Dự án kênh "mềm mại" ở TP.HCM: Chưa tìm được tiếng nói chung
VOV.VN - Dự án kênh A41 ở quận Tân Bình, TP.HCM được phê duyệt từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai. Nguyên nhân do chủ đầu tư và người dân bị thu hồi đất vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Phía người dân chấp nhận phần thiệt để dự án kênh A41 được triển khai, trong khi chủ đầu tư là quận Tân Bình vẫn giữ quan điểm, kế hoạch cũ. Liên quan dự án kênh mềm mại, được cho là nắn dự án để né phần đất doanh nghiệp, Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP.HCM đã nhiều lần phản ánh.
Chưa hài hòa lợi ích?
Dự án xây dựng cải tạo kênh A41, phường 4, quận Tân Bình được phê duyệt từ năm 2016, do quận Tân Bình làm chủ đầu tư. Dự án thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công, với tổng chi phí dự toán đầu tư hơn 347,5 tỉ đồng. Với hệ thống kênh dài 837,5m, dự án sẽ là hệ thống thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo dự án, diện tích thu hồi của các hộ dân là hơn 8.041m2 với 142 trường hợp giải tỏa, gồm 136 trường hợp thu hồi đất một phần, 6 trường hợp thu hồi đất hoàn toàn (3 hộ dân và 3 công trình công cộng). Tổng chi phí dự toán đầu tư hơn 347,5 tỉ đồng.
Gần 8 năm, qua 2 lần tiếp xúc với người dân và hàng chục lần tiếp xúc với các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án, nhưng hai bên chưa tìm được tiếng nói chung. Người dân cho rằng, chủ đầu tư dự án cố tình nắn cong, bẻ lệch “tim kênh” để né công trình của các doanh nghiệp; mở vỉa hè mỗi bên 4m; giá đền bù chưa hợp lý… gây thiệt hại lớn cho các hộ dân. Mới đây, tại buổi tiếp xúc ngày 8/9/2023, tại trụ sở UBND Phường 4, quận Tân Bình, người dân tiếp tục đưa ra các ý kiến trên, đồng thời cho rằng, việc mở vỉa hè mỗi bên kênh 4m là không phù hợp.
Ông Bùi Công Phan, nhà số 5 đường Đồ Sơn, Phường 4, quận Tân Bình cho rằng, việc đưa đường nội bộ trở thành đường gom, khu vực với vỉa hè mỗi bên 4m không chỉ gây lãng phí cho nhà nước mà còn thiệt hại lớn cho người dân.
"Dự án này đang thực hiện sai với quy định pháp luật, vi phạm các quy định cụ thể tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 104: 2007 "đường đô thị – yêu cầu thiết kế" của Luật Xây dựng; rồi vi phạm Luật Kiến trúc và Quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP.HCM. Cho nên là việc xác định vỉa hè 4m là một trong những vi phạm lớn thể hiện sự tùy tiện của những người chủ trì xây dựng dự án này", ông Bùi Công Phan chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Mai Hoa, nhà ở số 2/19 đường Đồ Sơn (đầu kênh A41), dự án cải tạo Kênh A41 có tuyến đường chỉ hơn 800m lại là hình chữ y với 6 ngã ba, 5 ngã tư và một vòng xoay… Dự án đi qua khu dân cư ngoằn ngoèo đông đúc nên cần phải có phương án cụ thể về an toàn giao thông đường bộ và hài hòa lợi ích giữa nhà nước và người dân.
"Nếu đường nội bộ thì chỉ có vỉa hè 2m, đường 12m theo Luật Xây dựng, Luật đầu tư công chứ không phải như các anh tự đưa lên là đường gom. Mà trong quyết định 07 của Hội đồng nhân dân TP phê duyệt thì đây là dự án cải tạo kênh thôi chứ không có một câu chữ nào nói về làm mới đường giao thông cho nên bản thân tôi và tất cả người dân khu vực này đều không đồng tình với vấn đề này", bà Nguyễn Mai Hoa chia sẻ.
Lấy ý kiến dân theo hình thức
Chính quyền địa phương cũng đã có buổi tiếp xúc về việc điều chỉnh cục bộ Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000. Hầu hết các hộ bị ảnh hưởng đều chấp nhận thiệt hại một phần nhà, đất và đồng tình việc mở rộng vỉa hè 2m mỗi bên. Tuy nhiên, buổi tiếp xúc không có sự tham gia của người có thẩm quyền để trả lời ý kiến của các hộ dân. Hơn thế nữa, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng không ký và thông qua biên bản để bàn giao cho bà con. Điều này khiến các hộ dân rất băn khoăn và hoài nghi mục đích của cuộc tiếp xúc.
Bà Lê Thị Sữa, ngụ số 3/2 đường Đồ Sơn, P4, quận Tân Bình bức xúc: "Căn cứ trên VN - 2000 là bà con đã được cấp chủ quyền nhà, rồi bà con xây dựng nhà theo quy hoạch rồi. Đến ngày hôm nay muốn hợp thực hóa cái sai của Ban Quản lý dự án, phòng quản lý đô thị quận Tân Bình thì lại điều chỉnh VN – 2000, vậy là tiếp tục sai tiếp. Bà con rất tôn trọng pháp luật nhưng các cơ quan chức năng quận Tân Bình đã làm việc rất hình thức".
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân cho rằng, giá trị của phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nhiều bất nhất. Trong đó, giá đất bồi thường của dự án được xác định vào thời điểm tháng 10/2019, chỉ bằng 30 đến 40% giá đất trên thị trường là không thỏa đáng. Thực tế, đất của các hộ dân trước đây do quân đội cấp và họ đã xây nhà, được UBND TP.HCM hoặc UBND quận Tân Bình xác định chủ quyền. Nhưng trong phương án đền bù, hỗ trợ về loại đất này, có hộ được 100% tiền đền bù, có hộ được 30- 40% tiền hỗ trợ, có hộ không được đền bù, hỗ trợ gì.