Điện Biên sẵn sàng cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 và năm học mới

VOV.VN - Theo lộ trình đổi mới, từ năm học 2022 - 2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai áp dụng đối với học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Nội dung chương trình được đánh giá có nhiều đổi mới, yêu cầu người dạy và người học phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt.

 

Để chuẩn bị tốt nhất cho việc giảng dạy chương trình này, ngành GD-ĐT tỉnh Điện Biên đã tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên,… vừa sẵn sàng bước vào năm học mới, vừa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn.

Trong 3 tháng nghỉ hè, khi học sinh được nghỉ ngơi sau một năm học vất vả các thầy, cô giáo Trường THCS Noong Hẹt, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên luôn bận rộn với việc nghiên cứu sách giáo khoa, phương pháp, nội dung để giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Bên cạnh việc tham gia các lớp tập huấn do ngành tổ chức, hầu hết các thầy, cô giáo đều tự học tập, trao đổi kinh nghiệm với các thành viên trong tổ chuyên môn về việc thực hiện chương trình sao cho khi vào năm học mới sẽ khai thác, sử dụng hiệu quả sách giáo khoa, các nguồn học liệu.

Cô giáo Lương Thị Dung, Hiệu trưởng Trường THCS xã Noong Hẹt cho biết: Năm học 2022-2023, nhà trường dự kiến có 14 lớp, trong đó khối 8, 9 đang thực hiện mô hình trường học mới; học sinh khối lớp 6 và 7 học tập theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để đáp ứng yêu cầu của năm học và chương trình giảng dạy, năm học này, nhà trường đã tu sửa, cải tạo gần 10 phòng lớp học, đồng thời chuẩn bị đầy đủ trang, thiết bị dạy học, phù hợp với thực tiễn. Đây là điều kiện để các thầy, cô giáo vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh trong quá trình thực hiện, giảng dạy: "Để chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023 nhà trường đã tập trung tu sửa cơ sở vật chất, tạo cảnh quan trường lớp cho năm học mới, đẩy nhanh sửa chữa các phòng lớp học chức năng, khắc phục những hạng mục cảm thấy không an toàn cho học sinh. Đội ngũ giáo viên 100% đã được bồi dưỡng, tập huấn về chương trình sách giáo khoa lớp 7 ngay từ đầu tháng 6. Trong thời gian tập huấn, giáo viên cũng đã tranh thủ nghiên cứu các nội dung và đề xuất ra những nội dung khó, từ đó nhà trường lại đề xuất về phòng để thực hiện bồi dưỡng trong hè".

Năm học 2022 - 2023 cũng là năm học thứ 4 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp tiểu học, trong đó học sinh khối lớp 3 sẽ tiếp cận với sách giáo khoa và môn học mới. Các môn: Tin học, tiếng Anh được triển khai đại trà đòi hỏi về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất các phòng học thực hành tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của chương trình này.

Cô giáo Đào Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Yên, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên cho biết: Trước thực tế đó, nhà trường nói riêng và các trường tiểu học trong địa bàn nói chung đã chuẩn bị chu đáo về đội ngũ giáo viên đảm bảo cơ cấu đủ theo các môn học: tin học, ngoại ngữ, mỹ thuật, âm nhạc, giáo dục thể chất. Vận dụng linh hoạt nhiều giải pháp chuẩn bị cho thực hiện chương trình đối với lớp 1, 2 và việc thay sách giáo khoa đối với lớp 3 trong năm học này.

 "Đối với phòng học các bộ môn như âm nhạc, mỹ thuật, tin học và ngoại ngữ nhà trường vừa đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 của năm học vừa rồi, vì vậy tất cả các phòng đều đạt chuẩn. Trong những ngày hè các thầy cô bộ môn tin học vẫn thường xuyên đến trường để chuẩn bị máy, đảm bảo chất lượng cho các con trong năm học tới. Đối với nhà trường khối 1, 2 những năm học trước đã được tiếp cận với môn tiếng Anh và môn Tin học, tuy số lượng ít và không phải bắt buộc nhưng nhà trường vẫn tạo điều kiện cho các con tiếp cận. Vì vậy với những môn học này lên lớp 3 các con sẽ tiếp cận vững vàng hơn và đạt hiệu quả hơn"- cô Hường nói.

Hiện nay, tại tỉnh Điện Biên, việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7 năm học mới đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương chuẩn bị chu đáo, từ việc tập trung rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà cho biết: Các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã hoàn thành công tác lựa chọn SGK lớp 3, lớp 7 và phối hợp với các nhà xuất bản sách tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường. Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, phòng còn triển khai mua bổ sung cho thư viện các trường để đảm bảo đủ sách cho các em khi bước vào năm học. Nhờ vậy đến nay các công việc chuẩn bị cho triển khai thực hiện chương trình cơ bản đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu: "Về đội ngũ giáo viên, phòng cũng đã chỉ đạo các đơn vị nhà trường rà soát số lượng học sinh để sắp xếp mạng lưới, quy mô trường lớp của toàn ngành. Từ đó phòng sẽ phân bổ số lượng giáo viên vừa đảm bảo về số lượng, chất lượng, cơ cấu của bộ môn đối với bậc THCS. Đối với vấn đề sách giáo khoa chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị nhà trường ngay sau năm học 2021-2022 vận động các học sinh, phụ huynh học sinh khối lớp 1,2,6 giữ gìn bảo quản tốt sách giáo khoa của những năm học trước để ủng hộ cho học sinh những năm học sau có hoàn cảnh khó khăn sử dụng. Đối với sách giáo khoa của lớp 3 và lớp 7 các đơn vị nhà trường đã động viên phụ huynh học sinh, đến nay 100% học sinh đã đủ sách giáo khoa cho năm học mới".

Năm học này, toàn tỉnh Điện Biên dự kiến có 608 trường, trung tâm với tổng số hơn 207.100 học sinh. Trong đó có khoảng 2.790 lớp với hơn 80.200 học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết: Bên cạnh chuẩn bị cơ sở vật chất, tập huấn cho giáo viên, ngành quan tâm, chú ý những điều chỉnh đối với chương trình môn học lịch sử, tổ hợp môn học tự chọn đối với lớp 10 để tạo sự đồng thuận của học sinh, phụ huynh và xã hội. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc đối tượng chính sách, học sinh hộ nghèo và cận nghèo với mục tiêu không để học sinh nào bị thiếu sách trước khi vào năm học mới.

 "Để chuẩn bị cho năm học mới ngay từ học kỳ 2 của năm học 2021-2022, ngành giáo dục đã tập trung tham mưu, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác chuẩn bị cho năm học mới. Đặc biệt là vấn đề về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương. Về vấn đề sách giáo khoa ngành cũng đã tham mưu cho tỉnh thành lập hội đồng về chọn sách theo quy định của Bộ GD-ĐT"- ông Đoạt nói.

Đến thời điểm hiện nay, công tác chuẩn bị cho năm học mới của tỉnh Điện Biên đã hoàn tất. Với sự chuẩn bị chu đáo cả về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị và sự quyết tâm của toàn ngành, năm học mới này sẽ được kỳ vọng mang lại nhiều kết quả tích cực, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo theo hướng đổi mới toàn diện./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Năm học mới, nhà trường chỉ được phép thu những khoản nào?
Năm học mới, nhà trường chỉ được phép thu những khoản nào?

VOV.VN - Theo các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ GD-ĐT, vào đầu năm học nhà trường chỉ được phép thu của học sinh các khoản: học phí, BHYT học sinh, quần áo đồng phục...

Năm học mới, nhà trường chỉ được phép thu những khoản nào?

Năm học mới, nhà trường chỉ được phép thu những khoản nào?

VOV.VN - Theo các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ GD-ĐT, vào đầu năm học nhà trường chỉ được phép thu của học sinh các khoản: học phí, BHYT học sinh, quần áo đồng phục...

Tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên cho năm học mới
Tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên cho năm học mới

VOV.VN - Chỉ còn ít ngày nữa, năm học mới 2022-2023 sẽ chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, cả nước vẫn còn thiếu hơn 95.000 giáo viên. Đây là bài toán “cân não” và đặt ra thách thức lớn đối với các địa phương, với ngành giáo dục.

Tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên cho năm học mới

Tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên cho năm học mới

VOV.VN - Chỉ còn ít ngày nữa, năm học mới 2022-2023 sẽ chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, cả nước vẫn còn thiếu hơn 95.000 giáo viên. Đây là bài toán “cân não” và đặt ra thách thức lớn đối với các địa phương, với ngành giáo dục.

Bộ GD-ĐT yêu cầu không để xảy ra tình trạng thiếu SGK đầu năm học mới
Bộ GD-ĐT yêu cầu không để xảy ra tình trạng thiếu SGK đầu năm học mới

VOV.VN - Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học.

Bộ GD-ĐT yêu cầu không để xảy ra tình trạng thiếu SGK đầu năm học mới

Bộ GD-ĐT yêu cầu không để xảy ra tình trạng thiếu SGK đầu năm học mới

VOV.VN - Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học.