Điện nông thôn: Biến ước mơ thành hiện thực
Tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn đang là nhu cầu cấp thiết của người dân, đặc biệt là người dân nông thôn ở Nam Định, vì chính quyền lợi mà người dân được quyền hưởng
Điện sinh hoạt chỉ 80V – khó tin mà có thật
Có một chuyện thật như đùa về chất lượng điện thấp đến mức khó tin mà đoàn phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam được chứng kiến ở một tỉnh đồng bằng như Nam Định. Đó là ở thôn Lạc Chính, xã Nam Tiến, huyện Nam Trực. Điện ở đây thường ở mức 80V, tức là mang tiếng có điện nhưng gần như không thể dùng được bất kỳ thiết bị điện nào. Chất lượng điện ở đây như vậy đã kéo dài trong nhiều năm.
Người dân ở trong thôn khi thấy chúng tôi đến quay phim, chụp ảnh thì nói rất dõng dạc: “Ở đây làm gì có điện để mà tiết kiệm cơ chứ. Chúng tôi rất muốn có điện để dùng, nhưng với điện áp thế này thì chỉ thắp được đèn thôi. Nghe nói Điện lực tỉnh sắp tiếp nhận lưới điện nên chúng tôi mừng lắm. Chứ điện đóm thế này thì còn khổ hơn ở vùng sâu, vùng xa”.
Hỏi các cán bộ chính quyền xã Nam Tiến và điện lực huyện Nam Trực đi cùng, chúng tôi được biết do hệ thống lưới điện quá cũ nát, lại không được cải tạo, đầu tư do những “nhà thầu điện” tư nhân không chịu bỏ vốn ra làm khiến tổn thất điện lớn, nên chất lượng điện ở đây mới thê thảm như vậy. Vào nhà chị Tạ Thị Ngọ - một nhà dân ngay bên đường ở trong thôn, chúng tôi khá bất ngờ khi nhìn thấy một “hệ thống điện” tự chế chỉ để thắp sáng 1 bóng đèn compact loại công suất thấp: Một chiếc ắc-quy luôn được cắm điện để sạc điện, với hệ thống dây dợ cung cấp điện cho cái bóng đèn nho nhỏ đó.
Chị Ngọ cho biết, điện ở đây chỉ khoảng 80V, nên muốn sử dụng được điện thì hầu như các hộ gia đình ở đây phải mua một máy biến áp LIOA để kích điện lên 110V. Nhà chị cũng làm như vậy và mua một chiếc tivi dùng điện áp 110V để xem. Chiếc tivi khá cũ và cũng có lẽ khoảng 20 năm trở lại đây chúng tôi mới thấy. Thế mà nhiều khi cũng không xem được vì điện yếu quá. Theo chị Ngọ, các thiết bị điện 220V ở thôn này như một thứ xa xỉ vì không dùng được do điện quá yếu, chứ không phải người dân không có tiền để mua sắm. “Có tiền mà không thể mua đồ về dùng thì tức anh ách thế nào ấy các anh, chị ạ! Sắp tới, ông điện lực tỉnh tiếp nhận lưới điện thì điện sẽ khoẻ ngay thôi mà. Tôi sẽ mua hẳn một cái tivi mới, một cái tủ lạnh mới để dùng cho bõ những ngày thiếu thốn” - chị Ngọ vừa nhặt đỗ xanh, vừa đáo để nói.
Chị Ngọ bên hệ thống ắc quy tích điện để thắp sáng |
Ông Nguyễn Quang Quân - Trưởng Chi nhánh điện huyện Nam Trực đi cùng chúng tôi bộc bạch: “Các anh, chị thấy đấy. Thực tế điện áp như vậy thì làm sao nâng cao được đời sống cho người dân. Chính vì vậy, người dân ở đây rất mong mỏi ngành điện tiếp nhận và quản lý lưới điện ở thôn này. UBND, HĐND, Đảng uỷ xã Nam Tiến về cơ bản đã nhất trí bàn giao lưới điện cho chúng tôi. Khoảng 3 tháng nữa (tháng 7), chúng tôi đảm bảo sẽ có điện tốt, điện khoẻ để bà con dùng. Còn với địa bàn toàn huyện, chúng tôi cố gắng đến tháng 8 năm nay sẽ tiếp nhận hết”.
Tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn – lợi ích chính đáng của người dân
Từ tháng 7/2008, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc triển khai thực hiện tiết kiệm trong sử dụng điện và tiếp nhận, quản lý và cải tạo lưới điện hạ thế nông thôn, Điện lực Nam Định đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp và đạt được một số kết quả khả quan. Ở Nam Định, việc triển khai và thực hiện tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn có thể coi là muộn so với các địa phương khác, nhưng việc làm này đang được sự ủng hộ của người dân nông thôn từ chính những lợi ích mà ngành điện đem lại. Đó là giá điện rẻ hơn, chất lượng và dịch vụ điện tốt hơn so với trước đây.
Nam Định có hơn 2 triệu dân, với hơn 500.000 hộ sử dụng điện. Đến hết tháng 12/2008, Điện lực Nam Định đã tiếp nhận được 72 xã trên tổng số 196 xã, thị trấn, với tổng số hộ dân được mua điện theo giá quy định của Chính phủ là 250.000 hộ.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo cho Điện lực Nam Định trong năm 2009 phải tiếp nhận xong lưới điện hạ thế nông thôn. Đây cũng là khó khăn và thách thức không nhỏ đối với Điện lực Nam Định do cơ sở hạ tầng lưới điện của tỉnh nói chung khá cũ nát, sử dụng đã lâu, thất thoát điện năng khá lớn (trung bình từ 27-34%) nên công tác cải tạo cần được tiến hành từng bước để đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho người sử dụng. Ông Trần Quốc Đạt cho rằng: “Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động trong thời gian qua, cùng với việc nhận được sự ủng hộ của các cấp ban, ngành cũng như nhân dân trong tỉnh nên chúng tôi tin là sẽ hoàn thành chỉ tiêu được giao. Bên cạnh đó, Điện lực Nam Định cũng mong sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn của Điện lực cấp trên để sau khi tiếp nhận có thể triển khai tốt việc cải tạo và quản lý lưới điện”.
Đối với các xã, thị trấn đã được tiếp nhận, Điện lực Nam Định đã trình Công ty Điện lực I Miền Bắc phê duyệt 130 dự án cải tạo giai đoạn 1 với tổng số vốn 220 tỷ đồng. Bên cạnh việc cải tạo lưới điện hạ thế, Điện lực tỉnh cũng đang triển khai thủ tục đầu tư cho dự án vay vốn nước ngoài để nâng công suất cho lưới điện trung áp nông thôn. Dự án này được triển khai trên địa bàn 10 huyện, thành phố và bình quân tại mỗi xã sẽ xây dựng thêm 1 trạm biến áp. Kế hoạch này dự kiến sẽ khởi công vào đầu Quý IV năm nay./.