Đóng cửa Ngôi nhà Hạnh phúc: Vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở

VOV.VN - Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng cách giải quyết thế nào để không tạo ra những cú sốc tâm lý cho các cháu.

Liên quan đến cơ sở Ngôi nhà Hạnh Phúc, tại huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh- nơi đang nuôi dưỡng 32 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn phải đóng cửa do không đảm bảo các điều kiện chăm sóc trẻ, phóng viên VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm

PV: Thưa ông, những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc Ngôi nhà Hạnh phúc ở huyện Bình Chánh, TP HCM - nơi đang chăm sóc và nuôi dưỡng hàng chục trẻ em phải đóng cửa, vậy đến hôm nay (6/7), vụ việc này được giải quyết như thế nào rồi?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Chúng tôi khi nắm bắt được vụ việc đã yêu cầu thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tiến hành điều tra, rà soát để làm rõ nguyên nhân, lý do Ngôi nhà Hạnh phúc phải đóng cửa. Đồng thời, nếu cơ sở này đóng cửa thì phương án giải quyết để đảm bảo cuộc sống các cháu đang sống ở đấy như thế nào.

Chúng tôi nghiên cứu báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội cũng như của huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh cũng như và cử đoàn cán bộ vào kiểm tra, làm việc với địa phương thì được biết Ngôi nhà Hạnh phúc được thành lập từ năm 2006 và lúc đó mới chỉ nuôi dưỡng khoảng 5-6 cháu. Ngay thời điểm đó, chính quyền địa phương đã xuống kiểm tra, đối chiếu với quy định của pháp luật thì thấy cơ sở này hoạt động chưa đúng với pháp luật và cũng đã lập biên bản, yêu cầu cơ sở này chấm dứt hoạt động, chấm dứt việc tiếp nhận trẻ, nhưng ông Hoàng và bà Vân là người nuôi dưỡng trẻ có ý kiến xin cho lùi thời hạn đóng cửa để trả các cháu về gia đình. Tuy nhiên, đến hết thời hạn 30/5/2015 thì cơ sở này vẫn chưa chấm dứt hoạt động.

Đến bây giờ, báo cáo chính thức của thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi đề nghị là báo cáo Thủ tướng và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trước ngày (3/7), nhưng đến hôm nay (6/7), chúng tôi cũng chưa nhận được. Tuy nhiên, thông tin ở cơ cở chúng tôi cũng đã nắm được một phần. Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo là chính thức phải dừng hoạt động đối với Trung tâm này. Với những trẻ mà có gia đình, có người thân thì sẽ chuyển các cháu về với gia đình. Còn đối với trẻ không còn người thân, trẻ mồi côi cả cha lẫn mẹ, thì thành phố sẽ điều chuyển các cháu về các Trung tâm Bảo trợ xã hội của Nhà nước để nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định của pháp luật.

PV: Như ông vừa nói thì đây có thể là phương án tối ưu nhất đối với nhóm trẻ có hoàn cảnh khó khăn này khi Ngôi nhà Hạnh phúc đóng cửa, nhưng có một thực tế cho chúng ta không thể không lo lắng là liệu sau khi hồi gia, cuộc sống của các em có tốt hơn?

Thứ Trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Chúng tôi thấy phương án đó của thành phố là hoàn toàn phù hợp. Chỉ có điều chúng tôi mong thành phố giải quyết thế nào để không tạo ra những cú sốc tâm lý cho các cháu, bởi chúng tôi biết ở đó có nhiều cháu còn nhỏ và các cháu đã được chăm sóc và sống ở đó trong thời gian dài. Chúng ta làm tránh tình trạng cứng nhắc, vì ở đây có 32 cháu, trong đó có 30 cháu có gia đình. Vì vậy, việc đưa các cháu về gia đình cũng cần phải được làm một cách rất thận trọng, nên gặp gỡ gia đình trước để nắm hoàn cảnh, xem cháu nào có thể về với gia đình, cháu nào có thể vẫn tạm thời phải giúp một thời gian trong Trung tâm rồi mới đưa về. Hoặc đối với các cháu lớn, ở đây chúng ta cần có giải pháp khác, vì có nhiều cháu đã trên 18 tuổi rồi, thì cũng không chỉ nên cưu mang, nuôi nấng, chăm trong gia đình này mà bây giờ phải tạo điều kiện cho các cháu đi học nghề, tìm việc làm nuôi bản thân mình. Tuy nhiên, chúng tôi rất lo ngại việc khi các cháu về với gia đình không biết có tiếp tục được đi học nữa không, rồi bố mẹ các cháu đã sẵn sàng việc đón nhận các cháu về chưa và bản thân các cháu đã sẵn sàng về chưa… Việc này phải lắng nghe ý kiến cả hai bên để có hướng giải quyết phù hợp nhất.

PV: Vậy Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục giám sát việc này như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Chúng tôi vẫn đang giao cho Cục Bảo trợ xã hội thường xuyên theo dõi việc xử lý của thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, chúng tôi chưa nhận được thông tin gì thêm ngoài văn bản của Ủy ban nhân dân thành phố là đã gửi cho các sở ngành. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để có ý kiến chỉ đạo.

Từ năm 2014, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát loại tất cả các cơ sở bảo trợ xã hội, đặc biệt là các cơ sở ngoài công lập, nhằm chấn chỉnh hoạt động cho đúng pháp luật, thì số như Ngôi nhà Hạnh phúc không nhiều.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chấm dứt hoạt động Ngôi nhà Hạnh Phúc, đảm bảo quyền lợi trẻ thế nào?
Chấm dứt hoạt động Ngôi nhà Hạnh Phúc, đảm bảo quyền lợi trẻ thế nào?

VOV.VN -Trường hợp gia đình của trẻ có hoàn cảnh khó khăn, sẽ tiếp nhận trẻ vào chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

Chấm dứt hoạt động Ngôi nhà Hạnh Phúc, đảm bảo quyền lợi trẻ thế nào?

Chấm dứt hoạt động Ngôi nhà Hạnh Phúc, đảm bảo quyền lợi trẻ thế nào?

VOV.VN -Trường hợp gia đình của trẻ có hoàn cảnh khó khăn, sẽ tiếp nhận trẻ vào chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.