Đổi thay ở xã An toàn khu Quảng Trực

VOV.VN - Với những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội như hiện nay, sẽ không bao lâu nữa, Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) sẽ thoát khỏi cụm từ “xã đặc biệt khó khăn của huyện nghèo 30a”.

 

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã biên giới Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) là nơi gây dựng, phát triển phong trào cách mạng tại khu vực phía nam Tây Nguyên. Với truyền thống lịch sử vẻ vang, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh cách mạng, năm 2019, xã Quảng Trực đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã An toàn khu và đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh. Nhân kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi trở lại Quảng Trực, chứng kiến những đổi thay trên vùng đất cách mạng này.

Những ngày tháng 4 lịch sử, dọc tuyến đường trung tâm của xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Trong ký ức của những thế hệ đi trước, những cán bộ lão thành cách mạng, cảm xúc về những ngày tham gia kháng chiến rồi đến ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước vẫn hừng hực và tràn đầy niềm tự hào.

Ông Điểu Đi, già làng Bon Bu Păng 2, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Trực nhớ lại, từ những năm 1965 cho đến lúc giải phóng tỉnh Đắk Nông, khu vực biên giới Quảng Trực cho đến Bình Phước bị địch ném bom đánh phá ác liệt. Nhưng bà con vẫn bám đất, bám làng, rất nhiều thanh niên, trai tráng ở các bon làng đi theo cách mạng. Bản thân ông Điểu Đi làm giao liên, thường xuyên băng núi, cắt rừng, giữ liên lạc cho lực lượng cách mạng ở Quảng Trực với Đắk Buk So, Quảng Đức. Một lòng theo cách mạng, chứng kiến đất nước thống nhất và giờ đây là những đổi thay của bon làng, ông Điểu Đi rất phấn khởi và tự hào.

“Bon Bu Păng này là đất đai ông bà từ xa xưa đã ở đây rồi. Lúc chiến tranh, Mỹ Nguỵ cũng ép bà con rời đi nhưng bà con mình sống chết cũng ở đây thôi. Thời chiến tranh thì cùng với cách mạng đấu tranh bảo vệ vùng đất này, giải phóng rồi thì tập trung làm ăn, xây dựng quê hương. Bây giờ Quảng Trực phát triển lắm rồi, đời sống nâng cao nhiều rồi, cũng nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư cho bà con”, ông Điểu Đi nói.

Đứng bên vườn mắc-ca trồng xen cà phê, loại cây cho thu nhập hàng trăm triệu đồng 1ha mỗi năm, bà Thị Nớ, một cán bộ ở xã Quảng Trực cho biết: “Tôi rất hào khi được sinh ra, lớn lên ở bon làng rồi được đi học, đi làm lại trở về vùng đất cách mạng Quảng Trực này để cống hiến. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, bà con ở bon làng cũng đã được tiếp cận khoa học kỹ thuật, được chuyển giao những cây trồng, vật nuôi. Nhiều hộ gia đình đã vượt khó, xoá được nghèo, làm giàu chính đáng”.

Là xã biên giới sâu xa nhất của tỉnh Đắk Nông, Quảng Trực hiện có gần 3.000 hộ dân, trên 10.000 nhân khẩu, trong đó hơn một nửa là người dân tộc thiểu số.

Theo ông Nguyễn Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, với sự quan tâm đầu tư đặc biệt của Nhà nước và sự thay đổi trong tư duy sản xuất của người dân, tỷ lệ hộ nghèo của xã đang giảm nhanh chóng, từ 69% đầu năm 2022 hiện đã giảm xuống còn 49%. Với những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội như hiện nay, sẽ không bao lâu nữa, Quảng Trực sẽ thoát khỏi cụm từ “xã đặc biệt khó khăn của huyện nghèo 30a”.

“Trong tất cả các chương trình mục tiêu đầu tư về cho người dân, chúng tôi quan tâm về hai lĩnh vực nông nghiệp là cây trồng, vật nuôi và khoa học kỹ thuật, giúp cho bà con, hướng dẫn cho bà con. Nhằm phát huy được vai trò nguồn lực của nhà nước, cũng như sự đồng tình của người dân, giúp cho sinh kế của người dân phát triển hơn. Qua đó, giúp cho xã xứng đáng là xã anh hùng trong thời chiến tranh, cũng như xã tiên phong trong vấn đề phát triển cơ cấu, cây trồng vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế thời bình”, ông Lý cho hay.

Ông Điểu Thái, Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ Tuy Đức cho biết, xã An toàn khu Quảng Trực có vai trò quan trọng trong giai đoạn kháng chiến và hiện nay cũng đóng vai trò quan trọng trong trục phát triển kinh tế xã hội của huyện. Tuy Đức đang quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư cho Quảng Trực, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống.

“Bà con nhân dân xã Quảng Trực đã có truyền thống cách mạng. Trong thời gian qua và thời gian tới, chúng tôi trong quá trình thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, đây là nguồn lực rất quan trọng để chúng tôi tiếp tục đầu tư vào Quảng Trực, phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc, phát triển kinh tế xã hội”, ông Điểu Thái nói.

Sau 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực của người dân địa phương, Quảng Trực một xã biên giới đặc biệt khó khăn đang từng bước vươn lên. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đang không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực đưa xã An toàn khu trở thành xã tiên phong trong sản xuất của huyện nghèo 30a Tuy Đức./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đổi thay ở làng Chăm Xuân Hưng
Đổi thay ở làng Chăm Xuân Hưng

VOV.VN - Đồng bào Chăm ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai sống tập trung ở ấp 4 với gần 3000 nhân khẩu, 100% đồng bào theo đạo Islam (Hồi giáo).

Đổi thay ở làng Chăm Xuân Hưng

Đổi thay ở làng Chăm Xuân Hưng

VOV.VN - Đồng bào Chăm ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai sống tập trung ở ấp 4 với gần 3000 nhân khẩu, 100% đồng bào theo đạo Islam (Hồi giáo).

Mở cửa công viên, bản lề cho sự đổi thay cách nghĩ
Mở cửa công viên, bản lề cho sự đổi thay cách nghĩ

VOV.VN - Để các công viên ở Hà Nội không còn bị cô lập phía sau những chiếc hàng rào, cần chuẩn bị nhiều yếu tố và có lộ trình, song, quan trọng nhất vẫn là thay đổi từ tư duy của các nhà quản lý đô thị về tầm quan trọng và ý nghĩa thực sự của các không gian công cộng.

Mở cửa công viên, bản lề cho sự đổi thay cách nghĩ

Mở cửa công viên, bản lề cho sự đổi thay cách nghĩ

VOV.VN - Để các công viên ở Hà Nội không còn bị cô lập phía sau những chiếc hàng rào, cần chuẩn bị nhiều yếu tố và có lộ trình, song, quan trọng nhất vẫn là thay đổi từ tư duy của các nhà quản lý đô thị về tầm quan trọng và ý nghĩa thực sự của các không gian công cộng.

Đổi thay ở vùng căn cứ cách mạng từng được xem "bất khả xâm phạm"
Đổi thay ở vùng căn cứ cách mạng từng được xem "bất khả xâm phạm"

VOV.VN - Xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng có gần 85% dân cư là người dân tộc thiểu số K’ho, đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, vươn lên thoát khỏi đói nghèo và trở thành xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Đổi thay ở vùng căn cứ cách mạng từng được xem "bất khả xâm phạm"

Đổi thay ở vùng căn cứ cách mạng từng được xem "bất khả xâm phạm"

VOV.VN - Xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng có gần 85% dân cư là người dân tộc thiểu số K’ho, đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, vươn lên thoát khỏi đói nghèo và trở thành xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới.