Đỏ mắt tìm kỹ sư “xịn”
VOV.VN - Hiện nay, việc tìm được nguồn lao động chất lượng cao, có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp không phải là chuyện dễ dàng.
Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước với hàng ngàn doanh nghiệp, trong đó nhiều doanh nghiệp đòi hỏi nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu về đổi mới công nghệ, trang thiết bị sản xuất. Song hiện nay, việc tìm được nguồn lao động chất lượng cao, có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp không phải dễ.
Thiếu nhiều lao động vừa có ngoại ngữ vừa có chuyên môn
Theo đại diện Công ty Pousung đóng tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, hiện công ty này đang rất khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. Hàng chục vị trí kỹ sư quan trọng các ngành điện, cơ khí, tự động hóa vẫn bỏ ngỏ dù doanh nghiệp đã thông báo tuyển dụng từ lâu.
Ngoài việc có độ “chênh” giữa kiến thức học trong nhà trường với công việc thực tế, thì trình độ ngoại ngữ là một trong những rào cản lớn hiện nay. Để tìm được một kỹ sư vừa làm tốt công việc, vừa nói được ngoại ngữ là không hề dễ dàng.
Ông Lê Nhật Trường, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty Pousung cho biết: Các công ty đang cải tiến kỹ thuật nên phải cần người có chuyên môn. Để chuyển giao công nghệ thì rõ ràng cần phải có người có trình độ chuyên môn để người ta tiếp thu công nghệ đó. Hiện nay chúng tôi đang thiếu nhiều lao động vừa có ngoại ngữ vừa có chuyên môn.
Tỉnh Đồng Nai hiện có 7 lĩnh vực được ưu tiên tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong số đó có đào tạo nghề kỹ thuật cao, nhân lực khoa học - công nghệ có trình độ sau đại học. Dự kiến tới năm 2020, sẽ có trên 90 ngàn lao động có trình độ cao, trong đó có trên 1 ngàn người đạt trình độ quốc tế. Đây chính là đối tượng lao động mà nhiều doanh nghiệp đang thiếu, tìm mỏi mắt vẫn không ra.
Các doanh nghiệp cho rằng, nếu so sánh thu nhập giữa Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh hay các tỉnh thành khác thì ở Đồng Nai không hề thua kém. Song các hạ tầng về dịch vụ như vui chơi giải trí, lưu trú, chăm sóc sức khỏe… thì khó có thể được như Thành phố Hồ Chí Minh nên việc lao động bỏ Đồng Nai là điều dễ hiểu.
Ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Đồng Nai, cho biết những năm qua tỉnh rất nỗ lực đào tạo nguồn lao động kỹ thuật có tay nghề. Dù số sinh viên ra trường tìm được việc làm rất cao, có ngành tỷ lệ tìm được việc làm lên tới trên 90%, song tỉnh mới chỉ chủ động được nguồn lao động cao đẳng, trung cấp nghề, còn ở trình độ cao hơn thì chưa thể.
Đối với lao động từ trình độ kỹ sư, theo ông Phạm Văn Cộng, "Sở sẽ có phối hợp với các doanh nghiệp để tìm kiếm hoặc tạo điều kiện cho các trường liên kết với các trường đại học để đảm bảo đào tạo ra các lao động kỹ thuật cao đáp ứng được cho doanh nghiệp".
Còn “độ chênh” giữa nhà trường và thực tế
Do có độ “chênh” lớn giữa kiến thức học trong trường và công việc thực tế nên đa số người lao động hiện nay dù đã tìm được việc làm đúng với chuyên ngành đào tạo của mình nhưng doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại, nhất là lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ cao.
Đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ điện, điện tử. |
Tình trạng thiếu nguồn lao động chất lượng cao không chỉ diễn ra ở Đồng Nai mà còn ở nhiều địa phương khác. Vấn đề này đã được nhà quản lý, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhìn nhận từ lâu và đề ra các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Lao động của Việt Nam cần sớm “đạt chuẩn” để cung ứng cho các doanh nghiệp nếu không muốn bị bỏ lại trong xu thế hội nhập, quốc tế hóa thị trường lao động hiện nay./.
Đào tạo nhân lực ngành công nghệ chất lượng cao tại 9 trường đại học