Gặp người trả 200 triệu đồng nhặt được của lao động Trung Quốc
“Khi biết số tiền này của người lao động từ Trung Quốc đánh rơi, tôi nghĩ càng phải cố gắng tìm bằng được”, anh Đào Hữu Ý chia sẻ.
Mấy ngày qua, người dân trên địa bàn huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, truyền nhau câu chuyện anh Đào Hữu Ý (SN 1984, trú tại thôn Hoa Đông, xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh) trả lại 200 triệu đồng cho một người lao động Trung Quốc.
Dưới cái nắng như đổ lửa, dù công việc bận rộn song khi nghe chúng tôi hẹn gặp để tìm hiểu về hành động trả lại 200 triệu đồng cho người Trung Quốc, anh lập tức nhận lời.
Cũng tại quán cà phê Phú Sơn, nơi anh Ý nhặt được túi tiền, rất nhiều người nhận ra anh đến hỏi han, chia sẻ niềm vui.
“Công việc của tôi ngày nào cũng tiếp xúc với những công nhân Trung Quốc. Họ rất chăm chỉ”, anh Ý mở đầu câu chuyện.
Đào Hữu Ý (trái) và Jiang Qin Lin (người Trung Quốc) |
Ngày 11/5, anh Ý vào uống nước tại quán cà phê Phú Sơn, thị trấn Kỳ Anh và nhặt được một chiếc túi xách màu đen.
Cũng lúc này, chị Đào Thị Minh Huệ (SN 1995, nhân viên quán cà phê Phú Sơn) có mặt và cho biết vừa có một người Trung Quốc rời quán.
“Trước khi anh Ý đến, chỉ có duy nhất vị khách đi ô tô màu đen cầm túi xách giống như của anh Ý nhặt được. Khi biết được thông tin đó, anh Ý bảo ngồi chờ xem vị khách đó có quay lại tìm không”, chị Huệ nói.
Ngồi chờ một lúc không thấy ai quay lại tìm túi xách bị đánh rơi, anh Ý nghĩ phải mở túi xách xem bên trong có tài sản gì đáng giá không để tìm trả lại chủ nhân của nó. Mở túi, anh thấy bên trong có nhiều tiền.
“Thấy số tiền quá lớn, tôi mang vào bảo với nhân viên của quán cùng kiểm đếm, có 100 triệu đồng mệnh giá 200.000 đồng/tờ, một tờ 500.000 đồng, 50.000 nhân dân tệ cùng một sổ hộ chiếu mang tên Jiang Qin Lin (SN 1990, quốc tịch Trung Quốc). Anh Ý bảo phải tìm trả lại người đánh rơi bằng được.
“Chờ mãi không thấy ai quay lại nên anh Ý lấy xe máy chạy đi tìm chiếc ô tô màu đen tại các công trường của người Trung Quốc gần đấy. Khi đi anh Ý bảo, nếu vị khách kia quay lại thì gọi điện cho anh”, chị Huệ nhớ lại.
Khoảng 2 tiếng sau, một thanh niên đi trên ô tô xuống với vẻ mặt hốt hoảng như đang tìm kiếm cái gì đó.
Vị khách này chạy vào quán hỏi nhân viên xem có nhìn thấy túi xách màu nâu bị đánh rơi tại quán không. Lúc này, chị Huệ gọi điện thông báo cho anh Ý.
“Tôi vừa cầm chiếc túi xách bước vào, thấy khuôn mặt người thanh niên như tỉnh ra, tỏ vẻ vui mừng”, anh Ý nhớ lại.
Nhưng với số tiền quá lớn, anh Ý đề nghị người thanh niên và chị Huệ cùng “sát hạch” để xem có đúng chủ nhân thật sự của số tiền này.
Sau khi xem giấy tờ tùy thân của người đàn ông để so sánh với cuốn sổ hộ chiếu nằm trong túi xách và xác định vị khách đó chính là chủ nhân của chiếc túi.
“Khi trả túi xách cho Jiang Qin Lin, anh này rối rít cảm ơn anh Ý và tặng anh 1 triệu đồng nhưng anh Ý từ chối”, chị Huệ nói.
Trả lời về việc tìm mọi cách trả lại bằng được số tiền của người Trung Quốc đánh rơi, anh Ý cho biết, số tiền đấy không phải là tiền của mình dù là ai thì anh cũng sẽ tìm mọi cách trả lại.
“Khi biết đó là người lao động từ Trung Quốc sang, tôi nghĩ càng phải cố gắng tìm bằng được. Vì tôi nghĩ họ cũng như lao động Việt Nam ở nước ngoài, nếu mất tiền và giấy tờ tùy thân thì không biết sẽ ra sao”, anh Ý chia sẻ.
Anh Ý tâm sự: “Tôi muốn người Trung Quốc hiểu rằng, người Việt Nam chúng ta rất thân thiện và luôn coi trọng tình hữu nghị, bạn bè quốc tế”.
Cũng theo anh Ý, ngày 12/5, Jiang Qin Lin mời anh đi ăn cơm trưa. Tại mâm cơm, hai người có đưa câu chuyện đang diễn ra trên biển Đông, Jiang Qin Lin cho biết, đó là việc của chính quyền Trung Quốc, còn anh và những người dân Trung Quốc chỉ muốn sống trong hòa bình./.