"Đòi" lại vỉa hè: Cần sự quyết liệt của người đứng đầu

VOV.VN - Vỉa hè không chỉ là không gian dành cho người đi bộ mà còn là “bộ mặt”, nơi thể hiện rõ trật tự đô thị và trình độ văn minh, phát triển của một thành phố. Đòi lại vỉa hè là việc làm khó nhưng không phải là nhiệm vụ “bất khả thi”.

Thời gian qua, chính quyền thành phố Hà Nội nhiều lần ra quân “đòi” lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, trông giữ phương tiện vẫn diễn ra ngang nhiên ở nhiều con đường, tuyến phố.

Nhức nhối vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

Nhiều con đường, tuyến phố trở thành các bãi đỗ xe tự phát và nơi bán hàng của các hộ dân. Người đi bộ bị “đẩy” xuống lòng đường, tham gia giao thông cùng với ô tô, xe máy. “Chúng tôi mong muốn chính quyền trả lại vỉa hè về đúng chức năng của nó - dành cho người đi bộ. Tôi không hiểu vì sao chính quyền thành phố loay hoay mãi vẫn chưa giải quyết được vấn đề lấn chiếm vỉa hè”, ông Nguyễn Văn Nọi, ở phố Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội bức xúc.

Tại Hà Nội, tâm điểm của tình tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, đỗ xe là khu vực phố cổ, quận Hoàn Kiếm. Ở hầu hết các tuyến phố, hàng hóa, xe cộ không chỉ chiếm trọn vỉa hè mà còn tràn xuống lòng đường, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn giao thông. Bà Nancy – một Việt kiều Mỹ đến phố cổ Hà Nội tham quan, cho biết đã có người bạn đi cùng đoàn gặp nạn khi phải đi bộ chung đường với ô tô và xe máy. “Phải đi dưới lòng đường, chúng tôi cảm thấy không an toàn, vì xe ô tô và xe máy chạy rất ẩu. Nhiều khi tôi bị giật mình vì tiếng còi xe, thậm chí té ngã. Đi xuống lòng đường, nhiều chỗ mấp mô, có người bạn của tôi đã bị vấp ngã”, bà Nancy chia sẻ.

Đề cập thực trạng này, một lãnh đạo công an phường thuộc quận Hoàn Kiếm cho biết, hàng năm, lực lượng chức năng của phường đều tổ chức các đợt ra quân truyên truyền về trật tự đô thị. Thậm chí, UBND phường còn tổ chức ký cam kết “không vi phạm trật tự đô thị” với các hộ kinh doanh. Cùng với đó, lực lượng chức năng cũng thường xuyên đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý các cá nhân, hộ gia đình vi phạm. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan như thói quen mua bán của người dân, vỉa hè nhỏ hẹp, mật độ dân số cao… nên vấn nạn lấn chiếm vỉa hè chưa thể xử lý triệt để. Trong khi đó, lực lượng chức năng thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm lại quá mỏng. “Lực lượng làm công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông ở phường chỉ có 7 người, phải chia ca để đảm bảo 24/24. Nhân sự ít nên cũng phần nào chi phối hiệu quả công tác của chúng tôi.”

Dẫu vậy, kho chứa hàng hóa, phương tiện vi phạm của lực lượng công an vẫn có những thời điểm chật kín. Nếu lực lượng chức năng tiếp tục lập biên bản, thu giữ hàng hóa, phương tiện vi phạm thì sẽ không biết tạm giữ ở đâu. Lực lượng thực thi việc đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, nhiều trường hợp bị lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính nhưng họ cố tình không chấp hành hoặc không có khả năng chấp hành. Chẳng hạn, khi lực lượng chức năng lập biên bản tạm giữ phương tiện là xe máy, họ sẵn sàng bỏ cả xe mà không nộp phạt; có hộ kinh doanh vi phạm, chúng tôi tạm giữ hàng hóa như bàn, ghế họ kê ra vỉa hè lấn chiếm…, họ cũng bỏ luôn, không tới nộp phạt. Kho chứa của lực lượng chức năng vì thế nhiều lúc chất đầy đồ vi phạm, hết chỗ chứa.

Bài toán khó nhưng vẫn có lời giải

Lực lượng chức năng từng nhiều lần ra quân rầm rộ với quyết tâm "lập lại trật tự vỉa hè". Ông Nguyễn Văn Nọi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội không ít lần chứng kiến cảnh cảnh giằng co, van nài, ngăn cản, nổi nóng, to tiếng, xử phạt tại chỗ của lực lượng chức năng với người vi phạm; xe tải chở đồ tịch thu vì bày bán trên vỉa hè, xe hơi bị cẩu đi vì đậu không đúng chỗ…; xe gầu múc phá vỡ mái che, bậc thềm xây lấn vỉa hè... Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, nhiều đoạn vỉa hè vừa giải tỏa xong lại bị "tái chiếm". Thậm chí, có những nơi, khi lực lượng chức năng vừa đi dẹp xong thì ngay sau đó, người dân lại kê bàn ghế, hàng hóa ra vỉa bè. Tận mắt thấy cảnh đó, ông Nọi cho rằng đây là “bài toán” khó tìm lời giải. “Tôi nghĩ đòi được vỉa hè cho người đi bộ là thách thức rất lớn với chính quyền. Họ loay hoay lâu rồi nhưng chưa có giải pháp nào hiệu quả”, ông Nọi chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Nọi dù khó nhưng nếu quyết tâm thì chính quyền vẫn trả lại được vỉa hè cho người đi bộ. “Theo tôi, chỉ khi nào thành phố có được người đứng đầu cương quyết xử lý thì vấn đề lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, đỗ xe mới được giải quyết”, ông Nọi khẳng định.

Đề cập giải pháp cho vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội, cũng thừa nhận rất khó. Tuy nhiên, đây là việc phải làm để đảm bảo an toàn cho người đi bộ và mỹ quan đô thị. “Việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ nói rằng khó thì muôn vàn sự khó. Nhưng nếu quyết tâm thì chúng ta sẽ làm được”, KTS Trần Huy Ánh quả quyết.

Theo ông Ánh, một số nơi, cán bộ lý giải “không xử lý được tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vì kho chứa đồ vi phạm hết chỗ” là không thuyết phục, bao biện. “Không thể lấy lý lẽ là không thu được tiền phạt vì cái xe cũ, mấy càn ghế nhựa, bàn nhựa. Tại sao không nhìn vào những phương tiện có giá trị cao hơn, ví dụ cái ô tô hàng tỷ đồng, cái xe máy mấy chục triệu? Liệu người vi phạm có bỏ không khi bị xử phạt”, ông Ánh đặt câu hỏi.

KTS Trần Huy Ánh cho rằng chỉ khi nào người đứng đầu chính quyền quyết tâm và quyết liệt, nhất quán với quan điểm “vỉa hè là dành cho người đi bộ”, thì vấn đề lấn chiếm vỉa hè, lòng đường mới được giải quyết triệt để. Ông đề xuất chính quyền thành phố xem xét việc áp dụng công nghệ, chuyển đổi số như một trong những giải pháp cho vấn đề này. “Tôi thấy thế giới họ sử dụng công nghệ, như việc xử phạt qua hệ thống camera hay xử phạt bằng việc trừ tiền từ tài khoản ETC (thu phí không dừng” của các cá nhân vi phạm. Mình nên nghiên cứu áp dụng vì chúng ta đang đẩy mạnh chuyển đổi số”, ông Ánh đề xuất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nha Trang lập lại trật tự vỉa hè, chia sẻ, hỗ trợ người nghèo mưu sinh
Nha Trang lập lại trật tự vỉa hè, chia sẻ, hỗ trợ người nghèo mưu sinh

VOV.VN - Tháng 4/2022, Thành uỷ Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà có Nghị quyết 18 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản, trật tự xây dựng và trật tự, mỹ quan đô thị.

Nha Trang lập lại trật tự vỉa hè, chia sẻ, hỗ trợ người nghèo mưu sinh

Nha Trang lập lại trật tự vỉa hè, chia sẻ, hỗ trợ người nghèo mưu sinh

VOV.VN - Tháng 4/2022, Thành uỷ Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà có Nghị quyết 18 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản, trật tự xây dựng và trật tự, mỹ quan đô thị.

Hà Nội: Vỉa hè phố Lê Trọng Tấn lát đá vĩnh cửu lại bong tróc, xuống cấp
Hà Nội: Vỉa hè phố Lê Trọng Tấn lát đá vĩnh cửu lại bong tróc, xuống cấp

VOV.VN - Vỉa hè trên tuyến phố Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân dù vừa được lát đá mới được ít năm nay nhưng có dấu hiệu xuống cấp bong tróc, lồi lõm phải cải tạo sửa chữa.

Hà Nội: Vỉa hè phố Lê Trọng Tấn lát đá vĩnh cửu lại bong tróc, xuống cấp

Hà Nội: Vỉa hè phố Lê Trọng Tấn lát đá vĩnh cửu lại bong tróc, xuống cấp

VOV.VN - Vỉa hè trên tuyến phố Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân dù vừa được lát đá mới được ít năm nay nhưng có dấu hiệu xuống cấp bong tróc, lồi lõm phải cải tạo sửa chữa.