Đồ chơi trẻ nhỏ, nỗi lo người lớn

Hiện nay tình trạng đồ chơi không an toàn và mang tính bạo lực được bày bán tràn lan trên thị trường đang khiến các bậc phụ huynh lo lắng.

Theo thông tin từ Vụ Bảo vệ bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), từ năm 2005 đến nay đã có hơn 48.000 trẻ bị tai nạn thương tích do sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm. Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương có những ngày tiếp nhận 2 - 3 ca trẻ em bị tai nạn từ đồ chơi hay các vật dụng thông thường trong gia đình.  

Đồ chơi cho trẻ em cần mang tính giáo dục
Nguy hiểm từ đồ chơi không đạt chuẩn

Anh Mai Ngọc Hưng (Thái Thịnh - Hà Nội) vội vàng đưa con gái 3 tuổi đi khám khi bất ngờ bé xuất hiện mẩn ngứa trên mặt, tay và cổ. Tại phòng khám, khi nghe anh Hưng kể bé vừa tiếp xúc với hộp đất nặn nhiều màu, bác sĩ khẳng định: con anh bị dị ứng với phẩm màu trong đất nặn.

Sau một thời gian sử dụng đồ chơi là chiếc ống nhòm lắp hình để quan sát con vật, cháu Hà Nam Anh, con anh Hà Trung Dũng (Hoàng Cầu - Hà Nội), phải đi khám mắt vì thường xuyên chảy nước mắt và nhìn kém. Bác sĩ cho biết, do đèn chiếu hình những con giống trong chiếc ống nhòm quá yếu, lại phải ghé sát mắt để quan sát một vật nhập nhèm như vậy nên thị lực của cháu đã suy giảm nghiêm trọng. Anh Dũng cho biết, anh mua chiếc ống nhòm trên phố Hàng Mã với giá 30.000 đồng kèm theo một túi hình các con vật in trên nhựa cứng để thay phiên lắp vào ống quan sát. Anh Dũng cũng không rõ đây là đồ chơi của nước nào sản xuất vì không có bất kỳ giấy tờ gì kèm theo.

Theo các chuyên gia sản xuất đồ chơi thì điều cấm kỵ nhất là không được dùng nhựa PVC để sản xuất đồ chơi cho trẻ em, nhưng hàng Trung Quốc lại “ưa” sử dụng loại nhựa này. Nhựa PVC làm cho sản phẩm mềm, dẻo, độ sáng bắt mắt, màu sắc rực rỡ nhưng nếu trẻ em cầm nắm, thậm chí đưa vào miệng ngậm sẽ rất nguy hiểm. Đồ chơi Trung Quốc còn sử dụng cả màu công nghiệp, vốn có thành phần kim loại nặng rất cao. Với một số loại đồ chơi khác như xe đạp ba bánh, ô tô điện thì các mối hàn ở khung xe thường rất sơ sài, phần lớn hàn chiếu lệ cho có. Đã có không ít trường hợp các cháu bé ngồi lên quá mạnh, hoặc nhảy vào xe khiến xe gãy. Tuy nhiên, với tình trạng đồ chơi không an toàn, không rõ nguồn gốc, không đạt chuẩn đang tràn lan trên thị trường hiện nay thì thật khó cho các bậc phụ huynh có thể chọn cho con mình được loại đồ chơi phù hợp.

Chị Thanh Tâm (Lạc Long Quân, Hà Nội) chia sẻ: “Gia đình tôi muốn hướng cho cháu chơi các loại đồ chơi mang tính giáo dục cao của Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm đồ chơi ngoại nhập, nhất là của Trung Quốc nhiều tính năng, nhiều chủng loại nên các con tôi thích loại đồ chơi này hơn. Tôi cũng như các bậc phụ huynh đang trông đợi vào sự bứt phá của đồ chơi trong nước”. Đồ chơi giúp trẻ phát triển trí tuệ, nhưng nếu đồ chơi không đảm bảo an toàn sẽ là mầm mống gây tai nạn và bệnh tật cho trẻ.

Đồ chơi thông minh có thật sự thông minh?

Ở độ tuổi mầm non, bố mẹ là “đồ chơi” thân cận nhất của con cái. Hãy dạy con chơi và chơi cùng con từ những nét vẽ, tờ giấy, những đồ chơi tự làm, dạy con chơi ngay khi đi chơi, khi dọn nhà, khi làm vườn. Bố mẹ hãy biến mình thành “đồ chơi thông minh” trước khi nghĩ đến việc mua đồ chơi cho con.

Đón bắt tâm lý của phụ huynh, nhiều hãng đồ chơi giáo dục, đồ chơi thông minh ra đời. Tuy nhiên, “đồ chơi thông minh” có thực sự phát triển chỉ số thông minh của trẻ hay không đang là mối quan tâm của nhiều phụ huynh. Chị  Đỗ Thanh Lê (Tam Trinh - Hà Nội) kể: “Nghiến răng đầu tư thêm cho con bộ đồ chơi gỗ nhưng buồn quá! Tên của đồ chơi là “Xe kéo thông minh”, gồm có: Hình tròn, vuông, tam giác, chữ nhật, hình bầu dục. Nhiệm vụ của bé là đút các khối hình đó vào thùng xe qua các hình tương ứng. Bé nhà mình chơi được một lúc, đút được hết các khối rồi đòi mẹ lấy ra để chơi tiếp. Mẹ phải mở cửa xe, dốc khối hình ra. Thế là con biết xe có cái cửa to tướng nên từ đó cứ cho vào đằng cửa rồi đóng nắp lại. Như thế liệu có được gọi là đồ chơi thông minh không?” Câu hỏi này không chỉ riêng của chị Lê mà còn của rất nhiều phụ huynh khác.

Giá của các loại đồ chơi được cho là thông minh này cũng khiến nhiều bậc phu huynh suy nghĩ. Chị  Lê Thuý (Từ Liêm - Hà Nội) cho biết: Chị vào cửa hàng đồ chơi giáo dục Veesano được người bán giới thiệu mua bộ đồ chơi kỹ năng tổng hợp giá 315.000 đồng, bộ bếp dạy kỹ năng phản xạ của bé giá 648.000 đồng. Anh Thanh Tùng (Tôn Đức Thắng - Hà Nội) cũng kêu trời: “Tôi cảm thấy các nhà sản xuất nắm bắt tâm lý phụ huynh nên cứ thêm chữ “thông minh” vào các loại đồ chơi và bán với giá cao. Một đôi đũa thông minh giúp kích thích bé ăn làm bằng nhựa với các hình gấu, chim sặc sỡ, thân đũa có vòng đeo silicon giúp bé cầm chặt khi ăn, có giá 80.000đ. Một bộ xếp cột năm màu học làm toán, chỉ là những vòng gỗ có màu sắc được cho là giúp làm quen với kiến thức toán học, phát triển trí não toàn diện với giá 110.000 đồng”. Mức giá như thế, không phải bậc phụ huynh nào cũng có thể mua.

Chị Vân (Thành Công - Hà Nội) tâm sự: “Một bộ đồ chơi lắp ghép đơn giản của các hãng trong nước thì giá khoảng 100.000 đồng và lên đến 2.999.000 đồng cho loại đồ chơi cầu kỳ như bộ lắp ráp đoàn tàu và nhà ga của Veesano. Nếu mua thì mất cả tháng lương, nên tôi quyết định chọn đồ chơi Trung Quốc tương đương mà giá chỉ bằng 1/2-1/3”. 

Cô giáo Nguyễn Thị Nội, người có thâm niên hơn 30 năm dạy trẻ mầm non chia sẻ, các bậc phụ huynh đừng ham chữ “thông minh” mà mua đồ chơi cho con. Trẻ em rất thích đồ chơi đẹp, nhưng nếu không được hướng dẫn, trẻ chơi xong sẽ chán, ném đi và đòi đồ chơi mới, rất lãng phí. Theo các chuyên gia tâm lý, từ thông minh ở đây hiểu theo nghĩa khoa học không chỉ đơn thuần là những khám phá. Do đó, nói đồ chơi phát triển thông minh thì chưa hẳn. Bởi theo nhiều nghiên cứu, thông minh do giáo dục chỉ hỗ trợ được 20%./.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, khi mua đồ chơi cho trẻ nhỏ cần quan sát nhãn mác của đồ chơi vì ở đó thường có cảnh báo độ tuổi của trẻ. Đặc biệt, đồ chơi dành cho trẻ 3-6 tuổi thường được cảnh báo trên nhãn mác là có thể gây ngạt thở và tuyệt đối không được sử dụng cho trẻ dưới 3 tuổi. Kể cả nếu trẻ đã hơn 3 tuổi nhưng vẫn còn thói quen cho các đồ vật vào mồm thì những đồ chơi này vẫn rất nguy hiểm và cần tuyệt đối tránh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên