Đưa vào sử dụng nhiều ngôi trường mới ở vùng đồng bào Khmer
VOV.VN - Tỉnh Sóc Trăng có hơn 30% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Những năm qua, chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh không ngừng được nâng lên. Năm học mới 2023-2024, nhiều vùng đồng bào Khmer trong tỉnh tiếp tục đưa thêm nhiều ngôi trường mới vào giảng dạy mang lại niềm vui, phấn khởi cho thầy và trò.
Sau nhiều năm dạy và học tại các điểm trường lẻ thiếu sân chơi, hệ thống lớp học xuống cấp, trang thiết bị dạy và học thiếu thốn, bước vào năm học mới 2023-2024, hơn 300 em học sinh là con em đồng bào dân tộc Khmer tại trường Tiểu học Thuận Hưng A, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú có niềm vui lớn khi được địa phương quan tâm đầu tư ngôi trường mới khang trang.
Cô Sơn Thị Vành Đa, Hiệu trưởng trường chia sẻ, trường được đầu tư xây dựng trên diện tích gần 7.000m2 với 12 phòng học, 13 phòng bộ môn, phòng làm việc… cùng tường rào bao xung quanh, sân chơi khang trang, kinh phí gần 15 tỷ đồng. Qua đó sẽ giúp trường đảm bảo phòng học 2 buổi/ngày.
“Năm nay, cán bộ, giáo viên của trường và phụ huynh học sinh rất phấn khởi vui mừng bởi khi vào học tập tại trường mới, các em tập trung vào một điểm, thứ nhất là có phòng học đầy đủ để đảm bảo dạy 2 buổi/ngày, đúng theo chương trình phổ thông năm 2018, thứ hai là có phòng bộ môn để giảng dạy, có nơi cho cán bộ giáo viên làm việc và sân chơi cho các em học sinh”, cô Vành Đa cho biết.
Cùng được đầu tư xây dựng trường mới, đảm bảo đáp ứng tốt cho việc dạy và học, thầy Lâm Hùng, Phó hiệu Trưởng Trường Tiểu học Phú Mỹ C, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú cho hay, trường có hơn 400 em học sinh là con em đồng bào dân tộc Khmer theo học. Với sự quan tâm đầu tư trường lớp khang trang, là niềm vui của giáo viên, học sinh và phụ huynh, tất cả đều kỳ vọng, chất lượng giáo dục tại trường sẽ tiếp tục được nâng lên.
“Có ngôi trường mới sẽ tiếp thêm động lực mới, từ đó, tạo niềm tin, niềm vui cho cha mẹ học sinh cùng bà con tại địa phương, đặc biệt, tạo động lực thúc đẩy cho việc dạy và học cho thầy và trò”, thầy Lâm Hùng nói.
Trong những năm qua, huyện Mỹ Tú rất quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục. Theo đó, nhiều lớp học, ngôi trường được sửa chữa, xây dựng mới khang trang, từng bước đáp ứng tốt việc học tập của các em học sinh. Hiện nay, ngoài 2 trường Tiểu học Phú Mỹ C và trường Tiểu học Thuận Hưng A được xây mới với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng, trên địa bàn huyện còn có trường Trung học cơ sở Thuận Hưng cũng đang được đầu tư xây dựng mới. Hiện, ngôi trường này đã hoàn thành khối công trình chức năng dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 9 tới, đối với phòng học sẽ hoàn thiện đầu năm 2024. Bên cạnh đó, huyện còn đầu tư hàng tỷ đồng để sửa chữa nhiều điểm trường khác, mua sắm thêm trang thiết bị, máy tính, bàn ghế, tivi để phục vụ cho công tác dạy học.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Tú cho biết: “Bố trí từ nguồn ngân sách của địa phương cũng như tranh thủ nguồn kinh phí của trên đầu tư, từng bước thực hiện kiên cố hóa trường lớp. Đối với năm học này, hiện nay, huyện ủy, ủy ban đã chỉ đạo ngành giáo dục tiến hành rà soát lại mạng lưới trường lớp để sửa chữa kịp thời đảm bảo cho năm học mới, đồng thời công trình xây dựng mới cũng đẩy nhanh tiến độ để đưa vào sử dụng kịp thời”.
Bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số, tỉnh Sóc Trăng đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường Dân tộc nội trú. Trường trung học cơ sở Dân tộc nội trú Long Phú, huyện Long Phú là một trong 5 trường xây dựng bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học với 10 phòng ký túc xá được xây mới, 25 phòng ký túc xá cũ được cải tạo, đáp ứng 100% học sinh của trường đều được ở nội trú thay vì 70% như trước đây. Ngoài ra, trường còn xây mới khu hành chính, cải tạo 8 phòng học, khu vực nhà ăn, nhà vệ sinh, giúp học sinh ăn ở nội trú, sinh hoạt, học tập được đảm bảo, tiện nghi hơn, góp phần rất lớn trong nâng cao chất lượng dạy và học của trường trong năm học mới.
Ông Liêng Hiền Sư, Hiệu trưởng trường cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận cơ sở vật chất đã được trang bị và cải tạo mới nên rất phấn khởi, đối với việc học cũng vậy, ăn ở nội trú sạch sẽ và khang trang hơn. Về phòng ốc, học tập thì nhờ cải tạo mới đãì đáp ứng đầy đủ trang thiết bị giảng dạy trong các phòng học”.
Chăm lo giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất được tỉnh Sóc Trăng quan tâm và coi đây là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và tỉnh nói chung. Theo sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, chất lượng giáo dục vùng đồng bào Dân tộc chuyển biến tích cực, đảm bảo duy trì sỹ số, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, học sinh được công nhận Tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông hàng năm đạt từ 99% - 100%.
Ông Danh Hoàng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, từ năm 2021, ngành Giáo dục địa phương được thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số, trong đó có 3 nội dung của Tiểu Dự án 1 thuộc Dự án 5 là củng cố, phát triển các trường Phổ thông Dân tộc nội trú và xoá mù chữ cho người dân vùng đồng bào Dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có 7 trường Phổ thông Dân tộc nội trú được thụ hưởng về sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất với vốn đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 122 tỷ đồng.
“Hiện nay, cơ sở vật chất của các trường đều đảm bảo kiên cố; chúng ta không còn trường học, lớp học tạm, với sự đầu tư như vậy, cho đến thời điểm này, tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia trong tỉnh là 82%””, ông Danh Hoàng Nguyên nói.
Nhiều lớp học, ngôi trường được sửa chữa, xây dựng mới khang trang, từng bước đáp ứng tốt việc dạy và học tập của giáo viên, các em học sinh đồng bào dân tộc Khmer nói riêng và ở tỉnh nói chung. Với sự nỗ lực đó, Sóc Trăng kỳ vọng, sẽ tiếp tục góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương trong năm học mới này.