Đổi mới Chương trình sách giáo khoa phổ thông: Còn nhiều trở ngại
VOV.VN - Nhiều nhà chuyên môn nhận xét chương trình giáo dục phổ thông mới thay đổi rất ít dù tiêu tốn nhiều tiền, đội ngũ giáo viên tốt sẽ khó có hiệu quả
Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, bắt đầu từ năm học 2019 - 2020, học sinh lớp 1 học bộ sách giáo khoa mới. Các năm tiếp theo sẽ lần lượt đến lớp 6 và lớp 10. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn liệu việc đổi mới của ngành giáo dục có thực sự đến đích.
Giáo viên gặp nhiều trở ngại
Chương trình giáo dục phổ thông mới được đánh giá là có sự chuyển hướng từ tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực người học.
Đổi mới Chương trình sách giáo khoa phổ thông còn nhiều trở ngại. |
Những giáo viên này cho rằng, nhiều nội dung chương trình mới còn khó, thiên về truyền thụ kiến thức, dẫn đến quá tải.
Bên cạnh đó, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng cho rằng, một số giáo viên vẫn chưa thay đổi được thói quen truyền thụ kiến thức đơn thuần nên chưa tạo ra được những giờ học hiệu quả, trong đó mỗi học sinh đều được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, rèn luyện kỹ năng và vận dụng những điều đã học để phát hiện, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống phù hợp với lứa tuổi.
Một số giáo viên tuy có tổ chức cho học sinh làm việc nhóm nhưng cách làm việc còn mang tính hình thức, chưa tạo điều kiện để mỗi học sinh trong nhóm hoạt động, tự tạo ra sản phẩm của mình, đóng góp vào kết quả làm việc chung.
Có thể nói, khi triển khai đổi mới giáo dục, điều khiến nhiều người lo ngại nhất là đội ngũ giáo viên hiện nay đã được chuẩn bị những gì, liệu có đáp ứng được các yêu cầu của đổi mới giáo dục? Bởi, một trong những điểm mới của chương trình các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là việc tích hợp liên môn để giúp học sinh giảm tải.
Lối dạy tích hợp ở phổ thông được nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá cao, vì phương pháp này giúp cung cấp đủ kiến thức, kỹ năng cho học sinh.
Thực tế từ nhiều năm trước, Bộ GD-ĐT đã có chủ trương thí điểm dạy học tích hợp.
Tuy nhiên, dạy thế nào, vận dụng thế nào, đến nay nhiều giáo viên còn lúng túng. Lãnh đạo một phòng giáo dục cho biết, thời gian qua phòng đã tìm giáo viên để tổ chức những tiết dạy tích hợp mẫu theo như định hướng chương trình mới nhưng thật sự rất lúng túng.
Nhiều giáo viên băn khoăn với khái niệm thế nào là tích hợp liên môn. Với bậc tiểu học còn có thể thực hiện được bởi vì giáo viên thường dạy hết các môn, có cái nhìn khái quát.
Còn ở bậc THCS, THPT, mỗi giáo viên đảm nhiệm một môn học và không dễ dạy tích hợp với môn học khác.
Có giáo viên còn chưa thể tin vào chuyện “3 thầy 1 sách” và khẳng định giáo viên Vật lý không thể kiêm nhiệm Hóa học, Sinh học, hay giáo viên Lịch sử không thể dạy Địa lý.
Một giáo viên Ngữ văn ở tỉnh Vĩnh Long cho biết, tại nhiều trường, sĩ số đều từ 45 đến 50 học sinh, thậm chí ở các thành phố lớn còn hơn 60 em.
Phải gồng gánh lớp học đông nên yêu cầu giáo viên phải thấu hiểu người học, phân loại đối tượng người học là không thể.
Trong khi đó tiền lương giáo viên rất thấp, giáo viên phải lo kiếm sống...Với những áp lực như trên, kể cả khi có chương trình mới, chắc chắn giáo viên sẽ vẫn dạy theo kiểu cũ, tư duy cũ cho an toàn, hoặc nếu đổi mới cũng tập hợp lại thành tổ nhóm để “thiết kế nội dung”, rồi dạy rập khuôn.
Một băn khoăn nữa đó là, thói quen bám sách, coi sách giáo khoa là pháp lệnh lâu nay của giáo viên chính là nguyên nhân khiến trình độ ngày càng mai một. Lâu dần tạo thói quen cho giáo viên “ngại” sáng tạo, ngại đổi mới.
Đổi mới sao để có hiệu quả?
Chương trình giáo dục mới có hay đến mấy, tích cực đến mấy, mà đội ngũ giáo viên không được tự chủ về chuyên môn, không gấp rút tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho giáo viên, thì đổi mới giáo dục sẽ khó đi đến đích
Cô N.H.T, một giáo viên phổ thông chia sẻ, tôi dạy học 15 năm rồi nhưng thấy mấy đợt thay sách không mang lại hiệu quả nhiều, mà càng làm càng rối.
Theo tôi, đổi mới trong cách giảng dạy của giáo viên mới thực sự đạt hiệu quả trong việc cải cách giáo dục. Bên cạnh đó, cần xóa bỏ căn bệnh thành tích, giảm áp lực thành tích cho giáo viên thì chất lượng giáo dục được nâng cao.
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới trong tương lai là một nhiệm vụ quan trọng, cần gấp rút thực hiện.
Giáo viên sẽ phải đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao khả năng tự học, để đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của đổi mới giáo dục.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng: “Để triển khai chương trình SGK thì cần tổ chức tập huấn để đảm bảo 100% giáo viên đứng lớp đã qua bồi dưỡng.
Sau bồi dưỡng ban đầu cho giáo viên thì cán bộ bồi dưỡng phải đồng hành, trải nghiệm cùng giáo viên khi họ triển khai tại trường học, chứ không phải chỉ tập huấn là xong”./.
Lùi thời gian thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới là hợp lý?
7 trường sư phạm đổi mới đào tạo theo chương trình sách giáo khoa mới