Đối tượng nào được BHYT chi trả tiền tỷ?
VOV.VN -BHYT mới đây đã chi trả hơn 1,3 tỷ đồng cho một bệnh nhân điều trị suy gan. Vậy đối tượng nào được hưởng mức chi trả cao này?
Sáng 27/4, tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí của BHXH Việt Nam, ông Đàm Hiếu Trung- Phó Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc cho biết, 4 tháng đầu năm Quỹ BHYT thanh toán cho 359 người với số tiền từ 300 triệu - hơn 1 tỷ đồng. Trong đó có bệnh nhân NMH tại Vân Đồn- Quảng Ninh điều trị suy gan tại Bệnh viện Bạch Mai được Quỹ BHYT thanh toán 1.399 triệu đồng chi phí khám chữa bệnh.
“Đây là bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả cao nhất từ đầu năm 2018 đến nay. Trước đó đầu năm 2018 có một bệnh nhân bị bệnh lý tim mạch cũng được Quỹ BHYT thanh toán trên 1 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh” – ông Trung cho biết.
Giải thích rõ hơn tầm quan trọng của BHYT, ông Hiếu Trung khẳng định, Quỹ BHYT đóng vai trò quan trọng, như chiếc phao cho các bệnh nhân khi không may ốm đau phải vào viện, đặc biệt là những bệnh nhân mắc bệnh trọng, điều trị dài ngày. Do đó người dân hãy tích cực tham gia BHYT. Bởi thực tế đã có những bệnh nhân được BHYT chi trả tiền tỷ.
Cung cấp thêm thông tin về các điều kiện để một bệnh nhân tham gia BHYT được chi trả ở mức cao, ông Trung cho biết: Chúng ta có khái niệm 45 tháng lương cơ sở qui định tối đa cho 1 lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao như scan, mạch vành… Còn đối tượng hưu trí, người có công được hưởng 100% theo qui định của Luật.
Trong điều trị cho bệnh nhân chúng ta có phần chi trả cho những dịch vụ có chi phí lớn, có nghĩa là người bệnh được chi trả những dịch vụ chi phí xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, truyền máu, tiền giường, tiền vận chuyển… Đối với bệnh nhân nặng vừa được chi trả BHYT hơn 1 tỷ chi phí lớn nhất là thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, có sử dụng dịch vụ chi trả cao hay không và bệnh nhân được hưởng như thế nào thì tùy thuộc người đó là đối tượng theo qui định của luật và dịch vụ kỹ thuật cao đó là dịch vụ gì.
Theo BHXH Việt Nam, tính đến 24/4/2018, các cơ sở y tế đã gửi 49,9 triệu hồ sơ lượt khám chữa bệnh; chi phí đề nghị thanh toán: 26.120 tỷ đồng. So với cùng kỳ 2017 số lượt khám bệnh, chữa bệnh (gọi tắt KCB) tăng 12,08%; chi KCB BHYT tăng 19,21%, bằng 28,93% dự toán được giao.
Số lượt KCB gia tăng cao nhất tại tuyến huyện với 2,7 triệu lượt tăng 14,95%; Tuyến tỉnh: 14,03%, Trung ương: 17,11% (Một số bệnh viện tuyến TW quí I/2018 chưa gửi đủ số liệu).
Chi phí KCB gia tăng cao nhất tại tuyến Tỉnh với 1.999 tỷ đồng tăng 19,74%. Tại tuyến Huyện: 18,92% và tuyến TW 17,18%, tuyến xã 14,4%.
Đáng lưu ý, tỷ lệ vào điều trị nội trú (Tỷ lệ chung toàn quốc 8,6%).
Chi phí tiền ngày giường điều trị cao nhất trong quí 1/2018, số tiền 3.711 tỷ đồng (quí 1/2017 là 2.783 tỷ đồng), chi phí gia tăng 928 tỷ đồng. “Đây là chi phí cao nhất trong các số chi của BHYT” – ông Hiếu Trung cho biết.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, một số chỉ tiêu giảm so với cùng kỳ năm 2017 như: Dịch vụ kỹ thuật Nội soi Tai Mũi Họng: Giảm 23,9% so với cùng kỳ 2017 (Quí 1 năm 2017: số lượt: 622.470, số tiền: 121,5 tỷ đồng; quí 1 năm 2018: số lượt: 464.606, số tiền: 92,5 tỷ đồng).
Bình quân ngày điều trị chung toàn quốc cũng có thay đổi giảm từ 7,12 ngày/ đợt điều trị xuống còn 6,87 ngày tương đương với số ngày điều trị giảm 866.971 ngày.
Con số này cũng khiến các vị lãnh đạo BHXH Việt Nam băn khoăn: Nhiều người được ra viện sớm hơn, điều này thể hiện qua các con số giúp việc điều trị tốt hơn. Nhưng bên cạnh đó cũng phải thấy thực tế rằng, nhiều người bệnh không đến mức phải điều trị nội trú nhưng vẫn cho nhập viện. Đây là lý do khiến chi phí giường bệnh tăng mạnh. Loại chi phí này tăng không đem lại lợi ích nhiều cho người bệnh nên cần phải nghiên cứu, xem xét để điều chỉnh cho hợp lý hơn./.
Sẽ hoàn thành việc trả sổ BHXH cho người lao động trước 30/9/2018