Đừng để chung cư cũ là “ổ chuột” giữa đô thị văn minh, hiện đại
VOV.VN - Theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, để giải bài toán về cải tạo chung cư cũ, Hà Nội cần chú trọng công tác tái định cư cho người dân sau khi di dời; làm rõ vấn đề tái định cư ở đâu, như thế nào và chính sách đền bù ra sao để tạo được sự đồng thuận của 100% người dân.
Những bức tường nứt toác, những mảng sơn bạc màu, loang lổ, phủ đầy rêu, lan can bong tróc, cầu thang xuống cấp, hệ thống cột dầm bị sụt lún nghiêm trọng… là tình trạng của một số khu tập thể, chung cư cũ ở Hà Nội hiện nay. Trong quá trình sử dụng, các hộ dân đã cải tạo, cơi nới, tự sửa chữa để có thêm diện tích, gây mất mỹ quan đô thị, nhiều khu nhà xuống cấp, gây nguy hiểm, đe dọa tính mạng người dân. Mặc dù vậy, việc cải tạo, sữa chữa chung cư cũ vẫn giậm chân tại chỗ nhiều năm nay...
Ngoài 3 khu tập thể đã hoàn thành di dời là đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp, C8 Giảng Võ, quận Ba Đình đang phải vận động di dời 23 hộ dân vẫn "bám trụ" ở G6A Thành Công, dù đã có kế hoạch di dời từ năm 2016.
Nhà G6A Thành Công là một trong những khu tập thể cũ đã được đánh giá nguy hiểm cấp độ D trên địa bàn quận Ba Đình. Tuy nhiên, khu nhà này vẫn còn khoảng 40% số hộ cố bám trụ. Từ năm 2016 đến nay, UBND quận Ba Đình đã tổ chức di dời người dân khỏi chung cư nguy hiểm này, thế nhưng mới có 28 hộ dân di dời trong tổng số 49 hộ dân, hiện còn 21 hộ chưa di dời.
Tại đơn nguyên 3 nhà C8 tập thể Giảng Võ, UBND quận Ba Đình đã ban hành Quyết định phê duyệt 37 phương án hỗ trợ di dời tạm cư đối với 36 hộ dân và 1 cơ quan, với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 4 tỷ đồng. Đến nay có 36/37 trường hợp đã nhận tiền hỗ trợ, nhận nhà tạm cư và bàn giao căn hộ cũ. Còn lại 1 hộ đã di dời ra khỏi nhà C8, tuy nhiên chưa đồng thuận nhận tiền hỗ trợ và nhà tạm cư.
Tại vỉa hè đối diện khu chung cư, vẫn có hộ bám trụ, sống vật vờ trong 6 năm nay. Khi PV hỏi vì sao vẫn bám trụ ở đây thì được trả lời, họ đã quen với nơi này, không muốn chuyển đến nơi ở mới, họ luôn đau đáu mong chờ, chung cư cũ sẽ được cải tạo, xây mới để họ được quay trở về và ổn định chỗ ở.
7 năm qua cũng là khoảng thời gian Hà Nội bế tắc với mục tiêu cải tạo các khu chung cư cũ bởi những vướng mắc trong cơ chế đền bù, thỏa thuận với người dân về tạm cư, hệ số bồi thường, trong khi các doanh nghiệp vướng mắc về cơ chế đầu tư cải tạo...
Theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hà Nội hiện có hàng nghìn tòa chung cư cũ nát, đây đang là vấn đề quan tâm của xã hội. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là cải tạo chung cư cũ để người dân ổn định cuộc sống tốt hơn, cùng với đó góp phần cải tạo, chỉnh trang lại đô thị, để Hà Nội xứng đáng là thủ đô, đô thị văn minh, hiện đại đáng sống, thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo…
Đây là quan điểm rất tốt và đầy tính nhân văn, tuy nhiên, đề cập đến nhiều nhưng thực hiện được lại rất ít, hiện mới cải tạo được 1% tòa nhà, đó là điều khó chấp nhận, trong khi nguồn lực thực tế có thể làm tốt hơn thế. Bởi vì chúng ta đang sống trong thời kỳ biến đổi khí hậu và có rất nhiều biến động của địa chất, khí hậu tác động đến các công trình đã cũ nát. Nếu như có một trận động đất thì Hà Nội sẽ phải gánh chịu hậu quả khôn lường, bài học của Thổ Nhĩ Kỳ rất nhãn tiền, do đó không được chủ quan.
Ông Tùng cho hay, từ nhiều năm nay, các khu chung cư được sửa chữa, cải tạo rất chậm là do chưa có chính sách cụ thể để tạo ra sự hài hòa về lợi ích giữa 3 bên: Người dân, chính quyền và chủ đầu tư. Trong khi các chủ đầu tư thường có mong muốn xây thêm tầng cao để tăng lợi nhuận, nhưng việc này đi ngược lại chủ trương giảm mật độ dân số trong nội đô, phá vỡ quy hoạch chung của thành phố, gây ách tắc giao thông. Ngoài ra, các dự án cải tạo chung cư cũ gặp khó khi quyết định hệ số đền bù.
Ông Tùng phân tích, thứ 1, về quy hoạch, những khu chung cư sắp cải tạo đều nằm ở khu vực trung tâm, tức khu đất vàng. Thứ 2, hiện nay các khu chung cư do chưa được quản lý tốt trong nhiều năm, dẫn đến người dân tự cơi nới trông rất nhếch nhác, cùng với đó, không gian công cộng cũng bị lấn chiếm để làm nhà ở… cho nên mật độ dân số cao, thậm chí xấp xỉ dân số được bố trí vào ở.
Thứ 3 là vấn đề thiếu vốn. Việc xã hội hóa, tức đưa doanh nghiệp vào tham gia, doanh nghiệp làm thì phải có lợi nhuận. Nhà nước, doanh nghiệp và người dân lợi ích phải hài hòa, người dân phải được bố trí tái định cư khi họ chuyển đi. Một vấn đề nữa là tâm lý của người dân. Khi rời khỏi nơi ở cũ rồi, họ có được quay về không, khả năng được quay trở về như thế nào? Những vấn đề này đã kéo dài nhiều năm nay, do đó cần có sự điều chỉnh quy hoạch cục bộ, phải thực hiện đô thị nén cục bộ.
Quy hoạch là vậy nhưng cũng cần có lúc điều chỉnh, điều chỉnh với mục đích hợp với thực tế và hướng đến người dân. Nếu làm được như vậy thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề đang vướng mắc hiện nay.
“Người dân phải có trách nhiệm tham gia với nhà nước để đảm bảo quyền lợi cho mình, ngoài ra cần tích cực làm công tác tuyên truyền. Để người dân có niềm tin thì mọi việc làm phải minh bạch, rõ ràng, làm đến đâu được đến đấy. Như vậy đô thị sẽ đẹp, từng bước chỉnh trang, đẹp dần lên, nếu không sẽ thành “ổ chuột” giữa một đô thị văn minh, hiện đại”, ông Phạm Thanh Tùng cho hay.
Cũng theo ông Tùng, để giải bài toán về cải tạo chung cư cũ, Hà Nội cần lập đồ án quy hoạch chi tiết và toàn khu, công bố cho người dân. Chủ đầu tư phải tuân thủ theo đồ án trên cùng các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu của thành phố. Cùng với đó, Hà Nội cần chú trọng công tác tái định cư cho người dân sau khi di dời; làm rõ vấn đề tái định cư ở đâu, như thế nào và chính sách đền bù ra sao để tạo được sự đồng thuận của 100% người dân.
Theo thống kê, toàn thành phố Hà Nội hiện có 1.579 chung cư cũ, trong đó phần lớn xuống cấp, hư hỏng, thậm chí một số khu nhà thuộc diện chỉ đạo phải di dời khẩn cấp vì có thể sụp đổ bất cứ lúc nào gây nguy hiểm đến tính mạng con người và tài sản của người dân.
Mới đây, Văn phòng UBND TP.Hà Nội có thông báo 461/TB-VP kết luận và chỉ đạo của tập thể lãnh đạo UBND TP về việc quy hoạch, cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố. UBND TP.Hà Nội nhìn nhận, do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên đến nay số lượng nhà chung cư cũ được xây dựng lại còn quá ít; dự án đã quyết định đầu tư chậm triển khai, tư vấn lập quy hoạch còn quá chậm, không đạt yêu cầu đã đặt ra. Do đó, UBND TP giao Sở Xây dựng tiếp tục chủ trì, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, phối hợp với Bộ Xây dựng về đề xuất Đề án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ, kiến nghị biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, nội dung cần tháo gỡ để đề nghị Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn thực hiện./.