Đừng để đạo đức học đường xuống cấp đến vô phương cứu chữa!
VOV.VN - Nhiều vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra trong thời gian qua cũng là lời cảnh tỉnh để ngành giáo dục và những bậc làm cha mẹ nhìn nhận lại, đừng để đạo đức học đường xuống cấp đến mức vô phương cứu chữa.
Trên mạng xã hội đang lan truyền clip một học sinh ngồi cuối lớp chửi tục rồi xông lên bục giảng lấy điện thoại khi bị cô giáo tịch thu và lúc quay về không quên tát thẳng vào mặt cô giáo trước sự chứng kiến của các học sinh trong lớp. Sự việc đang được các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ nhưng cũng đang làm dư luận bức xúc, lo lắng.
Trong thời gian dài vừa qua xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường, điển hình là vụ thầy giáo ở Trường THPT Trần Quang Diệu (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định), bị học sinh dùng cây sắt đánh bầm tím vùng thái dương, ngực và lưng; rồi các vụ phụ huynh xông vào trường hành hung, bắt cô giáo phải quỳ gối ở Long An; cô giáo thực tập tại Trường Mầm non Việt Lào (TP Vinh – Nghệ An) bị phụ huynh xông vào túm tóc, đá vào bụng… khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ.
Từ ngàn đời nay, tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh người thầy luôn là hình ảnh cao quý trong xã hội. Thật khó chấp nhận hành động vô lễ như thế trong môi trường sư phạm. Nhưng thật đáng buồn, thực tế này vẫn đang diễn ra và không ai có thể khẳng định rằng nó sẽ không tiếp diễn.
Cách đây nhiều năm, tại một cuộc họp về giáo dục, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trăn trở về việc đạo đức học đường đang xuống cấp nghiêm trọng. Và trong nhiều cuộc họp về giáo dục, nhiều chuyên gia tâm huyết với giáo dục cũng lo ngại về vấn đề này.
Giáo dục là một ngành đặc thù, có sự ảnh hưởng vô cùng lớn đến xã hội nhưng dường như vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức, nhất là vấn đề về đạo đức học đường.
Thứ nhất, là một ngành đặc thù, thì việc tuyển chọn đầu vào, ngành giáo dục nên có những cơ chế đặc thù để tuyển chọn được những người thực sự có tâm huyết với nghề, tránh tình trạng như hiện nay, nhiều người theo học ngành sư phạm chỉ để giải quyết vấn đề học phí và việc làm.
Thứ hai, việc đào tạo những người làm công việc vô cùng cao quý là trồng người cần có những đặc thù trong đào tạo cũng như tuyển dụng, để khi họ tiếp cận với những trường hợp thực tế, họ sẽ có cách xử lý linh hoạt, phù hợp, hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Trở lại với sự việc trong clip, nếu học sinh này hoàn toàn bình thường về trí tuệ mà đánh thầy, cô là hành động không thể chấp nhận và phải xử nghiêm. Trong rất nhiều trường hợp, nếu nhà trường, thầy cô và gia đình có sự phối hợp chặt chẽ thì rất có thể đã hạn chế được những hành động phản cảm, phi giáo dục.
Còn giả thiết học sinh này có vấn đề về thần kinh thì việc học sinh nào đó quay clip rồi tung lên mạng cũng là một tội ác vì các em đã vô cảm, đã cười cợt, chế giễu khuyết tật và hạn chế của bạn bè.
Thứ ba, cần có cơ chế bảo vệ thầy cô. Nhiều vụ việc thầy cô bị phụ huynh và học sinh hành hung ngay trong khuôn viên nhà trường, thậm chí có người phải nhập viện nhưng những sự việc như thế này gần như người bị hại “đơn thương độc mã”. Chỉ đến khi hậu quả xảy ra, nhà trường, hội cha mẹ phụ huynh và các cơ quan liên quan mới vào cuộc.
Vậy nên, thầy cô cần có cơ chế bảo vệ để họ toàn tâm cho việc giảng dạy kiến thức, không phải nơm nớp lo lắng tự bảo vệ mình và không biết kêu ai khi có những trường hợp phụ huynh và học sinh cá biệt như vậy.
Nhưng, mọi cố gắng, nỗ lực sẽ là vô nghĩa nếu không có sự quan tâm, phối hợp của gia đình - nền tảng quan trọng góp phần cùng với nhà trường trong giáo dục, hình thành nhân cách một đứa trẻ, một con người. Và đáng lo ngại hơn là hành động này xảy ra ở ngay trong lớp học trước sự chứng kiến của nhiều học sinh trong lớp.
Vẫn biết, nhà trường là nơi dạy dỗ học sinh cả về kiến thức và nhân cách. Nhưng không phải vì thế mà gia đình phó mặc cho nhà trường. Khó có thể để các em phát triển toàn diện khi ở trường các em HỌC một đàng rồi về nhà lại HÀNH một nẻo. Cha mẹ và gia đình phải là nơi đầu tiên quan tâm, giáo dục nhân cách cho con em mình./.