Đưa lao động Việt Nam đi Angola là phi pháp

(VOV) -Phía Việt Nam chưa cấp phép cho bất cứ một công ty nào đưa lao động sang làm việc ở Angola.

Những năm qua, bên cạnh những câu chuyện xóa đói giảm nghèo, “đổi đời” từ phong trào đi xuất khẩu lao động, thì không ít gia đình lâm vào cảnh khốn đốn, thậm chí tính mạng cũng không thể bảo toàn vì hậu quả của các vụ lừa đảo xuất khẩu lao động. Nắm được tâm lý của người lao động là cần tiền, nhưng lại thiếu hiểu biết về pháp luật, những kẻ lừa đảo đã dựng lên nhiều “màn kịch” khác nhau. Thế nhưng, đến khi người lao động tiền mất, tật mang thì mới vỡ lẽ bị lừa.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Đào Công Hải – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

PV: Thời gian gần đây rộ lên những thông tin lừa đảo về xuất khẩu lao động được đăng tải trên một số website, đặc biệt là lừa đảo đi xuất khẩu lao động tại thị trường Angola, theo ông đâu là nguyên nhân xảy ra sự việc này?

Năm nay, một số thị trường xuất khẩu lao động của ta gặp khó khăn, trong đó thị trường Hàn Quốc, do tỉ lệ lao động Việt Nam ở lại bất hợp pháp vẫn còn nhiều và giảm không đáng kể nên phía bạn vẫn chưa nối lại biên bản ghi nhớ để chúng ta tiếp tục đưa lao động sang. Malaysia là thị trường mà lao động ta cho rằng mức lương khiêm tốn, nên không đi.

Ông Đào Công Hải

Ông Đào Công Hải:

Chính vì thế, một số cá nhân và tổ chức không có phép lợi dụng sự cả tin của người lao động đưa ra những thị trường mới, mà thực sự chưa có, mục đích để thu tiền bất chính của người lao động. Đặc biệt là rộ lên thông tin đưa lao động đi làm việc ở Angola, một quốc gia ở châu Phi.

Tôi xin nhấn mạnh: Phía Việt Nam, ở đây là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chưa cho phép bất cứ một công ty có giấy phép xuất khẩu lao động ở Việt Nam hoặc một công ty nào khác đưa lao động sang làm việc ở Angola. Do vậy, bất kể một công ty nào thông báo đưa người lao động Việt Nam sang đó làm việc là hoàn toàn không có cơ sở, vì vậy rất mong người lao động cảnh giác. Nếu có ai mời các bạn sang đó làm việc, các bạn phải thông báo ngay cho cơ quan lao động của địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hoặc gọi đường dây nóng của Cục Quản lý lao động ngoài nước để kiểm chứng thông tin.

PV: Theo ông, lừa đảo xuất khẩu lao động là tình trạng diễn ra dai dẳng trong những năm qua; số cá nhân, tổ chức vi phạm bị xử lý hành chính và xử lý hình sự không ít, nhưng vì sao vẫn chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa?

Ông Đào Công Hải: Đối với những công ty có giấy phép xuất khẩu lao động đi làm việc theo hợp đồng, nếu trong quá trình kiểm tra, thanh tra, chúng tôi phát hiện có sai phạm; hoặc người lao động thông tin với chúng tôi về những sai phạm của công ty đó, thì chúng tôi hoàn toàn có quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Còn những vụ việc liên quan tới quan hệ dân sự ở xã hội như “cò mồi”, những tổ chức không có giấy phép lừa lao động để thu tiền bất hợp pháp, những vụ việc đó khi chúng tôi biết, sẽ gửi hồ sơ sang các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, hoặc thanh tra ở các địa phương để xử lý.

Ứng viên điều dưỡng đang làm việc tại cơ sở chăm sóc sức khỏe tại Nhật Bản (Ảnh: dolab.gov.vn)

Tôi cũng xin nhấn mạnh là, với mong muốn của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, có thu nhập cao, do vậy có nhiều chiêu thức đưa lao động sang các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc để du học, rồi từ đó ở lại bất hợp pháp; hoặc đi du lịch cũng ở lại bất hợp pháp với mục đích đi làm kiếm tiền, nhưng thực chất đấy là vấn đề hoàn toàn ảo. Bởi khi sang được bên kia, không có pháp luật nào có thể bảo vệ lợi ích của người lao động, mà khi đó, người lao động là người ở lại bất hợp pháp.

PV: Theo ông, những trường hợp mà người dân đã nhận ra bị lừa đảo thì cần liên hệ khai báo với những cơ quan chức năng nào trong nước và nước ngoài để được trợ giúp?

Ông Đào Công Hải: Nếu ở trong nước, người lao động có thể kiểm chứng thông tin qua các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cư trú, hoặc đường dây nóng của Cục Quản lý lao động ngoài nước, đó là gọi 043 8249517, máy lẻ 511, 512, 513 hoặc 601 chúng tôi sẽ giải đáp; hoặc gọi đường dây nóng tới Văn phòng hỗ trợ lao động ngoài nước là 043 9366633.

 

Năm 2012 đã có 18 công dân Việt Nam bị chết vì tai nạn lao động và dịch bệnh do đi xuất khẩu lao động “chui” tại Angola, bên cạnh đó, nhiều người còn bị cướp bóc. Gần đây nhất, đầu tháng 4/2013, anh Nguyễn Đức Cao (SN 1988 ở Nghệ An), đi xuất khẩu lao động sang Angola vào tháng 12/2012 đã bị tử nạn vì sốt rét.

Còn nếu người lao động đã trót xuất cảnh ra nước ngoài bằng visa du lịch, visa thăm thân mà lại trở thành bất hợp pháp, không giấy tờ thì rất mong các bạn liên hệ đến các cơ quan đại diện ngoại giao, các đại sứ quán Việt Nam ở các quốc gia đó sẽ được hỗ trợ.

PV: Trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến người dân bị lừa đảo đi xuất khẩu lao động, nhưng ông có cho rằng một nguyên nhân quan trọng nhất là do người dân còn thiếu thông tin từ những nguồn chính?

Ông Đào Công Hải: Chúng tôi thấy rằng, lượng thông tin nhiều, nhưng quan trọng là người lao động cần tiếp nhận, xử lý, kiểm định thông tin. Điều dễ hiểu để người lao động nhận biết được hợp đồng lao động có đúng hay không, đó là bao giờ người lao động cũng phải được học tiếng, bổ túc tay nghề; được đào tạo giáo dục định hướng về đất nước, con người, phong tục tập quán của nước bạn. Nếu như không có việc học hành này, thì hoàn toàn có dấu hiệu lừa đảo.

Đặc biệt là chi phí cho từng thị trường không cao. Ví dụ như đi Đài Loan là khoảng 4.500USD, đi Malaysia là khoảng 1.300USD, và trước đây đi Hàn Quốc là khoảng 1.100USD. Còn nếu số lượng tiền các công ty đưa ra quá lớn, chứng tỏ dấu hiệu lừa đảo.

PV: Trong năm 2013, thị trường nào đang có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam và thị trường nào chưa được cấp phép, thưa ông?

Ông Đào Công Hải: Hiện nay chúng ta có khoảng 500.000 lao động ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có 4 thị trường truyền thống của lao động Việt Nam là Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Đài Loan, trong đó phía Hàn Quốc tạm thời dừng tiếp nhận lao động của chúng ta. Malaysia mở rộng cửa tiếp nhận lao động Việt Nam, nhưng với mức lương từ 8-10 triệu đồng/tháng nên lao động không mặn mà.

Còn lại hai thị trường Nhật Bản và Đài Loan đòi hỏi việc học ngoại ngữ, bổ túc nghề và đặc biệt là chuẩn bị hành trang trước khi đi từ 4 - 6 tháng. Cho nên nếu người lao động có nhu cầu đi thì cần phải có sự kiên nhẫn và kiên trì trong quá trình học, rèn luyện trước khi xuất cảnh.

Ngoài ra, các thị trường Trung Đông cũng có nhu cầu làm nghề xây dựng. Ở Đông Ấu cũng có một số hợp đồng về lái máy xây dựng, hoặc công việc ở các xưởng may.

PV: Xin cảm ơn ông!./. 

Để biết thông tin cụ thể về danh sách các công ty được cấp phép, thủ tục, thị trường… người lao động có thể vào trang web của Cục Quản lý Lao động ngoài nước http://dolab.gov.vn hoặc http://hotrolaodongngoainuoc.org.

Đường dây nóng của Cục Quản lý lao động ngoài nước: 043 8249517, máy lẻ 511, 512, 513 hoặc 601. Đường dây nóng tới Văn phòng hỗ trợ lao động ngoài nước là 043 9366633

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhiều lao động bị lừa đi làm việc tại Angola
Nhiều lao động bị lừa đi làm việc tại Angola

(VOV) -Khi đến Angola, nhiều người không được làm việc cho các công ty.

Nhiều lao động bị lừa đi làm việc tại Angola

Nhiều lao động bị lừa đi làm việc tại Angola

(VOV) -Khi đến Angola, nhiều người không được làm việc cho các công ty.

Trên 700 lao động Việt Nam sang Lybia làm việc
Trên 700 lao động Việt Nam sang Lybia làm việc

(VOV) -Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu đưa lao động Việt Nam trở lại làm việc tại thị trường Lybia.

Trên 700 lao động Việt Nam sang Lybia làm việc

Trên 700 lao động Việt Nam sang Lybia làm việc

(VOV) -Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu đưa lao động Việt Nam trở lại làm việc tại thị trường Lybia.