Đối thoại chính sách giữa các Bộ trưởng APEC và các CEO
VOV.VN - Trong khuôn khổ Diễn đàn APEC Việt Nam 2017, chiều 24/8 diễn ra phiên Đối thoại chính sách giữa các Bộ trưởng APEC và các CEO.
Trong khuôn khổ Diễn đàn APEC Việt Nam 2017, chiều nay (24/8) tại thành phố Cần Thơ diễn ra phiên Đối thoại chính sách giữa các Bộ trưởng APEC và các CEO: "Sử dụng có trách nhiệm các nguồn tài nguyên giúp tăng cường sản xuất lương thực bền vững". Các Bộ trưởng, các CEO của các công ty, tập đoàn có đầu tư và kinh doanh tại khu vực APEC, đại diện các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ tham dự.
Phát biểu tại phiên đối thoại, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết: "Sự có mặt của 25 Đoàn với gần 150 đại biểu từ các nền kinh tế thành viên, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp trong khu vực APEC tại Cuộc đối thoại này đã khẳng định nhận thức chung về vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp khu vực cũng như những cam kết chung về việc tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các bên liên quan trong nỗ lực ứng phó với những vấn đề chung như an ninh lương thực, tình trạng khan hiếm tài nguyên và tác động của biến đổi khí hậu".
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với các đại biểu trước phiên khai mạc cuộc đối thoại chiều 24/8. (Ảnh: Báo TNMT) |
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, chúng ta đang sống trong một thế giới mà các tài nguyên như đất, nước, biển và rừng đang trở nên ngày càng quý hiếm do tác động của tình trạng gia tăng dân số nhanh chóng, xu hướng đô thị hóa diễn ra ở mọi nơi, gia tăng nhanh chóng cả về tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan và cả những bất ổn khác đang thách thức tăng trưởng và phát triển của khu vực và toàn cầu khác.
Cộng đồng doanh nghiệp là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của mỗi biến động diễn ra. Do vậy hơn ai hết cộng đồng doanh nghiệp là đối tượng phù hợp nhất để tuyên truyền nhận thức về sự khan hiếm tài nguyên, thúc đẩy hành vi sản xuất và khai thác tài nguyên có trách nhiệm, đảm bảo nguồn lợi cho phát triển bền vững và thúc đẩy việc tối đa hóa lợi ích thu được từ tài nguyên, tái đầu tư nhằm tái tạo nguồn lợi tự nhiên; đồng thời tham gia tích cực vào quá trình xây dựng chính sách của mỗi nền kinh tế và khu vực.
Trong những năm qua, khu vực tư nhân đã chủ động tham gia một cách tích cực vào việc nghiên cứu và thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực tự nhiên và con người nhằm đảm bảo sản lượng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, những nỗ lực đó là chưa đủ: chất lượng đất nông nghiệp vẫn chưa được cải thiện, nguồn nước ngày càng khan hiếm, sản phẩm sản xuất ra hoặc sản phẩm khai thác vẫn bị thất thoát và lãng phí. Do vậy, việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách tiết kiệm, có trách nhiệm và tái tạo nguồn lợi đang được đặt ra như một nhu cầu cấp thiết.
Tại phiên đối thoại, các Bộ trưởng APEC và các CEO cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là sự nỗ lực của các chính phủ và của doanh nghiệp. Đặc biệt, vai trò của hình thức hợp tác công tư với sự tham gia của Cộng đồng doanh nghiệp giúp các chính phủ huy động được mọi nguồn lợi xã hội, bao gồm: nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao; nguồn tài chính dồi dào phục vụ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ, phát triển khoa học và công nghệ nhằm sử dụng nguồn lợi hiệu quả và tiết kiệm; nền tảng khoa học công nghệ trong quản lý sau thu hoạch, giảm thất thoát và lãng phí lương thực; nguồn lực kỹ thuật và khoa học thích ứng với các tác động của sự gia tăng nền nhiệt độ toàn cầu, nước biển dâng...
Các đại biểu tham dự cuộc đối thoại (Ảnh: Báo TNMT) |
Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC cho biết, trong sản xuất nông nghiệp vấn đề quan tâm của các nước APEC là an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; cần cải tiến thủ tục hành chính cho các nhà sản xuất thực thẩm sạch cung cấp đến người tiêu dùng. Đối với Việt Nam cần áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, làm sao đưa giá trị sản phẩm sản xuất của người dân được nâng lên.
Ông Hoàng Văn Dũng cho biết thêm: “Mục tiêu đối thoại ngày hôm nay người ta dự đoán tình hình, thí dụ như đến năm 2050 dân số tăng lên 10 tỉ. Như vậy sản xuất không đáp ứng nhu cầu của tăng dân số. Thứ hai vấn đề giảm sút về sản xuất lương thực thực phẩm, đây là những cảnh báo trong tương lai rất là lớn, nếu chúng ta không chuẩn bị ngày hôm nay thì chúng ta không thể xử lý những thách thức này”./.