Gần 600 triệu người đang đói và thiếu dinh dưỡng

Thông tin được nêu tại buổi bế mạc Hội nghị quan chức cấp cao trong khuôn khổ Hội nghị FAO tại Hà Nội.

Hội nghị quan chức cấp cao, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 31 của Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã được tổ chức tại Hà Nội từ 12 – 14/3. Các đại biểu của 39 nước thành viên; Các quan sát viên từ hai nước thành viên LHQ; đại diện của 6 tổ chức quốc tế, 18 tổ chức phi chính phủ quốc tế, và 10 tổ chức khác của Liên hợp quốc đã tham dự hội nghị.

Trong 3 ngày hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng lương thực và nông nghiệp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm những triển vọng và các vấn đề đang nổi lên; Báo cáo và tham vấn về các kết quả khóa họp lần thứ 37 của Ủy ban An ninh Lương thực Thế giới (CFS) và các hành động tiếp theo ở cấp độ khu vực và quốc gia; Tăng cường và đa dạng hóa các loại cây trồng và hoạt động sản xuất nông nghiệp hướng tới an ninh lương thực;

Sự phát triển chuỗi giá trị và giảm tổn thất sau thu hoạch cho các hộ nông dân sản xuất nhỏ; Báo cáo của FAO về các hoạt động tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương giai đoạn 2010-2011; Chương trình làm việc và ngân sách giai đoạn 2012-2013, và những lĩnh vực ưu tiên hành động cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong giai đoạn 2014-2015.

Các nhà hoạch định chính sách cũng đã tranh luận về sự thay đổi mô hình để tăng cường sản xuất lương thực mà họ tin rằng có thể ngăn chặn một cuộc khủng hoảng “đang manh nha” và có thể phá hoại những thành quả phát triển của khu vực, đẩy châu Á vào một giai đoạn đói nghèo và thiếu dinh dưỡng.

Theo Tiến sỹ Hiroyuki Konuma, Trợ lý Tổng Giám đốc-Trưởng đại diện FAO khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chúng ta phải vượt ra khỏi “Cuộc cách mạng xanh” thông qua việc áp dụng một cách tiếp cận có tên gọi “Tiết kiệm và tăng trưởng”. Triết lý này liên quan tới việc tăng cường liên tục hoạt động sản xuất lương thực bằng cách áp dụng các phương pháp để bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; khuyến khích đa dạng hóa cây trồng và sản xuất nông nghiệp; bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết; các chiến lược dài hạn để kiểm soát dịch bệnh; giảm tổn thất lương thực và chất thải; phổ biến kiến thức và trao quyền cho các nhà sản xuất quy mô nhỏ.

Tiến sỹ Hiroyuki Konuma khẳng định, cách tiếp cận “Tiết kiệm và Tăng trưởng” áp dụng tại các nước đang phát triển đã tăng sản lượng cây trồng tới 80%, trong khi cũng góp phần giảm nhẹ những tác động của sản xuất nông nghiệp đối với tình trạng biến đổi khí hậu.

Hiện có gần 600 triệu người tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang phải hứng chịu nạn đói và thiếu dinh dưỡng. Với việc dân số khu vực được dự báo tăng thêm 1 tỉ người nữa vào giữa thế kỷ này, những cách tiếp cận mới để tăng cường sản xuất lương thực là hết sức cần thiết.

Theo kế hoạch, ngày mai, Hội nghị lần thứ 31 của Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ chính thức khai mạc tại Hà Nội. Hội nghị sẽ bàn thảo những đề xuất, kiến nghị do Hội nghị quan chức cấp cao đệ trình, và thông qua những quyết định quan trọng liên quan đến các chương trình hành động khu vực trong giai đoạn 2012-2013./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên