DN nhỏ có thể “dùng chung” thiết bị giám sát hành trình
Thiết bị giám sát hành trình giúp doanh nghiệp quản trị phương tiện và cơ quan Nhà nước quản lý được những lỗi của lái xe khi vi phạm…
- Lắp hộp đen cho xe kinh doanh vận tải: Còn nhiều bất cập
- Quản lý xe khách, xe container bằng hộp đen
Theo quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các phương tiện kinh doanh vận tải sẽ phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Kể từ khi quy định này có hiệu lực và được đưa vào thực hiện theo từng lộ trình, cụ thể: Đối với xe hoạt động với cự ly từ 1.000km trở xuống, xe buýt phải trang bị hộp đen trước ngày 1/1/2011; Xe khách tuyến cố định trên 1.000km, xe container, rơ moóc phải gắn hộp đen trước ngày 1/7/2010. Và lộ trình tiếp theo, đến ngày 1/7/2011 các xe kinh doanh chở khách chạy tuyến cố định từ 500km trở lên, các xe tham gia hoạt động du lịch… sẽ phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Trần Ngọc Thành – Vụ Trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông - Vận tải.
Xe vận tải hành khách sẽ phải lắp thiết bị giám sát hành trình |
Phóng viên: Bắt đầu từ 1/7/2011, các phương tiện kinh doanh vận tải tuyến cố định từ 500km trở lên sẽ phải lắp thiết bị giám sát hành trình, vậy lộ trình này có quá gấp đối với các doanh nghiệp không, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Thành: Các đối tượng kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và quy định cụ thể trong Nghị định 91 của Chính phủ được ban hành ngày 21/10/2009.
Nghị định 91 quy định lộ trình để các đối tượng kinh doanh vận tải lắp thiết bị giám sát hành trình. Ví dụ, ngày 1/7/2011, các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500 km trở lên, các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo hình thức du lịch và vận chuyển hàng hóa bằng xe container phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, còn các đối tượng khác thì sẽ có lộ trình kéo dài thêm từ 6 tháng đến một năm nữa. Đây là việc làm theo đúng các lộ trình thực hiện.
Phóng viên: Thưa ông, các thiết bị giám sát hành trình phải có những chỉ tiêu kỹ thuật như thế nào mới được lắp đặt?
Ông Trần Ngọc Thành: Thiết bị giám sát hành trình phải đảm bảo được các yếu tố về tính năng kỹ thuật như: Phải ghi lại hành trình chạy xe, tốc độ chạy xe của từng thời điểm, số lần dừng đỗ, số lần đóng mở cửa và đặc biệt là số thời gian lái xe liên tục và tổng thời gian lái xe trong một ngày của một lái xe.
Để đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp vận tải theo quy định của luật và nghị định, trách nhiệm lắp đặt và đảm bảo hoạt động liên tục của các thiết bị giám sát hành trình thuộc về các doanh nghiệp và hợp tác xã, các đơn vị kinh doanh.
Bộ Giao thông-Vận tải cũng đã ban hành Thông tư số 08 quy định quy chuẩn quốc gia của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô trên cơ sở quy định tính năng kỹ thuật và điều kiện của thiết bị như thế nào là hợp chuẩn và bảo vệ quyền lợi cho các đơn vị kinh doanh vận tải.
Đến giờ phút này, hệ thống quy phạm văn bản pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp vận tải, quyền lợi cho các doanh nghiệp sản xuất nhập khẩu và cung ứng phân phối thiết bị giám sát hành trình đã tương đối đồng bộ.
Với các đơn vị nào được phân phối các thiết bị giám sát hành trình thì những sản phẩm được phép phân phối phải theo quy định của Thông tư 08, khi nào thiết bị đó được cấp các giấy hợp chuẩn thì mới được phép phân phối. Các doanh nghiệp vận tải theo các nhu cầu quản trị doanh nghiệp để đặt các thiết bị có tính năng phù hợp.
Thiết bị giám sát hành trình giúp quản trị của doanh nghiệp - ông Trần Ngọc Thành |
Phóng viên: Thưa ông! Việc lắp thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện vận tải sẽ giúp ích như thế nào cho việc quản lý nhà nước trong hoạt động dịch vụ này?
Ông Trần Ngọc Thành: Thiết bị giám sát hành trình giúp quản trị của doanh nghiệp. Ngoài ra, thiết bị này còn giúp cơ quan Nhà nước quản lý được những lỗi của lái xe khi vi phạm, nguyên nhân gây nên tai nạn giao thông thảm khốc (hành trình chạy xe, tốc độ chạy xe…).
Thiết bị này còn kiểm soát lái xe không được lái xe liên tục quá 4 giờ và quá 10 giờ/ngày (theo qui định của Luật Giao thông đường bộ). 5 tiêu chí của thiết bị giám sát đều góp phần hiệu quả cho các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát các nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn
Phóng viên: Đối với các doanh nghiệp vận tải có số lượng đầu xe ít thì việc đầu tư xây dựng một trung tâm giám sát và lưu trữ thông tin của các thiết bị giám sát gửi về có quá lãng phí không, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Thành: Đúng là với doanh nghiệp nhỏ thì đầu tư một trung tâm này cần phải tính toán. Hiện nay, tất cả các đơn vị cung ứng thiết bị giám sát đều có các trung tâm, sẵn sàng ký hợp đồng với các doanh nghiệp để lưu trữ các thông tin của doanh nghiệp vận tải và chỉ có các doanh nghiệp vận tải mới được phép truy cập, đơn vị phân phối chỉ làm nhiệm vụ tiếp nhận và lưu trữ. Các làm này sẽ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!/.