Điều trị nghiện ma tuý bằng thuốc Methadone
Những bệnh nhân nghiện ma túy được điều trị thay thế bằng Methadone đã ổn định sức khỏe tâm lý, có thể làm việc, sinh hoạt bình thường, không còn nhu cầu sử dụng ma túy.
Sáng 7/4, tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy mại dâm, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị chuyên đề Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy mại dâm, lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo Sở Y tế của 11 tỉnh, thành phố.
Đề án thí điểm điều trị Methadone thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện được triển khai tại Hải Phòng và TP HCM từ năm 2007. Những bệnh nhân nghiện ma túy được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone đã ổn định sức khỏe tâm lý, có thể làm việc, sinh hoạt bình thường, không còn nhu cầu sử dụng ma túy.
Điều trị Methodone kết hợp với các biện pháp giáo dục, quản lý, tạo điều kiện cho người nghiện có việc làm ổn định lâu dài giúp họ có thể từ bỏ hoàn toàn việc nghiện các chất dạng thuốc phiện. Điều trị bằng methadone còn làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV do tiêm chích ma túy, giảm áp lực cho cộng đồng xã hội và cho chính gia đình người nghiện. Đây là một chương trình hiệu quả được các cấp, các ngành và đoàn thể xã hội đồng tình ủng hộ, nhiều gia đình có người nghiện ma túy và bản thân người nghiện mong muốn được tham gia điều trị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của UBND thành phố Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng đồng thời ghi nhận đóng góp của cán bộ ngành y tế và các tổ chức quốc tế trong việc điều trị cho những bệnh nhân nghiện bằng thuốc Methadone. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh: “Đứng về Bộ Y tế, tăng cường công tác chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật rút kinh nghiệm, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát bảo đảm việc điều trị cho bệnh nhân phù hợp, tuân thủ đúng hướng dẫn và đảm bảo độ an toàn cao nhất cho người tham gia điều trị. Đối với các tỉnh thành phố dự kiến triển khai chương trình trong năm 2010, đề nghị ủy ban các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở ban ngành tiếp tục phối hợp bộ Y tế, xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất nhân lực, đặc biệt là hỗ trợ về kinh phí đề chương trình sớm đi vào hoạt động có kết quả tốt”.
Dự kiến giai đoạn 2010 – 2015 chương trình sẽ mở rộng điều trị cho 80.000 người nghiện trên 30 tỉnh, thành phố. / .