Đưa CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước

Việt Nam cần chú trọng đến phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, tự sản xuất ra các sản phẩm phần mềm, nội dung số…  

Đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu đạt tỷ trọng Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) đóng góp vào GDP đạt từ 8-10% và nằm trong số 10 nước dẫn đầu về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm, nội dung số. Đến năm 2020, Chính phủ điện tử phấn đấu nằm trong nhóm dẫn đầu trên thế giới. Đây là những vấn đề chính được đưa tại hội thảo “CNTT và tương lai phát triển đất nước” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin-Truyền thông và Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam tổ chức sáng 23/4, tại Hà Nội.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất chú trọng đến phát triển lĩnh vực CNTT&TT thông qua những chính sách, hoạt động để lĩnh vực này phát triển, phục vụ thiết thực vào cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển của đất nước đặt ra yêu cầu đối với Việt Nam là đưa CNTT&TT trở thành nền kinh tế mũi nhọn. Vì thế, chúng ta phải chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông nhằm triển khai các đề án lớn về Chính phủ điện tử, thương mại, y tế, giáo dục điện tử… để mọi người dân sử dụng các dịch vụ một cách hiệu quả, nhanh chóng nhất.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam cho rằng: Việt Nam cần đặt CNTT với những nhiệm vụ phát triển dịch vụ phần mềm, sản phẩm CNTT do chính người dân, doanh nghiệp trong nước sáng chế, phát minh chứ không phải đi nhập khẩu từ nước ngoài. Để thực hiện được điều này, chúng ta cần đội ngũ nguồn nhân lực CNTT đủ mạnh, có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ tốt có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong nước và gia nhập thị trường lao động quốc tế.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hữu, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, tương lai phát triển đất nước sẽ không thể thiếu CNTT&TT vì đây là lĩnh vực đang được ứng dụng tại hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp và đời sống hàng ngày của người dân. Để đến năm 2020, Việt Nam Nam trở thành một nước mạnh về CNTT&TT, chúng ta cần phát tiển “công dân điện tử”. Theo đó, cần tuyên truyền và phổ cập sử dụng CNTT đến tất các vùng, miền trên cả nước để tất cả người dân đều biết sử dụng máy tính, có thể làm việc, giao dịch thông qua điện thoại, Internet./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên