ở cùng trong khu lán tạm: "Bé mất bố mất mẹ thương lắm. Bây giờ không ai chăm sóc nữa rồi; đi học về không ai giặt giũ cho. Mình là bác của cháu mình thấy rất thương".
Hiện nay phần lớn các hộ dân xóm bản Cái vẫn chưa thể đi làm, do quanh nương rẫy của họ vẫn có nguy cơ sạt lở; một số khác thì hàng ngày vẫn cùng lực lượng chức năng tìm kiếm 4 người vẫn còn đang mất tích sau sạt lở.
Chị Hạng Thị Đậu – một trong số những người đang ở trong khu lán tạm cho biết, những ngày qua, gạo và đồ ăn của toàn bộ 15 hộ gia đình và các lực lượng tìm kiếm đều do chính quyền xã và các nhà thiện nguyện cung cấp: "Ở đây hàng ngày bộ độ nấu các thứ cho mình ăn. Mình cũng nấu cơm, rửa bát cùng bộ đội. Khi nấu xong thì bày ra cho mọi người ăn cùng nhau".
Theo ông Sầm Phượng Long, Chủ tịch UBND xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, trong đợt mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 vừa qua, cả 10 thôn bản trong xã đều bị ảnh hưởng, nhưng xóm bản Cái, thôn Nậm Tông là thiệt hại nặng nhất. Hiện toàn xã có khoảng 160 hộ dân phải di dời do ở trong vùng nguy hiểm sạt lở.
Ngày 22/9 vừa qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, UBND tỉnh Lào Cai phối hợp với đơn vị tài trợ đã tổ chức khởi công tái thiết khu dân cư thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà tại vị trí mới trên đồi cao ven đường đi vào khu thôn cũ trên tổng diện tích khoảng 8 ha, đủ bố trí nơi ở cho trên dưới 70 hộ dân.
Trước mắt, dự án sẽ xây dựng 15 căn nhà cho những hộ bị mất nhà cửa; 1 điểm trường gồm 2 phòng mẫu giáo, 2 phòng tiểu học; 1 nhà sinh hoạt cộng đồng và các công trình phụ trợ; phấn đấu đưa vào sử dụng trước 31/12 tới.
"Dự kiến chỗ này sẽ tạo mặt bằng mất khoảng 1 tháng. Còn làm nhà thì nhà xây cấp 4 cũng chỉ mất khoảng 1 tháng. Vậy nên trong khoảng 2 tháng là con sẽ có chỗ ở ổn định. Về lâu dài, chính quyền địa phương sẽ chỉ đạo các hộ tiếp tục khôi phục lại ruộng; trồng và chăm sóc cây quế để khôi phục lại cuộc sống", ông Long nói.
Chủ tịch UBND xã Nậm Lúc cũng cho biết, những ngày qua, rất nhiều đoàn thiện nguyện từ mọi miền đất nước đã không quản đường xa mang lương thực, thực phẩm tới cứu trợ đồng bào Nậm Tông. Đau thương, mất mát, đối mặt với muôn vàn khó khăn sau mưa lũ, song sự quan tâm, đùm bọc, sẻ chia của cấp uỷ, chính quyền các cấp và sự chung tay của cộng đồng đã trở thành điểm tựa, giúp bà con từng bước khắc phục khó khăn, ổn định đời sống.