Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội là đúng hay sai?
VOV.VN -ĐBQH Bùi Sĩ Lợi đề nghị Quốc hội nên tổng kết để khẳng định điều 60 Luật BHXH được tồn tại hay không tồn tại.
Ngày 26/7, phát biểu tại Quốc hội, ông Bùi Sĩ Lợi (ĐBQH Thanh Hóa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho biết, rất nhiều đại biểu, kể cả vừa mới trúng cử nói điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 là sai, kể cả trên một số phương tiện truyền thông.
Theo ông Bùi Sĩ Lợi, đây là điều rất đáng buồn và ông cần phải nói rõ về vấn đề này.
Ông Bùi Sĩ Lợi trong một lần trả lời báo chí tại hành lang Quốc hội
“Tôi khẳng định điều 60 không sai” – ông Bùi Sĩ Lợi nói. Theo đó, ông đưa một số căn cứ. Thứ nhất, đảm bảo đúng quan điểm của Đảng, Nhà nước theo Nghị quyết 15, Nghị quyết 21 và Thông báo số 63 của Bộ Chính trị. Chúng ta muốn mở rộng đối tượng tham gia BHXH để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Thứ hai, Luật BHXH quy định tham gia BHXH bắt buộc không có chuyện muốn “vào ra” là được; không có chuyện đóng 1 – 2 năm rồi ra. Thứ ba, nhận BHXH một lần rất bất lợi cho người lao động. Người lao động muốn đóng bao nhiêu năm để được hưởng phải theo quy định, nhưng từ tối thiểu phải 2 năm. Nhưng 2 năm đó chỉ bằng 2,6 lần tiền lương đóng vào, có nghĩa đóng vào nhiều hơn, rút ra ít hơn.
Ông Bùi Sĩ Lợi phát biểu: “Người ta cảm tưởng được nhận một cục là để lo đời sống trước mắt. Nhưng đến về già, họ sống bằng nguồn nào? BHXH khác với BHYT, bởi nó là của để dành, của anh tôi trả cho anh. Không may anh mất, tôi trả lại tiền tuất. Anh không đóng tiếp, anh có thể tham gia BHXH tự nguyện, sau đó vào nhà nước lại tiếp tục đóng. Tức là rất lưu thông, thông tuyến trong việc này”.
Tháng 3/2015, công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đình công để bày tỏ quan điểm không đồng ý với quy định tại Điều 60 về giải quyết bảo hiểm xã hội 1 lần (Ảnh: KT) |
ĐB Bùi Sĩ Lợi nhắc lại bài học của những năm 90 từ Quyết định 176, để lại 700.000 người về một lần. Bây giờ không có chính sách, chờ đến 80 tuổi được 180.000 đồng chăm sóc xã hội của Nhà nước và bây giờ chúng ta đang kiến nghị lên 270.000. Vậy điều này đúng hay sai?
Vậy tại sao chúng ta lại ra Nghị quyết về điều 60? Ông Lợi lý giải: Khi ban hành luật này và chưa có hiệu lực thi hành, tại một số doanh nghiệp, người lao động phản đối. Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc giải thích chính sách chưa đến nơi đến chốn, làm cho người lao động chưa tin vào việc quản lý quỹ BHXH.
“Chúng ta không nên nghĩ điều 60 là sai. Mà chúng ta ra Nghị quyết là để giải quyết vấn đề tức thời. Nghị quyết ra đời là để giải quyết tình thế. Tôi cũng đề nghị Quốc hội nên tổng kết vấn đề này để khẳng định điều 60 được tồn tại hay không tồn tại” – ông Bùi Sĩ Lợi kết luận./.
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (ngày 22/6/2015), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết “về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc”. Theo Nghị quyết: Người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật BHXH (năm 2014).
Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH, khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần. Mức hưởng BHXH một lần đối với người tham gia BHXH bắt buộc được tính theo số năm đã đóng BHXH.
Nghị quyết cũng khẳng việc việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật BHXH hướng đến mục tiêu an sinh xã hội lâu dài cho người lao động; thực hiện chính sách BHXH tự nguyện có sự hỗ trợ của nhà nước. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.