Đòi công lý cho các nạn nhân da cam Việt Nam
Tiếp tục Festival thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 17 tại Pretoria, Nam Phi, ngày 19/12, diễn ra Toà án chống đế quốc, một hoạt động quan trọng nhất của Festival.
>> Hoạt động của Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam tại Festival 17
>> Dứt khoát phải giải quyết vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam
Hàng nghìn đại biểu của các nước đã tham dự và nêu ra những bằng chứng tố cáo tội ác chống lại loài người của Chủ nghĩa đế quốc. Đoàn Việt Nam tham gia điều trần lên án việc Mỹ sử dụng chất độc da cam trong chiến tranh gây hậu quả nặng nề cho Việt Nam và kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong vụ kiện đòi công lý cho các nạn nhân da cam Việt Nam.
Bài phát biểu của đoàn Việt Nam nêu rõ: trong 10 năm từ 1961-1971, Mỹ đã thực hiện việc rải chất độc da cam với khoảng 20.000 phi vụ, 80 triệu lít chất độc hoá học xuống 25.000 thôn, làng của Việt Nam. Hậu quả là hơn 3 triệu ha rừng tự nhiên bị phá huỷ, khoảng 4,8 triệu người bị nhiễm chất độc dioxin, trong đó, 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam.
Đây là một tội ác chưa từng có trong lịch sử nhân loại, để lại hậu nặng nề và lâu dài ở Việt Nam. Ngày 30/1/2004, Hội nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam đã khởi kiện 37 công ty hoá chất Mỹ. Vụ kiện hy hữu, phức tạp và khó khăn này đã bị toà án Tối cao Mỹ bác đơn yêu cầu xét xử vào năm 2009.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn bền bỉ, kiên trì theo đuổi vụ kiện, kêu gọi bạn bè quốc tế lên tiếng ủng hộ đấu tranh đòi công lý. Việc kiên quyết theo đuổi vụ kiện này liên quan trực tiếp đến cuộc chiến chung của nhân loại chống chiến tranh và chống việc sử dụng vũ khí hàng loạt.
Để chứng minh hậu quả nặng nề của chất độc da cam, đoàn Việt Nam đã cử đại biểu Trần Thị Hoan, 24 tuổi, một nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 2 tham gia phát biểu. Cả hội trường đã lặng đi khi nhìn thấy Hoan khó khăn bước lên bục phát biểu bằng đôi chân bị tật nguyện chỉ còn từ đầu gối trở lên, cánh tay trái teo tóp không có bàn tay, duy nhất có cánh tay phải lành lặn.
Bằng khả năng tiếng Anh thành thạo, Trần Thị Hoan đã kể lại những khốn khó, vất vả, nỗi bất hạnh mà những nạn nhân da cam Việt Nam, trong đó có cô, phải chịu đựng trong cuộc sống. Câu chuyện của Trần Thị Hoan đã nhận được sự đồng cảm của đông đảo bạn bè quốc tế.
Anh Drew Bowering, đại biểu Canada nói: “Mọi người đã có mặt ở đây và đã nghe các bạn nói về hậu quả mà Mỹ gây ra với những nạn nhân da cam Việt Nam. Tôi nghĩ chúng ta cần có trách nhiệm giúp đỡ các nạn nhân da cam để họ có điều kiện sống tốt hơn. Tôi hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh đòi lại công lý của nạn nhân da cam Việt Nam trong vụ kiện các công ty hoá chất Mỹ…”
Với việc tham gia vào Toà án chống quốc tế tại Festival lần này, đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đã đóng góp một phần tích cực vào cuộc vận động chính trị đòi công lý cho các nạn nhân da cam Việt Nam trên diễn đàn thế giới./.