Gần 7 héc ta rừng ngập mặn ở Quảng Nam chết khô vì bị “bỏ quên”
VOV.VN - Gần 7 héc ta rừng ngập mặn tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam bị suy kiệt và chết dần trong một thời gian dài nhưng không được quan tâm phục hồi. Cả khu rừng ngập mặn lớn chết khô khiến ngôi làng ven biển mất đi “tấm lá chắn” mỗi khi mùa mưa bão đến, lượng cá tôm ở khu vực này cũng giảm đáng kể ảnh hưởng đến sinh kế của người dân nơi đây.
Khu rừng ngập mặn gần 7 héc ta tại thôn Đông Bình, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam gần bị xóa sổ. Nhiều cây đước, mắm, bần hàng chục năm tuổi chết khô, thân cây nằm trơ trọi trên mặt nước. Dưới gốc cây, đủ loại rác thải dày đặc, bốc mùi hôi thối. Nhìn từ xa nhiều người lầm tưởng khu vực này như một bãi rác thải. Người dân khu vực này cho biết, rác thải từ ngoài biển theo thủy triều trôi vào đây rồi vướng vào cây cối trong rừng ngập mặn, theo thời gian phủ dày đặc, gây ô nhiễm môi trường.
Dọc con đường chạy dài theo cánh rừng ngập mặn ven biển ở thôn Đông Bình, xã Tam Giang, hàng trăm hộ dân sinh sống chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt thuỷ sản dưới tán rừng. Nay rừng đã chết khô, tôm cá cũng cạn kiệt. Ông Phạm Trúc, năm nay đã ngoài 80 tuổi, hơn nửa đời người gắn bó với sông nước, mưu sinh bằng nghề mò cua, bắt ốc.
Ông Phạm Trúc nhớ lại, cánh rừng ngập mặn này có từ lâu đời, là “tấm lá chắn” cho cả làng mỗi mùa mưa bão, là nơi tránh trú bão của ghe thuyền. Ông Trúc không khỏi xót xa khi chứng kiến rừng ngập mặn chết dần trong gần 3 năm qua.
“Ở thôn này người già hết lứa tuổi lao động rất nhiều, họ không thể đi làm công nhân hay làm nghề gì được cả. Mỗi ngày cứ 4 giờ sáng họ lại xuống sông bắt tôm, bắt cá, mang ra chợ bán được từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng. Nhưng bây giờ tôm cá hết, người dân ở đây đắp lưới nằm ở nhà không có thu nhập”- ông Phạm Trúc tiếc nuối.
Xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có tổng diện tích rừng ngập mặn khoảng 25 héc ta. Mùa mưa bão cuối năm 2020, một phần lớn diện tích rừng ngập mặn bị chết khô. Trong đó, gần 7 héc ta rừng bị chết hoàn toàn, không tái sinh được. Cây rừng chết hàng loạt, UBND xã Tam Giang, huyện Núi Thành báo cáo cho huyện mời các chuyên gia về kiểm tra nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.
Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, do nguồn lực không có nên xã kiến nghị cấp trên có giải pháp trồng phục hồi diện tích rừng ngập mặn bị chết: “Trong những năm qua, địa phương có định hướng trồng lại diện tích rừng bị chết nhưng vì nguồn kinh phí của địa phương hạn hẹp nên đã kiến nghị UBND huyện Núi Thành, UBND tỉnh Quảng Nam và các sở, ban, ngành có kế hoạch lâu dài và bố trí kinh phí để trồng rừng bổ sung đối với diện tích bị chết”.
Những năm qua, tỉnh Quảng Nam triển khai nhiều dự án phục hồi rừng ngập mặn ở khu vực ven biển nhằm hạn chế tình trạng xâm thực, phục hồi đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Cụ thể như Dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh, thành phố Hội An” đã phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển thành phố Hội An. Nhờ đó, hình thành vành đai rừng phòng hộ bảo vệ cho hệ thống đê điều ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Những cánh rừng ngập mặn tại xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An không chỉ là “lá phổi xanh” của đô thị cổ Hội An mà còn trở thành địa điểm du lịch sinh thái thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong quá trình triển khai các dự án trồng rừng ngập mặn dù đạt nhiều kết quả khả quan nhưng cũng phát sinh nhiều hạn chế nhất định. UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án trồng rừng ngập mặn, tìm nguyên nhân và khẩn trương khắc phục tình trạng nhiều diện tích rừng bị chết khô.
“Gần đây khu vực rừng ngập mặn tại xã Tam Giang, huyện Núi Thành bị chết khô, nguồn lợi thuỷ sản suy giảm, hệ sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi đã giao cho các ngành phối hợp với các đơn vị chuyên môn tiến hành quan trắc vào đánh giá nguyên nhân để có giải pháp cụ thể. Một là sẽ triển khai trồng rừng phục hồi lại. Hai là sẽ chuyển đổi sang các loại cây trồng khác phù hợp hơn. Ngoài ra, có thể chuyển sang các vị trí khác để triển khai trồng rừng cho phù hợp hơn đồng thời xử lý vấn đề môi trường tại khu vực đó”- ông Lê Trí Thanh nói.