Điều kiện tham gia BHXH để hưởng lương hưu sẽ thay đổi
VOV.VN -Sẽ nghiên cứu sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống còn 10 năm.
Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII chiều 10/5 thảo luận “Đề án Cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội”. Đây là nội dung vô cùng quan trọng, liên quan đến quyền lợi của hàng chục triệu người đang tham gia và hưởng các chế độ của BHXH.
Tỷ lệ người hưởng BHXH một lần đang tăng. |
Theo Bộ LĐ-TB-XH, chính sách BHXH thời gian tới hướng tới mục tiêu mở rộng bao phủ BHXH, BHXH toàn dân. Hệ thống BHXH sẽ được xây dựng với chương trình hưu trí đa tầng nhằm tăng diện bao phủ đồng thời tạo điều kiện cho người về hưu có điều kiện đa dạng hóa các nguồn lương hưu.
Một trong những nội dung quan trọng là các cơ quan xây dựng chính sách kiến nghị sửa đổi qui định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng hưu trí theo hướng linh hoạt đồng thời với việc điều chỉnh công thức tính lương hưu. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác có nhu cầu và có khả năng.
Cụ thể, nghiên cứu sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm tham gia BHXH xuống còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH, từng bước mở rộng diện bao phủ hướng tới BHXH toàn dân. Từng bước tiến tới việc thực hiện chế độ BHXH bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương.
Việc điều chỉnh lương hưu sẽ độc lập tương đối với điều chỉnh tiền lương của người đang làm việc, giảm áp lực đối với Quỹ BHXH và NSNN đối với nhóm lao động do nhà nước bảo đảm các chế độ BHXH. Tiền lương hưu được điều chỉnh chủ yếu dựa trên tốc độ tăng giá tiêu dùng, khả năng của Quỹ BHXH và ngân sách Nhà nước. Để giảm khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa các nhóm đối tượng, không điều chỉnh theo một tỷ lệ đồng đều; ưu tiên điều chỉnh với tỷ lệ cao hơn đối với nhóm có tiền lưu hưu thấp và những người nghỉ hưu trước năm 1995.
Các cơ quan xây dựng chính sách cũng hướng tới việc điều chỉnh để có qui định phù hợp, giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu và tham gia BHXH để hưởng hưu trí.
Sửa đổi các qui định để khuyến khích người lao động tham gia BHXH dài hơn, từng bước tăng tuổi nghỉ hưu bình quân trong thực tế hiện đang thấp hơn tuổi nghỉ hưu theo qui định của pháp luật, tăng tỷ lệ giảm trừ tiền lương hưu đối với người lao động có thời gian muốn nhận chế độ hưu trí sớm. Đối với trường hợp người lao động nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giản biên chế của Nhà nước hoặc chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm, ngân sách sẽ bảo đảm kinh phí chi trả lương hưu cho đến khi người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu theo qui định.
Mục tiêu tổng quát trong cải cách chính sách BHXH của nước ta trong thời gian tới là, cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tin cậy và minh bạch.
Để thực hiện được mục tiêu tổng quát này cần cụ thể hóa thành các mục tiêu với lộ trình thực hiện. Cụ thể, giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; đến năm 2025 có khoảng 45% và đến 2030 có khoảng 60%.
Giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội (lương hưu xã hội); đến năm 2025 có khoảng 55% và đến 2030 có khoảng 60%.
Giai đoạn đến năm 2021, tỉ lệ giao dịch điện tử đạt 100%. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Phấn đấu giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp bằng mức ASEAN 4.
Giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%; đến năm 2025 đạt mức 85% và đến 2030 đạt mức 90%./.