Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên hướng về Biển Đông

VOV.VN -Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã và đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, chung tay bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 5 đến nay đã vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, không chỉ nhân dân Việt Nam phẫn nộ mà còn khiến cho dư luận thế giới lên án mạnh mẽ. Những ngày qua đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn dõi theo tin tức hàng ngày, kịch liệt phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, chung tay bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Và chính cộng đồng người Hoa ở Tây Nguyên cũng thấy cần lên tiếng phản đối về hành động của Trung Quốc.

Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 cách vị trí cũ 23 hải lý

Ông Xú A Xáng (55 tuổi, dân tộc Hoa) ở phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk bày tỏ quan điểm: “Hành động của Trung Quốc như vậy là hoàn toàn sai, không đúng luật pháp quốc tế. Hôm nay, tôi có viết một lá thư để gửi tới Đại sứ quán Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan và các tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam. Chúng tôi mong muốn hòa bình, giữ tình cảm của 2 nước Việt Nam-Trung Quốc chứ không muốn gây chiến tranh”.

Sống ở vùng phên dậu của Tổ quốc, nên hơn ai hết, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên luôn hiểu rõ chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Ông A Jar (dân tộc Xê đăng) ở làng Plei Đôn, thành phố Kon Tum cho rằng, việc làm của Trung Quốc khiến bà con vô cùng bức xúc và phẫn nộ. Không chỉ đồng bào Tây Nguyên mà tất cả người dân Việt Nam đều lên tiếng và đề nghị Trung Quốc phải sớm rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Ông Bon Yo Soan (dân tộc K’Ho) ở tỉnh Lâm Đồng khẳng định: đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đã từng kề vai sát cánh cùng đoàn kết với đồng bào cả nước, chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy những thông tin về tình hình Biển Đông, về chủ quyền biển đảo quốc gia luôn được bà con quan tâm, dõi theo từng ngày. Việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển của Việt Nam, huy động hàng chục tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống, liên tục có những hành vi thô bạo, làm tổn hại đến lực lượng chấp pháp và ngư dân Việt Nam là không thể chấp nhận được.

Ông Bon Yo Soan cho biết thêm: “Lúc này đây, tinh thần đại đoàn kết dân tộc cần phải được phát huy cao độ, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để đấu tranh chống lại hành động của Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Tổ quốc”.

Cùng với cả nước, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên luôn hướng về Biển Đông - nơi có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức đoàn 115 người, gồm cán bộ, già làng, trưởng buôn ở khu vực Tây Nguyên, đi thăm và tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa. Những ngày gần đây, nhiều tổ chức, đoàn thể, các địa phương khu vực Tây Nguyên liên tục tổ chức mít tinh phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên vừa phẫn nộ, bất bình với việc làm sai trái của nhà cầm quyền Trung Quốc, đồng thời bày tỏ sự đồng tình với lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar hôm 11/5, đồng thời bày tỏ mong muốn Quốc hội tiếp tục đưa ra những quyết sách xử lý phù hợp.

Ông  Lý Văn Mười, ở phường An Phú, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai cho rằng: “Chúng ta phải tranh thủ sự ủng hộ quốc tế để khẳng định chủ quyền Việt Nam, khẳng định hành động của Trung Quốc là sai trái, yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan. Lực lượng cựu chiến binh luôn hướng về biển đảo, hướng về những nơi đầu sóng ngọn gió để tiếp lửa cho các thế hệ trẻ hôm nay thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó”.

Với tinh thần “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển – đảo Việt Nam”, đoàn viên, thanh niên các tỉnh Tây Nguyên cũng đang phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ.  Chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh - cán bộ Thành đoàn Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, qua tìm hiểu thông tin về biển đảo, bản thân chị cảm thấy tự hào hơn, có định hướng cụ thể hơn cho đoàn viên thanh niên chung tay cùng cả nước nói lên tiếng nói dành lại chủ quyền của dân tộc, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Chị cũng mong muốn mỗi đoàn viên thanh niên thể hiện đúng lòng yêu quê hương đất nước bằng những việc làm cụ thể và thiết thực trong cuộc sống hàng ngày.

Đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên phát huy truyền thống đoàn kết, luôn hướng về  Biển Đông - nơi có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu của Tổ quốc, cùng quân và dân cả nước kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động phi pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên