Điều chỉnh thông tin trên mạng xã hội bằng luật pháp và đạo đức
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn: Phải điều chỉnh những thông tin sai lệch trên mạng xã hội gây ảnh hưởng xấu đến cá nhân, tổ chức, cộng đồng… bằng luật pháp và đạo đức.
"Dù bất kỳ với tư cách gì mà anh đưa thông tin cấm thì anh đều vi phạm pháp luật. Những tin, tài liệu thuộc danh mục mật Nhà nước, một Facebooker hoặc một nhà báo mà đưa tin đó thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như nhau".
Đó là trả lời của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trước câu hỏi của phóng viên về cách ứng xử trước "dòng chảy" thông tin trên báo chí và mạng xã hội hiện nay.
PV: Với trọng trách quản lý nhà nước về thông tin báo chí, ông có cảm thấy ngợp trước một mặt trận thông tin đa chiều như hiện nay? Ngoài lượng thông tin trên các ấn phẩm báo chí chính danh, có thể gọi mặt kêu tên thì còn có một khối lượng thông tin khổng lồ trên mạng xã hội, mà có vẻ như dòng thác thông tin trên mạng xã hội đang lôi cuốn người đọc ngày càng mạnh mẽ?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Việt Nam là một trong những nước khu vực châu Á có tốc độ phát triển Internet nhanh. Môi trường Internet mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, nhất là thông tin. Đây cũng là xu hướng tất yếu của ngành truyền thông.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời phỏng vấn các cơ quan thông tấn, báo chí. |
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mà Internet mang lại thì các nguy cơ và tác động tiêu cực từ Internet hiện hữu và rất đa dạng. Những nhóm vấn đề chung của thông tin trên Internet đã được thống kê là vi phạm bản quyền, xâm phạm đời tư, phỉ báng gây tổn hại danh dự cá nhân, quảng cáo trá hình, ngụy tạo hình ảnh, đính chính và siêu liên kết với các mạng ngoài.
Nguy cơ gián điệp mạng đã trở nên phức tạp, nguy hiểm. Tấn công làm tê liệt hoặc chiếm quyền kiểm soát các trang web là rất nghiêm trọng. Chúng ta cũng thấy hiển hiện nguy cơ sử dụng môi trường Internet để phát tán những thông tin bịa đặt, thông tin không được kiểm chứng, không có nguồn gốc đáng tin cậy nhằm vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, thương hiệu; gieo rắc tư tưởng, tổ chức các hoạt động khủng bố, phá hoại.
Điều đáng tiếc là các thông tin này nhiều khi lại được đọc, chia sẻ và lan truyền, gây nên các hiệu ứng và hậu quả không tốt trong xã hội.
Vấn đề thông tin trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay là luật pháp chưa nghiêm và ý thức pháp luật của người sử dụng mạng xã hội kém. Là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Bộ TT&TT hiện đang tích cực xây dựng và điều chỉnh chính sách để hạn chế tối đa tác hại do mặt trái của Internet gây ra đồng thời tạo điều kiện để môi trường Internet phát triển lành mạnh hơn.
PV: Hẹp hơn một chút, chỉ riêng trên mạng xã hội, xa lộ thông tin này chảy không ngừng, chạm đến muôn mặt cuộc sống, và đôi khi chỉ cần “sẩy chân”, người đọc sẽ bị cuốn theo dòng thông tin của nó, bất kể là sai hay đúng, trung thực hay bịa đặt…
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Về bản chất, thông tin trên mạng xã hội có thể tạo ra “hiệu ứng cánh bướm”. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng môi trường Internet là môi trường rất dễ kiểm chứng thông tin. Một người đọc thông minh sẽ tự trang bị cho mình những kỹ năng để tìm kiếm, thu thập thông tin một cách hiệu quả. Tôi nghĩ những thông tin bịa đặt sẽ bị lật tẩy ngay!
PV: Không còn một cách nào ngăn dòng chảy thông tin trên mạng xã hội để sàng lọc nó giúp cộng đồng bằng chính thông tin chính danh trên báo chí?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Tại sao lại phải ngăn chặn dòng chảy thông tin trên mạng xã hội? Mạng xã hội có những mục tiêu như giao lưu, chia sẻ thông tin vượt ra khỏi giới hạn địa lý, xây dựng một mẫu định danh trực tuyến nhằm phục vụ những yêu cầu công cộng chung và những giá trị cộng đồng…
Chúng ta tôn trọng những giá trị đã được hình thành và cộng đồng thừa nhận. Do đó, những giá trị tích cực cần được phát huy mạnh mẽ, đồng thời phải loại bỏ, hạn chế những tác động tiêu cực từ truyền thông mạng.
Báo chí chính thống là kênh thông tin quan trọng, chính xác và có trách nhiệm. Tuy nhiên để đối phó với những dạng thông tin không chính xác chiếm đa phần trên mạng xã hội bằng thông tin trên báo chí chính thống là một giải pháp không căn cơ.
Chúng ta phải điều chỉnh những thông tin sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến cá nhân, tổ chức, cộng đồng… bằng khuôn khổ của luật pháp và đạo đức.
PV: Cần phải thẳng thắn nói với nhau điều này, cái gian nan nhất của báo chí chính thống là không phải tin nào cũng có thể đưa, hoặc vì lợi ích quốc gia, bí mật nhà nước, ứng xử ngoại giao quốc tế….trong khi đó thì mạng xã hội tung tẩy thoải mái, thậm chí dòng tin nào báo chí chính thống hạn chế đưa thì mạng xã hội càng nóng, và suy diễn, và đồn đoán và lôi kéo người đọc?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Bất cứ điều gì được quy định trong luật nghiễm nhiên phải được thực hiện. Những gì luật pháp có quy định cấm thì không được làm. Cơ quan báo chí hoặc mạng xã hội, nhà báo hoặc cư dân mạng đều được hưởng sự công bằng về mặt thông tin.
Như tôi đã nói, luật pháp chúng ta chưa nghiêm, ý thức chấp hành pháp luật của người dùng mạng xã hội kém, trách nhiệm với cộng đồng chưa cao nên mới có tình trạng xung đột thông tin giữa cơ quan báo chí và mạng xã hội. Dù bất kỳ với tư cách gì mà anh đưa thông tin cấm thì anh đều vi phạm pháp luật. Những tin, tài liệu thuộc danh mục mật Nhà nước, một Facebooker hoặc một nhà báo mà đưa tin đó thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như nhau.
PV: Cùng với báo chí, việc tổ chức thông tin ở các trang facebook hoặc blog của các nhân sĩ trí thức có uy tín xã hội để thu hút thông tin minh bạch …chắc chắn cũng là cách để người đọc hướng tới. Tất nhiên không ai ép họ phải đưa thông tin thế nào, nhưng chắc chắn bằng tên tuổi của họ, uy tín xã hội của họ, nhân cách trí thức của họ, họ biết cần phải thông tin gì và thông tin như thế nào?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Trên mạng xã hội, anh viết cái gì, viết thế nào, thông tin ra sao, người ta được quyền lựa chọn để đọc, để tin hay không tin. Cái tốt lan toả rất nhanh mà thông tin sai lệch, thông tin xấu cũng lây lan khủng khiếp. Vì thế, điều mà những cá nhân có uy tín xã hội, ảnh hưởng cộng đồng lên mạng để đưa thông tin, bình luận, xác tín thông tin…là rất cần thiết để xây dựng một xã hội thông tin tử tế.
Cá nhân tôi cũng khuyến khích mọi người dùng mạng xã hội, nhất là nhà báo. Đấy là một kênh thông tin hữu ích cho nghề nghiệp. Sâu xa hơn, nhà báo là những người am hiểu pháp luật, có nghiệp vụ đưa tin, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Hàng chục ngàn tài khoản mạng xã hội của các nhà báo hiện nay kể cũng là một cộng đồng hữu ích với vai trò dẫn dắt thông tin.
Việc tham gia mạng xã hội là vấn đề cá nhân, luật pháp không cấm, cơ quan quản lý nhà nước không ngăn chặn. Tuy nhiên hiện nay, khi luật pháp chưa hoàn thiện so với thực tế phát triển của mạng xã hội, vấn đề trách nhiệm và ý thức với xã hội là điều mà những người tham gia cần nâng cao hơn nữa với một tinh thần xây dựng.
PV: Xin cám ơn Thứ trưởng!/.