Đốt tiền tỷ trong lễ Vu Lan

Bà tôi kể lại rằng trước đây, cuộc sống kinh tế còn khó khăn, trong dịp Vu Lan này người dân cũng cúng bái, cũng đốt mã, nhưng chỉ là tượng trưng chứ không phải ồ ạt, biến tướng như bây giờ.

Phố Hàng Mã (Hà Nội), trong dịp lễ Vu Lan tấp nập người mua kẻ bán. Có đủ mọi loại mặt hàng dùng cho người cõi âm được bán ở đây. Đắt có, rẻ có. Từ những thứ đơn giản nhất như tiền vàng mã, quần áo, ô, nón, khăn, giày... đến những thứ phức tạp hơn được làm mô phỏng như thật như ô tô, xe máy, nhà cửa... hay thậm chí cả những thứ đồ hiện đại như điều hòa, iphone, visa, laptop… tất cả đều để phục vụ cho lễ cúng rằm tháng 7, ngày Xá tội vong nhân và lễ Vu Lan.

Thẻ Visa, hộ chiếu được bán tại phố Hàng Mã

“Thượng đế” đến đây tha hồ mà lựa chọn mặt hàng để “hóa” cho tổ tiên, chỉ cần từ vài chục ngàn là đã có thể mang về một bộ quần áo giấy. Đắt hơn, vài trăm ngàn là có được một ngôi nhà bằng giấy (có cả sổ đỏ), ô tô, xe máy… Cá biệt có những món đồ mã được làm công phu, phức tạp và hoành tráng thì có giá lên tới cả triệu đồng. Theo một người bán hàng ở đây cho biết, những món đồ đắt thế không phải là khó bán. Không ít gia đình chi cả chục triệu đồng để mua mã đốt, biếu tổ tiên.

Thế mới biết, bây giờ người ta biến tướng lễ Vu Lan như thế nào. Lễ Vu Lan vốn bắt nguồn từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, một truyền thống tốt đẹp, hướng người ta đến điều thiện, chữ hiếu, nguyện cho tất cả mọi người được an lạc, thái bình- Đó mới là ý nghĩa đích thực của ngày này và chỉ có vậy thôi.

Chiếc điều hòa hàng mã này có giá cả trăm ngàn đồng

Thế mà bây giờ, ngày lễ “xá tội vong nhân”, lễ Vu Lan báo hiếu đã bị biến tướng bởi tập tục đốt vàng mã tràn lan, lãng phí. Cứ thử làm một con tính đơn giản: mỗi người đến Hàng Mã mua hàng hết trung bình 100.000 đồng, sơ sơ có 10.000 gia đình đi mua đồ mã để đốt trong dịp này, vậy có phải chúng ta đã đốt đi cả tỷ đồng ? Và dĩ nhiên số người đi mua vàng mã đốt đâu chỉ có 10.000 như giả định, con số thực trên khắp Hà Nội, trên cả nước còn lớn hơn nhiều. 

Không chỉ lãng phí về mặt kinh tế, việc đốt vàng mã còn ảnh hưởng đến cả môi trường. Người ta tha hồ mang các thứ ra đường mà đốt, mà hóa, khói bốc mù mịt, tro bụi bay ngợp trời. Đã từng có những vụ hỏa hoạn gây thiệt hại lớn mà nguyên nhân bắt đầu từ sơ xuất khi đốt vàng mã. Lượng giấy, gỗ, phẩm mầu… đổ vào làm vàng mã để rồi đốt đi một cách vô cùng lãng phí mà không thu được bất cứ một lợi ích nào, ngoài việc trong thâm tâm cứ chăm chăm là ông bà ta, các cụ ta sẽ "nhận" được.

Người ta cứ luôn miệng bảo “trần sao – âm vậy”, vậy thử hỏi ngày xưa các cụ làm gì có nhà lầu, xe hơi, làm sao biết sử dụng iphone, laptop mà chúng ta cứ "kính biếu" như thế? Giả sử nếu có "nhận" được thì liệu rằng các cụ dưới cõi âm có biết cách để sử dụng không?

Người ta sung túc quá rồi hay sao mà cứ đem tiền thật đổi tiền giả, đồ giả rồi đốt đi?

Rằm tháng bảy là ngày lễ trọng thể của Phật giáo. Trong đạo Phật, Đức Phật Thích Ca cũng không hề dạy đốt vàng mã để cúng tổ tiên. Tuy nhiên, khó có thể xóa bỏ được tục lệ này vì nó là nhu cầu tâm linh, đã du nhập vào nước ta từ lâu đời. Song cộng đồng xã hội cần phải có cái nhìn đúng bản chất hơn về tục lệ này, hành xử sao cho văn minh, dần giảm thiểu những thiệt hại về môi trường, lãng phí kinh tế; mà vẫn lưu giữ được nét nhân văn trong dịp lễ báo hiếu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên