Gặp lại nữ “Kiện tướng bèo hoa dâu” từ phong trào Phụ nữ 'Ba đảm đang'
VOV.VN - Với sáng kiến nhân giống bèo hoa dâu, bà Nguyễn Thị Mười được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua và được vinh danh là "Kiện tướng".
Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng mỗi khi có dịp hội ngộ, câu chuyện của những người phụ nữ là những“con chim đầu đàn” trong phong trào "Ba đảm đang" vẫn luôn sôi nổi, tưởng như chưa bao giờ có hồi kết.
50 năm, thời gian đã phủ trắng mái đầu xanh, nhưng trong ký ức của bà Nguyễn Thị Mười (SN 1947) -người vốn được mệnh danh là "kiện tướng bèo hoa dâu”) nhiệt huyết của một thời oanh liệt ấy vẫn như lửa cháy.
Thời điểm năm 1965, cả nước sục sôi không khí chiến đấu và lao động sản xuất xây dựng quê hương, tiếp lửa cho chiến trường miền Nam. Hầu hết thanh niên “Ba sẵn sàng” nô nức lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ở lại quê hương đa phần là phụ nữ. Tháng 3/1965, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào Phụ nữ “Ba đảm nhiệm” với nội dung: Đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. Sau này, phong trào “Ba đảm nhiệm” được Bác Hồ đổi tên thành “Ba đảm đang”.
Chỉ trong 3 tháng sau khi hoạt động, đã có 1,7 triệu chị em đăng ký Phụ nữ “Ba đảm đang”. Do đáp ứng được nhiệm vụ cách mạng lúc ấy, phong trào đã nhanh chóng phát triển thành cao trào cách mạng sôi nổi, rộng lớn, huy động được sức mạnh tổng hợp của hàng chục triệu phụ nữ từ nông thôn tới thành thị, từ miền xuôi đến miền ngược, trên mọi lĩnh vực hoạt động.
Với khí thế cách mạng và tình cảm sâu sắc, sau khi tốt nghiệp Trung cấp nông nghiệp, mặc dù được giữ lại trường song theo tiếng gọi của phong trào "Ba đảm đang” bà Mười xung phong đi thực địa làm cán bộ hướng dẫn bà con về kĩ thuật cùng với chị em góp sức chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Năm 1965, bà Mười tham gia Hợp tác xã Đại Xuân, xã Ứng Hòe, huyện Ninh Giang, Hải Dương và được cử làm đội trưởng đội khoa học kỹ thuật.
Với tinh thần “Một người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, với khí thế sôi nổi của phong trào “Ba đảm đang”, cô gái trẻ Nguyễn Thị Mười cùng chị em phụ nữ đã không quản ngại khó khăn, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, thâm canh, tăng vụ, phát triển chăn nuôi, ngày làm thủy lợi, tối tập dân quân... Nguyễn Thị Mười khi đó luôn đi đầu và làm nòng cốt trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: nhân giống mới cho xã viên, hướng dẫn chị em cấy theo lối mới, kinh nghiệm gieo cấy lúa xuân….
Áp dụng khoa học kỹ thuật thành công, Nguyễn Thị Mười được mời sang các xã trong huyện và sang các huyện trong tỉnh để phổ biến kinh nghiệm gieo cấy lúa xuân cho bà con. Đầu năm 1970, bà Mười cùng với bà Lư, bà Ngoãn còn được cử vào vùng tuyến lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị) hướng dẫn kỹ thuật cấy mới “chăng dây thẳng hàng, ngửa tay nông gốc, cấy nhiều khóm trên 1m2” cho 19 xã trong thời gian 3 tháng.
Bà Mười kể lại, trước đó, nông dân thường có thói quen cấy úp tay, dùng cả lực cánh tay để cắm cây mạ sâu 5-7cm xuống ruộng khiến năng suất không cao. Khi áp dụng kỹ thuật mới, bà con cấy nông tay, đặt gốc mạ xuống ruộng từ 2-3 cm thì cây mạ nhanh bén rễ, sớm đẻ nhánh. Theo kỹ thuật mới, bà con có thể cấy được 2-3 sào/người/ngày trong khi cấy úp tay, bà con chỉ cấy được 1-2 sào/người/ngày, năng suất lao động cải thiện trông thấy.
Ngoài hướng dẫn cấy theo kỹ thuật mới, bà Mười còn hướng dẫn bà con gieo cấy lúa xuân, trồng giống mới để tăng năng suất cây trồng, đáp ứng được điều kiện tự cấp, tự túc trong thời kỳ địch bắn phá ác liệt.
“Do điều kiện chiến tranh bắn phá ác liệt, vào ban ngày ba chị em chúng tôi không được đi làm. Mọi sinh hoạt, chuyển giao khoa học ở dưới địa đạo và chủ yếu cấy lúa dưới sáng trăng. Lúc đó, chúng tôi không thấy sợ gì mà chỉ thấy say sưa lao động. Từ kiến thức của mình góp phần không nhỏ đưa năng suất thâm canh, góp phần nhỏ vào tự sản xuất, tự cung tự cấp cho nhân dân”, bà Mười chia sẻ.
Kiện tướng bèo hoa dâu
Trước năm 1960, việc nhân ủ bèo hoa dâu đều phải mua giống ở Thái Bình, các Hợp tác xã thường phải lặn lội đến đây để lấy bèo. Từ năm 1965, bà Mười đã có một quyết định hết sức táo bạo là ươm chính giống bèo hoa dâu của địa phương mình để tự cấp tự túc trong sản xuất.
Nghĩ là làm, bà Mười cùng với chị em trong đội kỹ thuật đi khắp các cánh đồng không kể mưa nắng, sớm tối, cùng nhau đi thu gom từng cánh, rễ bèo hoa dâu ẩn dưới gốc rạ đem về thả nhân giống và chăm sóc. Nhờ có kỹ thuật, kinh nghiệm chăm bón tốt, bèo hoa dâu của Hợp tác xã Đại Xuân phát triển nhanh, cánh to, khỏe, ít sâu bệnh hơn cả bèo hoa dâu của Hợp tác xã La Vân (Thái Bình) nổi tiếng lúc bấy giờ.
Trong thời gian ngắn, bèo hoa dâu đã được phủ kín các cánh đồng trong xã, sau đó giống bèo được cung cấp cho các xã trong huyện, trong tỉnh. Nhờ thả bèo, diệt được cỏ, lại giữ xốp đất cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật năng suất lúa đã tăng từ 2 tấn sau đó lên 5 tấn, rồi 7,916 tấn/ha (theo thư Bác Hồ). Với sáng kiến nhân giống bèo hoa dâu, bà Mười đã được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn ngành nông nghiệp giai đoạn 1967-1970 và được vinh danh là "Kiện tướng bèo hoa dâu”.
Nhờ áp dụng kỹ thuật mới, những năm 60, Hợp tác xã Đại Xuân là lá cờ đầu toàn miền Bắc, là địa phương điển hình của cả nước về thâm canh lúa. Tháng 2/1968, Hợp tác xã Đại Xuân được Bác Hồ gửi thư khen. Trong thư, Bác viết: “Đại Xuân đã ra sức cải tạo đồng ruộng, phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, tăng vụ, tăng mầu, đạt năng suất lúa cao và chăn nuôi giỏi… Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi các xã viên và cán bộ Đại Xuân, đã ra sức thi đua phát triển sản xuất”.
Không thể quên những năm tháng lịch sử hào hùng, bà Mười chia sẻ: “Với tinh thần “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí”, chị em chúng tôi “tay cày tay súng” đã sôi nổi thi đua đảm đang thay nam giới làm chủ đồng ruộng, tham gia quản lý Hợp tác xã... trở thành nguồn động viên, cổ vũ to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ vững tay súng nơi chiến trường”.
Trưởng thành từ HTX Đại Xuân, từ phong trào “Ba đảm đang”, là một phụ nữ giàu nghị lực, sau này, bà Mười tiếp tục thành công ở lĩnh vực chuyên môn nông nghiệp cũng như công tác lãnh đạo quản lý, trúng cử đại biểu Quốc hội khóa IV (nhiệm kỳ 1971 – 1976). Sau này bà Mười tiếp tục kinh qua nhiều vị trí công tác: Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Bí thư thường trực huyện ủy Ninh Thanh, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hải Dương. Năm 2002, bà nghỉ hưu và hiện tham gia Ban thường trực Hội Người cao tuổi tỉnh Hải Dương. Khi được hỏi về động lực để công tác không mệt mỏi, bà tâm sự: chính ngọn lửa "Ba đảm đang” đã tiếp thêm sức mạnh và động lực để bà sống khỏe, sống có ích như ngày hôm nay.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, hình ảnh phong trào “Ba đảm đang” vẫn ngân vang mãi trong các thế hệ phụ nữ Việt Nam với hình ảnh người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà. Từ ngọn lửa “Ba đảm đang”, Phụ nữ Việt Nam hôm nay không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, là người phụ nữ có trí tuệ, năng động, sáng tạo, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu, làm chủ khoa học kỹ thuật. Ngày nay, Phụ nữ Việt Nam không chỉ là người vợ, người mẹ hiền đảm đang mà còn là những nhà lãnh đạo, nhà khoa học tài năng, những doanh nhân giỏi... xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ, cứu nước”./.