Doanh nhân Ireland thấy Việt Nam là nơi tuyệt vời để sống!
(VOV) - Năm 1986, Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới. Năm 1986, John S Gunning lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam.
“Tôi sang Việt Nam đúng vào ngày lễ Tình nhân 14/2”- ông nhớ lại.
Giúp ngành điện Việt Nam từ những ngày gian khó
Hồi đó ông làm cố vấn trưởng trong một chương trình của Liên Hợp Quốc (LHQ) hỗ trợ Việt Nam về năng lượng điện. (Thời kỳ đó, lệnh cấm vận đối với Việt Nam được nới lỏng, và LHQ vẫn có một số chương trình trợ giúp Việt Nam).
John S Gunning |
Ông nhắc một kỷ niệm. “Tuần đầu tiên đến TP. HCM, tôi đi xuống nhà máy điện Thủ Đức công tác. Có 2 người phiên dịch và 1 người lái xe đi cùng, họ mới làm với tôi được 1 tuần. Lúc từ Thủ Đức trở lên trung tâm thành phố, đang đi thì gặp một chiếc xe tải ngược chiều. Chiếc xe tải đi ẩu, va vào sườn xe van của chúng tôi, rồi lái xe chạy thẳng. Người tài xế xe tôi tức giận đuổi theo. Ngặt nỗi, động cơ của chiếc xe không tốt, nên khi anh đuổi gần kịp xe tải thì xe chúng tôi chết máy. Chiếc xe tải rẽ vào đường nhánh. Người lái xe của tôi rút súng ra, ngắm bắn vào lốp xe tải. Ôi, như là cảnh trong phim ! Xích lô và người đi đường dạt vào bên cạnh vì sợ. Tôi ngồi sau xe với 2 người phiên dịch, cũng sợ quá nên tôi bảo anh lái xe đừng đuổi nữa, quay lại thành phố… Thực ra người lái xe lo cho tính mạng của tôi- một cố vấn trưởng của LHQ. Bởi vậy nên tôi cũng không trách móc anh ta…”.
Hiển nhiên là 26 năm trước, Việt Nam khác xa so với ngày hôm nay.
Mà ngọn gió lành nào đã đưa ông tới Việt Nam vậy ?
John S Gunning sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc miền Tây Ireland. Cha ông là nông dân sở hữu một trang trại nhỏ, mẹ là nhà giáo. Ông được cha mẹ cho đi học đến hết Đại học. Sau khi tốt nghiệp, ông sang làm kỹ sư ở bên Anh và sau đó làm cho Tổng công ty điện lực Ireland (ESB).
“Từ khi tôi còn bé, ở Ireland, nhà tôi có chiếc đài nhỏ, ngày ngày cha tôi vặn đài lên nghe tin tức về chiến tranh ở Việt Nam. Chúng tôi rất cảm thông với Việt Nam. Tôi muốn sang Việt Nam để tận mắt nhìn thấy cuộc sống ở đây. Vì thế, nên khi ESB chọn người cho Liên hợp quốc để sang làm việc tại Việt Nam, tôi lập tức đăng ký dự tuyển…”
Sang Việt Nam, ông đảm nhận một số việc gồm: quản lý dự án nâng cấp xưởng bảo dưỡng của Nhà máy điện Thủ Đức, quản lý tư vấn dự án và đào tạo các cán bộ quản lý và kỹ sư ngành điện. Theo đó, từ năm 1987, phía Việt Nam đã cử hàng chục cán bộ ngành năng lượng sang Ireland dự các khóa đào tạo ngắn hạn từ 1 đến 3 tháng.
Thời ấy Việt Nam đang rất thiếu điện, chỉ có nhà máy điện Trị An, Phả Lại với tổng công suất lắp đặt là 1.500 MW, phục vụ dân số 60 triệu người. Bởi vậy ông đề nghị dành một khoản kinh phí để phục hồi một số nhà máy điện ở miền Bắc. (Trước đó, tổ chức SIDA Thụy Điển đã giúp phục hồi nhà máy điện Thủ Đức). Từ năm 1991 đến1994, ông và các cộng sự đã giúp phục hồi nhà 1 máy điện tại miền Trung có công suất 4.000 KW, mấy tổ tuốc-bin khí ở Hải Phòng, Thái Bình; và đưa 1 tổ tuốc-bin khí vào Nhà máy điện Thủ Đức, 2 tổ vào Nhà máy điện Bà Rịa… Tổng công suất đóng góp vào hệ thống là 200 MW. Ở thời điểm khó khăn đó, những đóng góp này thực sự có ý nghĩa.
Cũng khoảng thời gian ấy ông ngừng công việc ở Công ty điện lực Ireland (ESB) và thành lập công ty tư nhân Terotech. Terotech được Công ty tư vấn điện lực Ireland (ESBI) chọn làm đại diện ở Việt Nam. Năm 1993, Terotech thành lập văn phòng đại diện tại Hà Nội. ESBI lúc đó có dịch vụ ở 6 dự án lớn: Phú Mỹ 2.1, Bà Rịa, Phú Mỹ 4, Nhơn Trạch, Phả Lại II và Hải Phòng. “Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn, xây dựng trung tâm đào tạo cho ngành điện và nghiên cứu về ổn định hệ thống điện. Chúng tôi cung cấp một số kinh phí cho mạng lưới phân phối điện tại Trà Vinh, bao gồm việc xây dựng đường dây 20 KV và các trạm điện cho 1 số xã thuộc tỉnh nghèo này...”. Thông qua Terotech, từ 1994 đến 2001, ESBI đã tài trợ cho 8 kỹ sư Việt Nam sang Ireland học ở 2 trường đào tạo lớn là TCD và UCD; trong số đó có ông Hoàng Trung Hải, nay là Phó Thủ tướng Việt Nam.
Quá trình làm việc gần 30 năm tại Việt Nam và những đóng góp của ông được phía Việt Nam đánh giá cao và ghi nhận. Ông được Bộ Công nghiệp, Tổng công ty điện lực Việt Nam trao Huy chương…
“Việt Nam là nơi tuyệt vời để sống !”
Ông nói chắc như đinh đóng cột. “Vì sao ư ? Vì người Việt Nam vui tính, kể cả lúc không có tiền mà vẫn cười đùa ! (cười). Tôi có lắm bạn người Việt lắm…”
Vì thế, khi tôi cứ gặng hỏi mãi, rằng ngần ấy năm làm việc ở Việt Nam, có khi nào ông gặp khó khăn khiến ông chán nản không, John S Gunning khẳng định là không. “Khi các cán bộ, kỹ sư Việt Nam sang học ở Ireland, hoặc các chuyên gia Ireland sang Việt Nam làm việc, chúng tôi đã xây dựng được mối quan hệ bạn bè rất tốt đẹp nên điều đó cũng tác động tích cực đến công việc…”. Các cộng sự người Việt Nam của ông thì cho rằng, sở dĩ ông cảm nhận như vậy vì John S Gunning luôn nhìn nhận và giải quyết mọi việc một cách tích cực, lạc quan. Và ông thực sự yêu quý Việt Nam. “Tôi coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình”.
Mấy chục năm đi đi về về, xa Việt Nam, ông thấy nhớ. Có khi, ông đi vơ vẩn ngoài đường, ngắm người, ngắm phố xá… “Ờ, hôm trước, tôi đang đứng, thế là có người tưởng tôi muốn sang đường mà không sang được, bèn dắt tôi qua. Ôi, tôi có định sang đường đâu? (cười lớn). Thế đấy, người Việt Nam không chỉ vui tính, hài hước mà còn tôn trọng người lớn tuổi…”
Bao nhiêu năm Đổi Mới, thì bấy nhiêu năm ông chứng kiến những thay đổi ở Việt Nam. “Hầu hết những người tôi biết, họ đang sống tốt hơn; đa phần người dân có đòi sống cao hơn trước đây…”
ESBI, sau 25 năm chính thức hoạt động ở Việt Nam, tuyên bố tiếp tục theo đuổi kinh doanh dịch vụ tại thị trường này. Hiện ESBI đang là tư vấn của chủ đầu tư giai đoạn 2 nhà máy điện Hải Phòng với công suất 1,200MW. Ở tuổi 78, John Gunning vẫn tiếp tục làm việc. Ông hài lòng về những khoảng thời gian đã sống và công tác ở đây, bên những người bạn Việt Nam…
- Ông Đinh Ngọc Cử, nguyên cán bộ Bộ năng lượng, nay đã nghỉ hưu: Tôi tự hào có người bạn Ireland đầu tiên John Gunning
Là người phụ trách lĩnh vực kinh tế đối ngoại giúp Lãnh đạo Bộ Năng lượng trong lĩnh vực này, nên tôi và ông phiên dịch Nghiêm Văn Lập là những người đầu tiên gặp ông John Gunning tại Hà Nội để mời về Bộ làm việc trước khi giới thiệu cho Công ty Điện lực 2 tại TP.HCM (năm 1986).
… Anh em cán bộ ai cũng ngợi khen ông John là người tốt, quan tâm đến mọi người và nhiệt tình giúp ngành điện Việt Nam. Công trình nổi bật nhất là Xưởng trường Thủ Đức với nhiều thiết bị, công cụ hiện đại giúp cho việc sửa chữa (sau này Xưởng trường đã trở thành Công ty thiết bị điện).
Khoảng vào năm 1988-1989 dự án được mở rộng, ông Gunning ra giúp đỡ 2 Công ty Điện lực số 1 và số 3. Ngoài việc giúp phục hồi các diesel công suất lớn, còn có các tuốc bin khí tại Hải Phòng, Thái Bình, Đà Nẵng....
Trong một chuyến công tác tại Đà Nẵng, tại vài căn phòng của khách sạn Điện lực của Công ty Điện lực 3 tôi thấy có mấy lớp học tiếng Anh do người nước ngoài dạy. Hỏi ra mới biết chuyên gia Ireland đã tự nguyện dạy tiếng Anh cho cán bộ ngoài giờ !
Lần nào gặp nhau John cũng hỏi tôi về tình hình sức khỏe của các bạn già Bắc, Trung, Nam và khóc khi được tin có ai đó qua đời. Ngược lại John kể về các bạn Ireland của ESBI đã qua Việt Nam mà tôi biết, nhiều người đã về hưu, và mới đây một người mới bay vào vũ trụ (theo cách nói của John)!.
- Chị Nguyễn Thị Hương, nhân viên cũ của Cty Terotech, hiện đang làm việc tại Đại sứ quán Ireland: John Gunning dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam
Ông John là người thông minh và hài hước, luôn tạo ra bầu không khí làm việc rất vui vẻ mà vẫn hiệu quả do công việc được đánh giá bằng kết quả. Là một nhân viên cũ của ông, tôi cảm thấy thời gian làm việc cùng ông thật tuyệt vời.
John rất tốt, luôn quan tâm đến mọi người. Ông thường hỏi thăm sức khỏe bạn bè, đến thăm khi họ ốm. Có lần ông Phạm Khắc Hằng, trước đây làm ở Bộ Công nghiệp, đã về hưu nhiều năm, bị ốm. Nghe tin, ông John hỏi địa chỉ để đến thăm. Ông Văn Giai, giám đốc cũ của công ty Điện lực 3 cũng về hưu lâu rồi nhưng năm 2011 khi nghe tin ông Văn Giai ốm thì John đã không ngại bay vào Đà Nẵng chỉ để thăm ông Văn Giai chứ không phải vì công việc.