Dự án C1 Thành Công 5 năm bất động: Tìm tiếng nói chung

VOV.VN - 110 hộ dân nhà C1 cho rằng các phương án từ hệ số tái định cư, thiết kế mà nhà đầu tư đưa ra chưa hợp lý

Tổ chức đối thoại sau gần 5 năm bế tắc

Khu nhà C1 Thành Công được Tổng Công ty XDCT giao thông 1 sử dụng nguồn vốn phúc lợi xây dựng từ năm những năm 70 với quy mô 5 tầng. Tuy nhiên, do công trình bị lún nứt từ 1m-2m nên không đủ điều kiện bàn giao cho Thành phố quản lý theo nghị định 61/CP ngày 5/7/1994.

Đến năm 2008, Thành phố Hà Nội có quyết định tổ chức di dời các hộ dân C1 Thành Công để phá dỡ xây mới, vì công trình đặc biệt nguy hiểm, và chỉ định cho Công ty Đầu tư hạ tầng Phương Bắc thực hiện. Các hộ dân được bố trí tạm cư tại chung cư N06 Dịch Vọng (Cầu Giấy).

Tháng 11/2009, Thành phố đã có Quyết định số 3953 chấp thuận cho Tổng Công ty XDCT giao thông 1 là đại diện liên doanh chủ đầu tư gồm Cienco1, CTCP Bất động sản Dầu khí, CTCP Hà Nội –ICT thực hiện phá dỡ và xây mới dự án C1 Thành Công.

Năm 2010 chủ đầu tư tiến hành khoan cọc nhồi dự án nhưng cư dân C1 Thành Công đã đến ngăn cản thi công, do đó dự án đã phải tạm dừng. Tháng 1/2012, chủ đầu tư khoan cọc móng giai đoạn 2, tuy nhiên, cư dân C1 Thành Công tiếp tục kéo đến công trường dựng lều ngăn cản thi công vì cho rằng hai bên chưa thỏa thuận xong.

Cuộc đối thoại diễn ra tại trụ sở UBND phường Thành Công, quận Ba Đình

Như vậy tới thời điểm này đã là gần 5 năm kể từ ngày việc di dời các hộ dân nhà C1 được thực hiện, dự án C1 Thành Công vẫn giẫm chân tại chỗ vì giữa nhà đầu tư và các hộ dân chưa thể tìm được tiếng nói chung.

Để giải quyết dứt điểm các thắc mắc, kiến nghị của cư dân, chiều nay (2/8), tại trụ sở UBND phường Thành Công, Quận Ba Đình đã diễn ra buổi đối thoại giữa Liên ngành, gồm đại diện các Sở liên quan như: Xây dựng, Quy hoạc kiến trúc, Kế hoạc- Đầu tư, Tài nguyên- Môi trường; lãnh đạo quận Ba Đình, phường Thành Công và các hộ dân nhà C1 Thành Công.

Mấu chốt vẫn là hệ số tái định cư

Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến của các hộ dân đã nêu lên những băn khoăn và kiến nghị với mong muốn giải quyết hài hòa lợi ích hợp pháp của người dân cũng như chủ đầu tư. Trong nhiều vấn đề mà các hộ dân đưa ra, có thể thấy hệ số tái định cư chính là nguyên nhân chính dẫn đến sự “không gặp nhau” giữa các hộ dân và chủ đầu tư.

Các văn bản báo cáo của Chủ đầu tư là Tổng Công ty XDCT giao thông 1 dẫn khoản 1 điều 7 Quyết định 48/2008/QĐ-UBND ngày 28/7/2008 của UBND thành phố Hà nội về việc ban hành quy chế cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn thành phố nêu rõ: Các hộ gia đình, cá nhân được bố trí tái định cứ tại các căn hộ mới có diện tích căn hộ không nhỏ hơn 30m2 sàn; không phải trả tiền cho chủ đàu tư phần diện tích tái định cư bằng 1,3 lần diện tích ở hợp pháp cũ được UBND quận phê duyệt. Tại dự án nhà C1 Thành Công, UBND thành phố đã có Quyết định 4170/QĐ-UBND ngày 17/8/2009 về việc phê duyệt cơ chế chính sách tạm cư, bồi thường hỗ trợ tái định cư riêng đối với nhà C1 với hệ số tái định cư không phải trả tiền là 1,3 lần, chủ đầu tư hỗ trợ 0,1 lần tổng là 1,4 lần.

Tuy nhiên, việc đưa ra hệ số này đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ người dân vì họ cho rằng hệ số này thấp. Theo bà Tạ Bích Phương- một hộ dân nhà C1, Quyết định phê duyệt cơ chế đền bù của Thành phố không nêu rõ cơ sở tính toán để xây dựng nên hệ số đền bù diện tích tái định cư cho các hộ dân nhà C1 chưa phù hợp với quy mô nhà C1 được phê duyệt xây dựng 17 tầng.

Nhiều ý kiến của các hộ dân khác cho biết, họ không đồng ý với hệ số 1,4 vì các dự án tương tự ở các phường xung quanh được hỗ trợ hệ số cao hơn, như thế là thiếu công bằng.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn giải đáp một số thắc mắc của các hộ dân

Trước đó, trong báo cáo gửi các Sở liên quan, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Thành phố, UBND Quận Ba Đình, phường Thành Công, chủ đầu tư cho rằng đề nghị được tính hệ số cao hơn ở dự án này là không khả thi, chủ đầu tư không đáp ứng được.

Về vấn đề này, tại buổi đối thoại chiều 2/8, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn khẳng định hệ số 1,3 đã được quy định cụ thể, các bên phải có nghĩa vụ thực hiện đúng luật. Tuy nhiên, để đảm bảo hài hòa lợi ích của chủ đầu tư, người dân và góp phần vào bộ mặt kiến trúc quy hoạch, các bên cần hướng đến một sự đồng thuận mà hai bên có thể chấp nhận được để dự án sớm được triển khai, người dân sớm được trở về nơi ở cũ.

Về ý kiến bày tỏ không hài lòng với chủ đầu tư, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, khu C1 Thành Công không thực hiện theo Nghị định 61/CP ngày 5/7/1994 như các dự án khác thuộc quận Ba Đình nên chủ quản đầu tư hiện vẫn là Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1. Do đó, trong điều kiện nhà cực kỳ nguy hiểm, phải di dời dân khẩn cấp, việc chỉ định đơn vị này làm chủ đầu tư cũng là lẽ bình thường.

Ông Tuấn cho biết, nếu các hộ dân muốn thay đổi chủ đầu tư có thể có đơn đề nghị chính thức. Tuy nhiên, trong trường hợp Thành phố thực hiện xây dựng bằng tiền ngân sách theo quy định sau khi Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực, thì chuyện hệ số tái định cư không còn ý nghĩa, vì diện tích sẽ được xây dựng bằng như diện tích ban đầu.

Ngoài ra, người dân cũng đề nghị chủ đầu tư thiết kế lại sao cho đảm bảo về kiến trúc, cũng như diện tích phải từ 60m2 trở lên và giải thích sự chênh lệch diện tích giữa các căn hộ.

Mong sớm được trở về nơi ở cũ

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng, dự án chậm trễ cũng có nguyên nhân từ chủ đầu tư. Những nội dung kiến nghị của người dân chưa được trả lời tại cuộc đối thoại sẽ được trả lời bằng văn bản.
Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến cũng bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của các cấp chính quyền khi di dời dân đến nơi ở tạm khang trang hơn, rộng rãi hơn trong khi chờ thực hiện dự án nhà C1. Tuy nhiên, đã gần 5 năm trôi qua, dự án vẫn giậm chân tại chỗ, người dân thấy buồn và bức xúc.

Ông Trần Văn Hiện bày tỏ: “Gần 5 năm qua, nhiều người đã ra đi mà chưa biết nhà C1 mới như thế nào. Chúng ta phải bàn với nhau sao cho hài hòa lợi ích để dự án sớm triển khai, chứ cãi nhau thì biết đến bao giờ! Nhiều người như tôi đã già rồi, biết chờ đến bao giờ mới được về nơi ở cũ”.

Ông Hiện cũng cho rằng, vấn đề có lẽ không phức tạp đến như vậy nếu các bên ngồi lại với nhau: “Sở phải giải thích tại sao nhà này hệ số đền bù 2, nhà C1 lại 1,4 cho có lý. Rồi nhiều hộ phản đối thi công cũng chẳng được giải thích cặn kẽ, vậy tổ công tác sao không làm tốt việc này? Thiết nghĩ, chúng ta nên đi vào bàn những điều cụ thể, đừng để dự án kéo dài thêm nữa”.

Cũng chung quan điểm, bà Nguyễn Xuân Hà cho rằng sự việc trở nên phức tạp vì chủ đầu tư và người dân đã “gặp” được nhau đâu? Bà mong sao các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa, các bên bàn bạc với nhau để dự án sớm hoàn thành. “Mong sao nhanh chóng được về nơi ở cũ”- bà Hà nói.

Còn ông Hoàng Thanh, nguyên Bí thư Chi bộ nhà C1 nêu ý kiến: “Không phải vì có thắc mắc mà dự án không làm. Chúng ta sống và làm theo Hiến pháp và pháp luật nên cơ quan có trách nhiệm, chủ đầu tư và cả người dân cần nghiên cứu tìm ra phương án trên tinh thần công khai, dân chủ, đảm bảo quyền lợi cho các bên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội chỉ đạo di dời khẩn cấp hộ dân nhà C8 Giảng Võ
Hà Nội chỉ đạo di dời khẩn cấp hộ dân nhà C8 Giảng Võ

(VOV) -Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi yêu cầu khẩn trương di chuyển các hộ dân đến nơi an toàn.

Hà Nội chỉ đạo di dời khẩn cấp hộ dân nhà C8 Giảng Võ

Hà Nội chỉ đạo di dời khẩn cấp hộ dân nhà C8 Giảng Võ

(VOV) -Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi yêu cầu khẩn trương di chuyển các hộ dân đến nơi an toàn.

Hà Nội chỉ đạo xử lý nhà C8 Giảng Võ và E6 Thành Công
Hà Nội chỉ đạo xử lý nhà C8 Giảng Võ và E6 Thành Công

(VOV) -Áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân tại nhà C8 Giảng Võ và E6 Thành Công.

Hà Nội chỉ đạo xử lý nhà C8 Giảng Võ và E6 Thành Công

Hà Nội chỉ đạo xử lý nhà C8 Giảng Võ và E6 Thành Công

(VOV) -Áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân tại nhà C8 Giảng Võ và E6 Thành Công.