Đổi mới hoạt động của TAND theo yêu cầu cải cách tư pháp
VOV.VN -Tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân ở nước ta vẫn còn yếu, chưa tương xứng với chức năng bảo vệ công lý.
Sáng nay (27/5), tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức hội thảo đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng: Trong 8 năm tiến hành cải cách tư pháp (2005-2013), tổ chức và hoạt động của tòa án đã từng bước được triển khai có hiệu quả, qua đó, khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò của tòa án.
Hệ thống tòa án từng bước được kiện toàn, phát triển cả về tổ chức và hoạt động; đội ngũ thẩm phán, cán bộ, công chức tòa án được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân ở nước ta vẫn còn yếu, chưa tương xứng với chức năng bảo vệ công lý.
Theo PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, Ủy viên chuyên trách, thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, việc tổ chức tòa án theo cấp xét xử, không theo đơn vị hành chính là phù hợp với mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Theo TS. Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, hệ thống pháp luật có được ổn định hay không phụ thuộc vào chất lượng của hệ thống tòa án, nghĩa là phụ thuộc vào năng lực xét xử và sự độc lập của thẩm phán.
TS. Phạm Quý Tỵ đề xuất: “Cần thay đổi về hội đồng tuyển chọn thẩm phán, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán; có ý kiến đề nghị xem xét thành lập hội đồng tư pháp quốc gia. Nhưng theo chúng tôi, nếu có, chỉ nên thay đổi hội đồng bổ nhiệm tuyển chọn, miễn nhiệm. Cần quan tâm, khắc phục đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán theo hướng phải thi tuyển thẩm phán. Chế độ đãi ngộ với thẩm phán cũng cần thay đổi cho phù hợp. Bên cạnh đó, sớm ban hành bộ quy tắc đạo đức thẩm phán, để cùng với các quy định pháp luật để cơ quan tổ chức, người dân có cơ sở cụ thể hơn để giám sát hoạt động của thẩm phán”./.