Dọc đường tác nghiệp

Phóng viên VOV4 thường tác nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số, thâm nhập vào nhiều nền văn hoá khác nhau... Rất nhiều tình huống dở khóc dở cười. Nhiều phen hồn xiêu phách lạc, đứng tim  

Tôi bị "ma ám"

Nhớ chuyến công tác tại huyện Đồng Văn, Hà Giang, chị Nguyễn Thị Thúy, Hội phó Hội Phụ nữ Đồng Văn rủ: “Có đi viếng đám ma bố chị Giàng Thị Mỷ ở Tả Phìn không?”. Chưa bao giờ được biết đám ma của nguời Mông, tôi “bám càng” luôn.

Trời mưa dầm dề. Đường núi trơn trượt. Sau bờ rào đá cao quá đầu người, nhà chị Mỷ người ra, kẻ vào, ai nấy đều lặng lẽ. Tiếng khèn, tiếng trống não nề. Mới bước chân qua cửa, tôi lạnh sống lưng. Thi hài người chết thẳng đơ đặt trên vách đối diện cửa ra vào. Tim tôi nhảy nhót, tưởng văng ra khỏi lồng ngực. Tôi cố trấn tĩnh, quan sát.

 Người chết được bó lại, phủ kín chăn từ đầu đến chân, đặt trên cái giàn làm bằng  tre sơ sài, chỉ bằng đúng thân hình người đó. Dưới giàn treo người chết là cái lồng nhốt 1 con gà trống nhỏ bằng vốc tay. Theo phong tục, khi có người qua đời, người Mông họ Giàng tắm rửa sạch sẽ, mặc đồ mới cho người đã khuất rồi treo lên vách.  Ba ngày sau, con cháu cứ thế khiêng ra nghĩa địa, trước khi hạ huyệt mới cho vào quan tài. Nhang được cắm vào 1 cái ống đặt dưới sàn nhà. Ai đến viếng cũng xúc thìa cơm đổ vào bát, cạnh đầu người quá cố.

Tiếng trống, tiếng khèn bỗng ngưng bặt. Một tốp các bà các chị mặc váy áo mới ào vào, tay níu vào giàn treo theo hàng ngang, cứ thế mà kêu than, kể lể. Hàng người cứ đu đưa nhịp nhàng từ phải qua trái, từ trái qua phải. Tiếng khóc cũng có vần có điệu.

 Tôi lấy máy ghi âm. Đứng cạnh cái giàn treo, tay cứ run bần bật. Nhầm lẫn lung tung, phải ba lần nhấn đi nhấn lại, máy ghi âm mới báo hiệu “recording”. Chưa bao giờ, thao tác bật máy ghi âm của tôi lại… như có ma ám thế! Cuối cùng thì tôi cũng vượt qua được nỗi sợ hãi để có một chương trình khá sống động về phong tục tang ma, một nghi lễ đời người quan trọng của người Mông Hà Giang. (Minh Huệ) 

Phỏng vấn... "hoa cả mắt"

Tháng 9/2009, tôi đi phản ánh Đại hội Dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang. Mời mãi, chị cán bộ phụ nữ người dân tộc Nùng mới ra sân hội trường trả lời phỏng vấn.

Phóng viên Nguyễn Việt Hoà đang tác nghiệp

Giới thiệu tên tuổi xong, tôi chưa kịp đặt bất kỳ câu hỏi nào, chị đã mở lời và... nói liên hồi kỳ trận. Bắt đầu là về vai trò của người phụ nữ, về việc chăm sóc trẻ em, tiêm chủng khi mang thai… cho đến việc làm thế nào để giữ hoà khí trong gia đình... cứ như thể tôi là hội viên chậm tiến cần được “khai sáng” của chị. Chị nói một mạch không ngừng nghỉ. Còn tôi thì cứ ngay đơ cả lưỡi, không biết “lựa” chỗ nào có thể “chen” vào một vài câu hỏi... cho tỏ rõ vai trò phóng viên. Nói xem chừng đã hết bài, chị lại hát rồi đọc thơ. Thơ của chị bằng tiếng Nùng!!! Tôi đứng cầm micro cho chị nói từ khi chỗ đứng còn là bóng râm, đến lúc nắng chiếu trên đỉnh đầu, chị vẫn chưa nói xong. Cái micro cứ chuyển từ tay phải sang tay trái, rồi lại từ tay trái sang tay phải, mỏi rã rời mà chị vẫn cứ thao thao. Chắc chị là cán bộ hội rất tích cực, nhiệt tình. Hội viên có lẽ chỉ biết ngồi mà nghe chứ chẳng thể chen vào, càng không có phản ứng gì được. Đang không biết làm thế nào để kết thúc cho lịch sự thì may quá, đại hội nghỉ giải lao. Tôi thừa cơ nói lời cảm ơn và xin phép được vào hội trường cho đỡ hoa mắt.

Sau lần hoa mắt chóng mặt ấy, tôi mới giật mình: “ừ nhỉ, chuyển hướng và  kết thúc vấn đề thế nào nhỉ, khi mà nhân vật quá hào hứng như vậy? Tôi phải học thêm kỹ năng này mới được". (Nguyễn Việt Hoà) 

Gọi anh trai... đóng thế

Là phóng viên Hệ Phát thanh Dân tộc, khi phỏng vấn người dân tộc thiểu số, tôi phải thu cả tiếng của đồng bào. Nhưng đâu phải cứ là người dân tộc thì phát biểu trôi chảy bằng tiếng dân tộc! 

Chuyến công tác Kon Tum mới đây, tôi phỏng vấn một chủ tịch xã về việc thực hiện Chương trình 135. Anh tự xưng là người Ba Na, nói được 3 thứ tiếng: tiếng phổ thông, Ba Na và Xê Đăng. Thấy anh trả lời phỏng vấn bằng tiếng phổ thông rất suôn sẻ, lại hài hước, tôi như mở cờ trong bụng. Nhưng khi tôi nhờ anh nói lại một số ý nhỏ bằng tiếng dân tộc mình, anh ngồi thừ ra, hết đăm chiêu lại nhăn nhó. Cuối cùng, anh xua tay: “Thôi, nói tóm lại là tôi không thể phát biểu bằng tiếng của tôi được. Nhưng cứ yên tâm, tôi có ông anh nói tiếng dân tộc tốt lắm, để tôi bảo ông ấy sang... nói thay cho tôi cũng được chứ gì”. Dứt lời, anh xăng xái đi gọi anh trai sang để thế... tiếng. May mà tôi ngăn kịp.

Phóng viên Hà Thị Thu Thảo(VOV4) đang tác nghiệp

Có lần phỏng vấn anh cán bộ người Tày, đã giao kèo trước là nói bằng tiếng Tày. Vậy mà vẫn thấy “bắn” tiếng phổ thông ào ào. Thu xong, tôi lại kiên nhẫn đề nghị anh nói lại bằng tiếng Tày. Anh cười bảo: “Ơ kìa, tôi vừa nói tiếng Tày đó thôi”. Tôi hoang mang, tiếng Tày mà sao mình hiểu hết? Hay là đi phỏng vấn nhiều tự biết tiếng lúc nào không hay!!!

 Thực ra khi nói về những vấn đề chính trị, xã hội có nhiều từ mới,  bà con đều phải mượn từ phổ thông để diễn đạt. Chứ đâu phải tôi được ăn bánh mì chuyển ngữ của Doremon mà tự nhiên nghe được tiếng Tày!./. (Hà Thị Thu Thảo)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên