Đối thoại Hữu nghị TP.HCM 2024: Chuyển đổi công nghiệp cần sự hợp tác
VOV.VN - Với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển”, Đối thoại Hữu nghị TP.HCM lần thứ 2 tập trung thảo luận về thế mạnh, lĩnh vực ưu tiên và tiềm năng hợp tác quốc tế của các địa phương, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Sáng 24/9, UBND TP.HCM tổ chức Đối thoại Hữu nghị TP.HCM lần thứ 2. Tham dự Đối thoại có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo TP, lãnh đạo Bộ Ngoại giao và 36 đoàn lãnh đạo đến từ các địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với TP.HCM cùng các doanh nghiệp đầu ngành.
Đối thoại Hữu nghị TP.HCM lần thứ 2 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển”. Tại đây, các đại biểu cùng thảo luận về thế mạnh, lĩnh vực ưu tiên và tiềm năng hợp tác quốc tế của các địa phương, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đề xuất các sáng kiến hợp tác cấp địa phương trong việc đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc Đối thoại, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, chuyển đổi công nghiệp đã trở thành xu hướng toàn cầu, với việc đầu tư vào công nghệ cao và kỹ thuật số dự kiến sẽ đạt khoảng 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Thế giới đang trong thời kỳ chuyển đổi công nghiệp sâu rộng, nơi mà đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững trở thành các yếu tố quyết định cho thành công.
Với TP.HCM, chuyển đổi công nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp thiết đối với TPHCM và các đô thị trên toàn thế giới. Trước áp lực kép từ việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong khi đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội ngày càng khắt khe, chúng ta buộc phải đổi mới và thích ứng. Hành trình chuyển đổi công nghiệp của TPHCM được thúc đẩy bởi cả động lực nội tại và những xu hướng toàn cầu.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, chuyển đổi công nghiệp là một hành trình không thể thực hiện đơn lẻ. Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), khoảng 60% các sáng kiến chuyển đổi công nghiệp thành công là kết quả của sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và người dân, cả trong và ngoài nước. Đây chính là lý do tại sao Hội nghị hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là cơ hội để chúng ta học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và khám phá các cơ hội hợp tác mới.
Hiện nay, để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững, TPHCM cần phải chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn. Hiện tại tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GDP của TP.HCM và sẽ nâng tỷ trọng này lên 40% vào năm 2030. Để thực hiện, TP đã áp dụng một chiến lược kép, kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Mục tiêu của Thành phố là xây dựng một nền kinh tế bền vững, bao trùm và có khả năng phục hồi, trở thành mô hình có thể tham khảo đối với các địa phương.
Các đại biểu là lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên thế giới đang có hợp tác hữu nghị với TP.HCM đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong chuyển đổi công nghiệp, phát triển công nghệ cao và mong muốn hợp tác.
Cụ thể, ông Kim Young-hwan, Tỉnh trưởng Tỉnh Chungcheongbuk, Hàn Quốc nhấn mạnh đến việc đây là tỉnh nhỏ và dân số ít nhưng là tỉnh dẫn đầu, trung tâm sáng tạo, công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc. Đó là nhờ tỉnh có các chính sách đầu tư cho công nghệ dẫn đầu, thu hút nguồn nhân lực bằng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương, chi trả y tế cho người lao động…
Ông Takebe Tsutomu Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Việt-Nhật, Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm về đầu tư cho trẻ em, giáo dục, môi trường trong quá trình chuyển đổi, phát triển công nghiệp.
Bà Nadzeya Lazarevich, Phó chủ tịch thứ nhất, Ủy ban điều hành thành phố Minsk, Belarus nhấn mạnh về hiệu quả khi TP Minsk đầu tư cho khu công nghệ cao và từ đó tạo ra các doanh nghiệp công nghệ cao và công nghệ đột phát. Tp này đã sớm xây dựng khu công nghệ cao từ năm 2011 và đến nay ngày càng phát triển:
Bà Nadzeya Lazarevich chia sẻ, sự phát triển của khu công nghệ cao là yếu tố quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo, là cơ chế tương tác giữa khoa học và thực tế kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi công nghiệp, thu hút đầu tư, hợp tác phát triển.
Thông qua Đối thoại, TP.HCM xác định rằng, từ việc chuyển giao công nghệ, đầu tư vào hạ tầng xanh và kỹ thuật số đến thúc đẩy liên kết, liên doanh trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, đều có rất nhiều cơ hội để hợp tác và thúc đẩy phát triển bền vững.
TP.HCM cam kết sẽ tiếp tục là một đối tác năng động, cởi mở và chân thành với các địa phương trên thế giới; các địa phương, doanh nghiệp và người dân sẽ có thêm cơ hội trao đổi và hợp tác để cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn.