Điều 60 Luật BHXH: Người dân nói gì?
VOV.VN - Một số ý kiến cho rằng: các nhà làm Luật ở Việt Nam cần sát thực tế hơn.
Xung quanh vấn đề Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét sửa lại điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, sau khi có phản ứng từ phía công nhân, một số ý kiến cho rằng: Các nhà làm Luật ở Việt Nam cần sát thực tế hơn.
Giám đốc công ty TNHH Bình Hương (quận 1, TP HCM) Lê Ngọc Bình cho rằng: Cứ mong rằng khi những người ban hành luật nên xem xét lấy ý kiến chung để ban luật cho sâu, sát hơn. Tôi thấy việc ban hành luật, chưa bao lâu lại có luật sửa đổi thì cũng một phần làm chậm đi sự phát triển của đất nước. Tôi mong tất cả các luật nói chung nên ban hành, xem xét và lấy ý kiến chung để tránh luật chưa đi vào đời sống đã phải sửa đổi.
Anh Trần Văn Phúc, ở thành phố Tân An, tỉnh Long An nói: “Theo tôi, khi làm luật nên lấy ý kiến rộng rãi. Chứ luật này tôi cũng chưa được lấy ý kiến gì về Bảo hiểm xã hội. Chắc khi lấy ý kiến chỉ lấy chiếu lệ, lấy ở những người đại diện Công đoàn, cho nên những điều Luật đưa ra nhiều khi không phù hợp với thực tế. Rõ ràng từ 2014 đến nay, nhiều thông tư nghị định, luật và văn bản dưới luật vừa mới ban hành chưa ráo mực đã bị quần chúng phản đối. Đây là bệnh chung và buộc phải sửa nhưng rõ ràng là tốn kém và mất nhiều thời gian.
Anh Lê Công Nghĩa, người dân ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho rằng: để luật đi vào cuộc sống, các cơ quan làm luật phải lắng nghe và tiếp thu những ý kiến xác đáng của những người trực tiếp bị tác động bởi luật này.
“Tôi nghĩ làm luật nên lắng nghe ý kiến của người lao động nhiều hơn. Vì thực tế chờ đến tuổi về hưu mới được lãnh bảo hiểm xã hội thì đó là một sự chờ đợi lâu. Vì nhiều lao động làm việc chưa đến đến tuổi hưu đã nghỉ, doanh nghiệp cũng sử dụng chưa đến hết tuổi lao động như sức khỏe yếu cũng không sử dụng. Đối với các ngành như thuộc da, gỗ… lao động nặng nhọc thì hơn 40 tuổi đã chuyển ngành tìm việc khác chứ không thể đợi tuổi hưu, nhất là nữ". Anh Nghĩa nói.
Quan tâm đến các vấn đề liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội nhiều người dân TP Đà Nẵng, đặc biệt là điều 60 của Luật này, ông Hồ Thăng Trừng ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng nêu ý kiến: “Điều 60 của Luật BHXH không phù hợp, mới ra đời chưa thực hiện mà đã sửa, những người tham mưu hơi xa rời suy nghĩ của người lao động. Quan điểm của chúng ta là chú trọng đến người lao động thế nhưng chúng ta làm như thế ngược ý chí, ngược với nguyện vọng của người lao động. Theo tôi, nguyện vọng của người lao động muốn nhận một lần thì nên cho người ta nhận. Còn có người họ nhận một lần bởi vì họ chuyển công tác từ đơn vị này qua đơn vị khác thì họ chưa cần nhận thì họ tiếp tục làm việc để cống hiến với xã hội và họ còn sức lao động thì chúng ta nên tôn trọng”.
Còn ông Phạm Hồng Sương ở TP Đà Nẵng cho biết: “Điều 60 Luật BHXH chưa đi vào cuộc sống mà đã sửa đổi ảnh hưởng đến đời sống. Tôi thấy Bảo hiểm xã hội mà cho nhận một lần là không thực thi, bởi vì nếu đối với những người khỏe mạnh thì có thể nhận đồng lương một lần, họ có cơ hội phát triển đồng tiền mỗi ngày một lớn thì họ sống sung sướng hơn. Về hưu 5 đến 7 năm sau có thể họ yếu đi, có thể họ không làm việc được nữa họ sống bằng cái gì. Tốt nhất duy trì người lao động tháng nào cũng có đồng lương trong tay"./.