“Đừng vung tay, hãy cầm tay”
VOV.VN - Đây là khẩu hiệu của Chiến dịch quốc gia “Hãy hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”.
Hưởng ứng Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11) do Liên Hợp Quốc (LHQ) phát động, ngày 18/11 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khởi động Chiến dịch quốc gia “Hãy hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”. Chiến dịch nhằm thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là của nam giới và kêu gọi sự chung tay của tất cả mọi người trong việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: “Chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ năm 2014 một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của công tác điều phối, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức thuộc Chính phủ, các tổ chức LHQ tại Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội quốc tế và trong nước để cùng chung tay, cùng hành động góp phần xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và phòng, chống bạo lực gia đình”.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam cũng khẳng định: “Chúng ta cần phải hiểu rõ hơn về nam giới và nam tính, cần phải đưa trẻ em trai và trẻ em gái tham gia vào các hoạt động xã hội theo những cách khác nhau; cần phải xem xét lại quan niệm về thế nào là nam giới, thế nào là nữ giới; cần phải xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa trẻ em trai/đàn ông với trẻ em gái/phụ nữ. Nam giới và phụ nữ phải cùng nhau đi đầu trong phong trào bình đẳng giới cũng như phòng chống bạo lực”.
Số liệu từ Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Tổng cục thống kê và LHQ tại Việt Nam công bố năm 2010 cho thấy: 58% phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực là thể chất, tinh thần và tình dục trong đời, khoảng 50% nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng, 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần cho nạn nhân, mà còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo kết quả nghiên cứu “Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình gây ra với phụ nữ tại Việt Nam”, những chi phí và thiệt hại về kinh tế do bạo lực gây ra chiếm gần 1,5% GDP năm 2012 của Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí xã hội còn cao hơn do bạo lực đối với phụ nữ ảnh hưởng đáng kể đối với sự gắn kết xã hội và khả năng phục hồi của cộng đồng. Bạo lực dẫn tới kìm hãm tăng trưởng kinh tế và gia tăng đói nghèo của quốc gia.
Chiến dịch quốc gia lần này bao gồm một chuỗi các sự kiện với nhiều hình thức như hội thảo, triển lãm, diễu hành, chạy việt dã… sẽ được tổ chức từ ngày 18/11 đến 16/12 tại 12 tỉnh, thành như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng… “Đừng vung tay, hãy cầm tay!” là khẩu hiệu của Chiến dịch./.