Dự án thoát nước Hà Nội (giai đoạn 1,2) chưa giải quyết úng ngập cho khu vực lưu vực sông Nhuệ

Đó là khẳng định của Ban quản lý dự án Thoát nước Hà Nội tại cuộc trao đổi với phóng viên báo chí sáng 8/11.

Theo ông Lê Hồng Quân, giám đốc Ban quản lý dự án, cả hai giai đoạn 1 và 2 của dự án thoát nước Hà Nội đều chưa bao hàm việc giải quyết vấn đề tiêu thoát nước cho khu vực lưu vực sông Nhuệ. Do đó ngay cả khi dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 đã hoàn thành thì tình hình úng ngập tại các khu vực dân cư lưu vực sông Nhuệ vẫn chưa được cải thiện.

Trong trận mưa kỷ lục vừa qua, khu vực phía tây thành phố thoát nước ra sông Nhuệ như đường Trần Duy Hưng, khu`Mỹ Đình, Mễ Trì, Trung tâm Hội nghị quốc gia… chìm trong biển nước do mực nước sông Nhuệ lên cao, trạm bơm Đồng Bông làm nhiệm vụ bơm tiêu nước cho khu vực này ngập sâu trong nước trở nên “ tê liệt” không hoạt động được.

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án: Quy hoạch tổng thể thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hà Nội đến năm 2010 do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản lập và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 430/TTg ngày 7/8/1995. Quy hoạch này áp dụng cho toàn bộ phạm vi lưu vực sông Tô Lịch và sông Nhuệ, ranh giới phía bắc và phía đông giáp đê sông Hồng, phía tây giáp sông Nhuệ còn phía nam giáp hạ lưu sông Kim Ngưu, với điều kiện chu kỳ bảo vệ 10 năm, giải quyết úng ngập với trận mưa có lưu lượng 310mm/2 ngày và xử lý nước thải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường Việt Nam. Ước tính tổng mức đầu tư thực hiện quy hoạch vào khoảng 1.162 triệu USD, được phân kỳ đầu tư phù hợp với điều kiện kinh tế của từng thời điểm. Quy hoạch này đặt trong quy hoạch chung lưu vực sông Nhuệ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn( trước đây là Bộ Thủy Lợi) quản lý, tuân thủ những phương hướng và giải pháp cơ bản của quy hoạch này.

Theo thứ tự ưu tiên đề xuất thì quy hoạch thoát nước mưa, chống úng ngập do mưa 172mm/2 ngày đêm trong phạm vi 77,5 km lưu vực sông Tô Lịch được ưu tiên triển khai trước và chia thành 2 giai đoạn, sau đó đến thoát nước lưu vực sông Nhuệ và xử lý nước thải. Đối với quy hoạch thoát nước lưu vực sông Tô Lịch giai đoạn 1( dự án I) giải quyết được những trận mưa 172mm/2 ngày đêm còn giai đoạn 2( dự án II) giải quyết được mưa 310mm/2 ngày đêm. Thời gian hoàn thành dự án I vào năm 2000 và dự án II vào năm 2005. Tuy nhiên, do việc triển khai dự án phải tuân thủ trình tự thủ tục xây dựng cơ bản, các quy định của Nhà tài trợ cũng như phía Việt Nam và những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên tiến độ hoàn thành 2 dự án bị kéo dài so với thời gian quy định trong quy hoạch ban đầu. Thực tế là năm 1998 dự án I mới triển khai thi công và hoàn thành vào năm 2005 còn dự án II đến ngày 13/11/2008 mới khởi công gói thầu đầu tiên.

Với tổng kinh phí thực hiện dự án I là 2700 tỷ đồng/3100 tỷ đồng tổng mức đầu tư được duyệt, dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư các công trình bao gồm cụm công trình đầu mối Yên Sở, hồ điều hòa Yên Sở, cải tạo nạo vét 4 sông thoát nước chính Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu, cải tạo cầu cống gây co thắt dòng chảy trên mương thoát nước( 10 điểm) và xây dựng các cửa xả và 7 cửa điều tiết, cải tạo nạo vét nạo vét kè, tách nước thải các hồ Giảng Võ, Thiền Quang, Thành Công, Thanh Nhàn 1,2a,2b, cải tạo và xây dựng 23,9km cống thoát nước, cung cấp dây chuyền thiết bị nạo vét hệ thống thoát nước, xây dựng 2 trạm xử lý nước thải thí điểm Kim Liên, Trúc Bạch, xây dựng đường và hạ tầng kỹ thuật ven bờ trái sông Tô Lịch. Theo Ban quản lý dự án, đánh giá hiệu quả của dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1( chủ yếu mang tính định tính nhiều hơn định lượng) qua việc so sánh tình hình úng ngập trước và sau khi thực hiện dự án cho thấy số điểm úng ngập và thời gian úng ngập giảm hẳn so với trước. Trận mưa lớn kỷ lục vừa qua không nằm trong tính toán của dự án, đường phố Hà Nội biến thành sông nhưng quan trọng nước đã rút nhanh hơn so với trước.

Ngày 13/11 sắp tới, Hà Nội sẽ khởi công gói thầu thuộc giai đoạn 2 của dự án nâng công suất trạm bơm Yên Sở lên 90m3/s( gấp đôi giai đoạn 1. Công suất của trạm bơm này sẽ đạt khoảng 8 triệu m3 nước thải/ngày đêm, nhiều điểm úng ngập trên địa bàn sẽ được giải quyết, trong đó các điểm ngập nặng trong đợt mưa vừa qua như khu vực phường Định Công và Tân Mai sẽ được cải thiện. Cùng với việc nâng công suất trạm bơm, Ban quản lý dự án cũng yêu cầu đơn vị tư vấn nghiên cứu giải pháp đảm bảo an toàn cho trạm bơm Yên Sở không bị ngập lụt (cả giai đoạn 1 và 2), khắc phục nhược điểm bộc lộ trong trận mưa vừa qua. Ngoài nâng công suất trạm bơm Yên Sở, dự án tập trung cải tạo kênh thoát nước, trong đó cải tạo thay thế cầu trên sông Tô Lịch, hạ lưu Kim Ngưu, Lừ, Sét, hồ nội thành Hào Nam, Đống Đa, Phương Liệt, Khương Trung 1,2, Hố Mẻ và Tân Mai, các hồ điều hòa Linh Đàm, Định Công, Đầm Chuối, Hạ Đình, xây dựng trạm xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu, cải tạo, xây dựng cống tiểu lưu vực sông Tô Lịch, Trúc Bạch, Kim Ngưu, Lừ và tiểu lưu vực sông Sét, xây dựng đường công vụ doc sông Tô Lịch, Lừ, Sét, chuẩn bị bãi đổ bùn, mua sắm thiết bị nạo vét.

Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn này lên tới trên 6300 tỷ đồng, trong đó 76,42% là vốn vay của JIBIC (Nhật Bản) và 23,58% là vốn đối ứng trong nước và cũng mới chỉ tập trung giải quyết úng ngập và cải thiện môi trường cho lưu vực sông Tô Lịch, chưa tính đến lưu vực sông Nhuệ.
Như vậy, lưu vực sông Nhuệ gồm 4 tiểu lưu vực là Cổ Nhuế, Mỹ Đình, Mễ Trì, Ba Xá với quy hoạch thoát nước 57,9 km2 vẫn sẽ phải thoát nước nhờ 4 trạm bơm tiêu bơm cưỡng bức ra sông Nhuệ có tổng công suất 35m3/s và diện tích 183 ha hồ điều hòa. Trong khi Hà Nội đang phát triển mạnh về phía tây, các khu đô thị mọc lên như nấm sau mưa thì mặc dù đầu tư rất nhiều tỷ đồng, người dân Thủ đô vẫn chưa hết nỗi lo ngập lụt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên