Điều 60 Luật BHXH: Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH phân tích thiệt hơn
VOV.VN -Lĩnh bảo hiểm xã hội một lần có thể giải quyết vấn đề trước mắt nhưng về vấn đề an sinh xã hội lâu dài lại đáng lo ngại.
Việc giải quyết bảo hiểm xã hội một lần tuy tạo điều kiện cho người lao động có ngay thu nhập trang trải cuộc sống trước mắt nhưng về lâu dài sẽ khó khăn cho bản thân họ, cũng như gia đình và xã hội. Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 định hướng mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về nội dung này.
PV: Xin ông cho biết, việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước mắt có lợi gì cho người lao động?
Ông Phạm Minh Huân: Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 cho người lao động có quyền lựa chọn hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, hoặc tích lũy thời gian đó, sau này có điều kiện để được hưởng lương hưu. Qua quá trình thực hiện cho thấy, số người hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần có xu hướng tăng lên. Về trước mắt, việc lĩnh bảo hiểm xã hội một lần có thể giải quyết vấn đề trước mắt nhưng về vấn đề an sinh xã hội lâu dài, mục tiêu, nhất là đến khi hết tuổi lao động, giảm khả năng lao động hoặc không còn khả năng lao động thì khi đó không có lương hưu. Đây là thực tế cũng rất đáng lo ngại. Khi đó người lao động không biết sống dựa vào cái gì.
PV: Hiện nay, hạn chế việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ gây khó khăn cho một bộ phận người lao động không tham gia vào thị trường lao động lâu dài. Theo ông, cần có những giải pháp gì?
Ông Phạm Minh Huân: Hiện nay, chúng ta mới có 20% lực lượng trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Trong thời gian tới, chúng ta phấn đấu và đặt ra mục tiêu là 50%. Vì vậy, một giải pháp để tăng đối tượng tham gia bảo hiểm lên là phải hạn chế việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần; khuyến khích vận động, tuyên truyền để người lao động hiểu lợi ích, tính an sinh lâu dài để tích lũy thời gian tham gia bảo hiểm để sau này có cơ hội để hưởng lương. Lần này, trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 mở thêm tham gia bảo hiểm tự nguyện và đa dạng trong mức đóng, phương thức đóng, liên thông với bảo hiểm bắt buộc để người lao động không phải trong khu vực quan hệ lao động thì mới tham gia bảo hiểm xã hội, thậm chí người nông dân, thợ thủ công, người lao động tự do cũng có thể tham gia. Với cơ hội như vậy, rõ ràng việc bảo lưu thời gian rất tốt, nếu chưa đủ điều kiện thì có tham gia bảo hiểm tự nguyện để có đủ điều kiện hưởng lương hưu.
PV: Liên quan đến quy định Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian tới, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ có kế hoạch tuyên truyền như thế nào để người lao động, doanh nghiệp tiếp cận, hiểu rõ hơn về quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014?
Ông Phạm Minh Huân: Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ Lao động báo cáo Ủy ban Thường vụ quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo, để trình Quốc hội xem xét quyết định có sửa Điều 60 hay không theo hướng tăng sự lựa chọn về cho người lao động. Về việc này, Quốc hội sẽ cân nhắc. Chúng tôi mong báo chí góp sức cùng cơ quan quản lý nhà nước để tuyên truyền, giải thích cho người lao động rõ lợi ích của việc tích lũy thời gian để sau này có thể hưởng lương hưu, lợi ích lâu dài như thế nào. So với hưởng một lần thì sẽ có lợi ích gì. Thứ hai là phải minh bạch thông tin để người lao động yên tâm cũng như xử lý các vấn đề mà người lao động đang đặt ra, như vấn đề trượt giá, đầu tư quỹ như thế nào cho có hiệu quả. Những vấn đề đó, các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt các thủ tục để người tham gia được đơn giản, thuận tiện. Chính phủ cũng đang chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt để đáp ứng nguyện vọng của người lao động.
PV: Xin cảm ơn ông!