Ghép thận, tạng lậu: Nhiều người bỏ mạng nơi xứ lạ
VOV.VN - Rất nhiều trường hợp ghép thận, tạng lậu gặp thất bại hoặc chết ngoài biên giới, khi đi thì đi được nhưng về là mình tro.
Giáo sư – Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Ngọc Sinh, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hội Ghép tạng Việt Nam, Chủ tịch Hội Niệu – Thận học Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Việc khan hiếm tạng phủ dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực phát sinh, trong đó nổi lên là tình trạng buôn bán và buôn lậu tạng phủ. Tình trạng này xuất hiện không chỉ ở nước ta mà là tình hình chung trên thế giới. Có nhiều người lợi dụng việc này, bắt ép dụ dỗ để được sự đồng ý hiến của người khác, gây mất trật tự xã hội. Đặc biệt, việc mua bán nội tạng còn dẫn đến việc ghép thận không đúng tiêu chuẩn. Đã có rất nhiều người tìm đến các bệnh viện để cấp cứu vì ghép thận, tạng lậu, nhưng việc cứu chữa vô cùng khó khăn và quả thận không khỏe mạnh, không giữ được lâu.
Bác sĩ Trần Ngọc Sinh nói: “Những người mua quả thận đó họ không ý thức được quy luật của y khoa nên cứ mua cho được quả thận, nhưng ghép vô thì được thời gian ngắn thì thất bại. Rất nhiều trường hợp ghép như vậy là thất bại hoặc chết ngoài biên giới, khi đi thì đi được nhưng về là mình tro”.
Bệnh nhân lọc máu chạy thận ngày càng tăng. |
Kỹ thuật ghép thận ở Việt Nam không thua kém gì so với nước ngoài, tuy nhiên việc ghép thận cũng như ghép tạng nói chung ở nước ta còn nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là nguồn hiến tạng khan hiếm. Vì vậy mà hiện nay vẫn còn hàng ngàn người hàng ngày phải chạy thận để duy trì sự sống.
Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện thành công ghép thận đổi chéo 2 trường hợp từ 2 người cho thận sống. Hai cặp này đều có kháng thể người nhận chống lại kháng thể nguyên của người cho. Sau nhiều lần tham khảo một số chuyên gia ghép thận hàng đầu thế giới, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã quyết định thực hiện phương pháp hoán đổi người cho thận, lấy thận của người cho cặp 1 ghép cho người nhận cặp 2 và ngược lại. Đây là phương pháp được nhiều trung tâm ghép thận trên thế giới lựa chọn, nhưng tại Việt Nam chưa từng thực hiện. Vào tháng 1 vừa qua, 2 ca phẫu thuật mổ lấy thận và ghép thận kéo dài 6 tiếng đồng hồ đã kết thúc tốt đẹp. Hiện nay, qua theo dõi, các cặp ghép thận đều ổn định, chức năng thận diễn ra bình thường.
Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn được nhận một quả thận từ tinh thần hiến tự nguyện của người khác như cặp bệnh nhân nói trên. Còn hàng ngàn người, hằng ngày chờ đợi một nghĩa cử hiến tạng để có thể giảm đi gánh nặng về kinh tế và sức khỏe. Nhiều bệnh nhân chạy thận nghèo, chỉ đến bệnh viện để biết thế nào là chạy thận, rồi lặng lẽ trở về nhà, chấp nhận cái chết trong sự tiếc nuối. Nhưng người dân vẫn còn quan niệm về sự toàn thây, nguyên vẹn khi chết, chưa muốn hiến thận nên vẫn còn những sự chờ đợi đằng đẵng.
Ông Hồ Viết Quang, 52 tuổi ngụ ở Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: ông chạy thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã 6 năm nay. Gia đình cũng không khá giả gì, nhưng ông phải thường xuyên tới bệnh viện để chạy thận, chờ đợi được ghép thận từ người hiến chết não.
Cùng với ông Quang, hiện Bệnh viện Chợ Rẫy đang có 400 bệnh nhân chạy thận định kỳ. Mỗi ngày ở đây có khoảng 65 ca chạy thận nhân tạo cấp cứu. Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Chạy thận nhân tạo cho biết: Mặc dù những bệnh nhân được bảo hiểm y tế hỗ trợ vì chi phí, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, đau đớn khi phải chạy thận hằng năm: “Những bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối đa số ở đây chạy 1 tuần 3 lần, bệnh nhân sống lâu nhất ở khoa là 24 năm. Khó khăn là đi đến bệnh viện nhiều, chi phí ngoài bảo hiểm y tế còn phải đóng thêm”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: hầu như các bệnh nhân bị bệnh thận mãn tính đi kiểm tra là những người bị bệnh thận giai đoạn cuối, các mô thận xơ gần hết, khó có thể chẩn đoán được nguyên nhân. Những bệnh nhân này phải thay thế thận mới có được cuộc sống tốt hơn. Hiện nay, ngành y tế Việt Nam đã làm chủ được công nghệ trong việc ghép tạng. Tuy nhiên, điều nan giải nhất vẫn là nguồn tạng hiến còn khan hiếm trầm trọng do người dân chưa có thói quen hiến tạng khi chẳng may bị tai nạn hoặc bệnh nan y không cứu sống được. Bác sĩ Thái Minh Sâm nói: “Tai nạn giao thông nặng mà chúng ta biết sẽ chết, thì ở Chợ Rẫy mỗi ngày có khi tới 10 bệnh nhân bị như vậy. Mấy tháng trời, một năm chẳng hạn, có bao nhiêu người bị như vậy. Nhưng cứ chúng tôi xuống đặt vấn đề thì người thân lại không đồng ý”.
Việc cho đi một phần cơ thể không phải là điều dễ dàng đối với bất cứ ai. Thế nhưng đối với những người mà sự sống không thể tiếp tục, thì điều cần thiết là nhường lại cho những người có cơ hội. Hiện nay, hàng ngàn bệnh nhân suy thận mãn tính đang từng ngày phải lọc máu để duy trì sự sống, chờ đợi những tấm lòng nhân đạo, có người chết não để hiến tặng quả thận để bắt đầu một cuộc sống mới tốt đẹp hơn./.