Ghi nhận và tôn vinh vai trò của các già làng
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: Đảng, Nhà nước và UBMT Tổ quốc luôn nghi nhận và trân trọng những đóng góp to lớn của đồng bào, của già làng các dân tộc Tây Nguyên vào thắng lợi chung của đất nước.
Trong 2 ngày 30 và 31/3, tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra hội nghị Già làng khu vực các tỉnh Tây Nguyên. 240 già làng tiêu biểu, đại diện cho hàng nghìn già làng của 5 tỉnh Tây Nguyên đã hội tụ về đây để ôn lại truyền thống Cách mạng vẻ vang của cộng đồng các dân tộc trên vùng đất cao nguyên; bàn bạc, trao đổi những kinh nghiệm xử lý các công việc ở buôn làng cũng như đề đạt những tâm tư nguyện vọng của mình lên Đảng, Nhà nước. Hội nghị này là dịp ghi nhận, tôn vinh và phát huy hơn nữa vai trò của già làng đối với các buôn làng trong giai đoạn đất nước đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập sâu rộng với thế giới.
Những người đứng đầu buôn làng
Hội nghị Già làng khu vực Tây Nguyên có nét tương đồng với cuộc tụ họp các bô lão tại hội nghị Diên Hồng xưa. Hội nghị đã tập hợp những người- là kết tinh những tinh túy đặc sắc của Tây Nguyên, với kinh nghiệm sống, vốn hiểu biết, bề dày văn hóa cùng uy tín, tinh thần trách nhiệm với dòng tộc, cộng đồng.
Rất nhiều sắc áo thổ cẩm đặc trưng của 24 dân tộc ở khu vực Tây Nguyên đã về tụ hội tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, làm cho hội nghị vừa sôi động, vừa đầm ấm. Các già làng đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu rút ra từ chính quá trình sống, tìm hiểu, vươn lên của cộng đồng mình.
Già làng Y Thoan, dân tộc M’ Nông ở buôn Ja Ra, xã Nam Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắc Nông kể: Buôn Ja Ra có 170 hộ, trước kia cả buôn chỉ biết du cach du cư phát rừng làm rẫy. Là buôn căn cứ Cách mạng, bà con ai cũng chăm chỉ lao động nhưng do chưa biết cung cách làm ăn nên cái nghèo, cái đói cứ bìu ríu lên từng nóc nhà, bếp lửa.
Già Y Thoan là người đầu tiên trong buôn thực hiện cuộc vận động định canh định cư của Nhà nước. Ông từ bỏ tập quán phát rừng làm rẫy, học cách khai hoang ruộng làm lúa nước, đầu tư trồng cây cà phê, cây hồ tiêu… Khi đã biết cách làm ruộng lúa nước, biết kỹ thuật trồng chăm sóc cây công nghiệp, già làng Y Thoan đã hướng dẫn bà con trong buôn cùng làm. Nhờ nghe và làm theo già làng Y Thoan mà kinh tế của từng gia đình trong buôn dần ổn định. Buôn Ja Ra không còn hộ nào thiếu ăn, nhiều gia đình đã xây được nhà khang trang. Già làng Y Thoan nói: “Mình đi họp về, nói lại cho bà con trong buôn làng hiểu về chủ trương chính sách của Nhà nước. Trách nhiệm của già làng cũng là hướng dẫn bà con cách làm ăn, cách sống đoàn kết, giúp đỡ nhau lúc ốm đau, hoạn nạn”.
Hầu hết các già làng trong số hơn 240 già làng về dự hội nghị Già làng tiêu biểu các tỉnh Tây Nguyên lần này đều đã ngoài 60 tuổi, có già làng đã hơn 90 tuổi. Đây là thế hệ đã đi qua cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhiều người đã đóng góp của cải và vận động con cháu, người thân của mình tham gia cách mạng, hiến dâng máu xương và và tuổi trẻ cho sự nghiệp độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Ngày nay trong hòa bình xây dựng đất nước, họ là những người đã thể hiện xuất sắc vai trò người đứng đầu buôn làng ở nhiều lĩnh vực: Gìn giữ an ninh quốc phòng, kinh nghiệm tập hợp quần chúng, vận động xây dựng đời sống văn hóa mới. Già làng B reng ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai được nhiều người biết đến bởi thành tích vận động học sinh bỏ học quay trở lại với trường lớp, vận động những đối tượng gây rối an ninh trật tự và vượt biên trái phép trở về làm ăn chân chính. Già làng P Lơi, dân tộc Rơ Ngao ở xã Đắc BLa thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum rất được bà con tin yêu và tín nhiệm bởi ông đã lập một quỹ hỗ trợ người nghèo, người tàn tật trong làng. Già làng Y Dăm của bon Bu Đắc xã Thuận An, huyện Đắc Min, tỉnh Đắc Nông thì chia sẻ kinh nghiệm đoàn kết dân làng: “Muốn giữ đoàn kết thì phải hiểu từng người trong làng, từ chuyện quá khứ đến chuyện hiện tại. Nếu ai tốt thì phải nhắc cái tốt đó, nếu ai xấu thì cũng phải nhắc cái xấu. Nhưng phải chân tình chứ không được ghét bỏ”.
Tiếng nói, ý nguyện của già làng chính là của cả buôn làng; già làng chính là linh hồn của làng. Mỗi lời nói của già làng đều được các thành viên trong làng nghe và làm theo.
Cần tạo thêm điều kiện cho các già làng
Một thực tế là những năm gần đây, vai trò của các già làng có phần thu hẹp so với trước. Họ không còn quyết định mọi vấn đề của làng như trước kia nữa. Mặt khác ở một số nơi, vị trí vai trò của già làng chưa được chính quyền quan tâm tạo điều kiện đúng mức. Điều này cũng làm cho vai trò, vị thế của già làng không phát huy hết tác dụng, nhất là trong việc động viên, giáo dục các thành viên trong làng. Ông Phạm Ngọc Đỉnh, Phó chủ tịch Hội người cao tuổi tỉnh Đắc Nông kiến nghị: “Theo nhân thức của tôi thì có những nơi quan tâm đến vai trò của già làng, nhưng có những nơi chưa thực sự quan tâm đúng mức vai trò của già làng. Riêng hội người cao tuổi chúng tôi luôn đẩy mạnh việc hăm sóc và phát huy vai trò của các cụ, và chính các cụ là những người vận động thực hiện tốt nhiệm vụ của hội”.
Ông A Mơn, già làng làng Kơ Tu, xã Đắc Bla, thị xã Kon Tum bày tỏ: “Tôi muốn chính quyền cơ sở tạo thêm điều kiện giúp đỡ hoạt động của các già làng”. Cũng như vậy, già làng Ksor Man, dân tộc Jơ rai, ở buôn B-roái, xã Ia Roái, huyện Ea Pa, tỉnh Gia Lai thì: “Mong sao có chính sách quan tâm hơn đến già làng, bởi chúng tôi cũng nhiều khi vất vả, nửa đêm có việc cũng phải đi qua đi lại… Không phải là đòi hỏi, nhưng cũng nên có một chút đãi ngộ”.
Tâm tư, nguyện vọng của các già làng đều rất chính đáng, rất đáng được các cấp chính quyền, đoàn thể, các hội quan tâm. Ông Đinh Văn Tư, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết: “Sau hội nghị này chúng tôi sẽ có một chương trình hành động giúp cho các già làng thực hiện được thư quyết tâm gửi lên Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận và các cấp uỷ chính quyền địa phương. Và dự kiến của chúng tôi là sẽ có giao ban chuyên đề, theo đuổi đến cùng việc làm sao phát huy được vị trí vai trò của già làng trong đời sống cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên nói riêng và những người cao tuổi có uy tín trong xã hội nói chung. Phải có hình thức động viên, khen thưởng, bồi dưỡng, đào tạo; phải có một chế độ cung cấp thông tin, các già làng phải được dự những cuộc họp để có được những thông tin cần thiết. Phải coi họ là cầu nối, một kênh quan trọng để chủ trương chính sách của Nhà nước đến được với người dân. Rồi khi tình hình cho phép thì nên có chế độ phụ cấp, bởi hiện nay ở các buôn làng, cán bộ các chức danh ở cơ sở đều có phụ cấp nhưng riêng các già làng chưa có. Điều này không quan trọng ở giá trị vật chất mà chủ yếu động viên khích lệ thôi. Hay hàng năm ngày tết, ngày lễ, tổ chức cho các già làng đi tham quan, để họ thấy được sự phát triển ở nơi này nơi khác, về nói với bà con...”
Hội nghị Già làng khu vực các tỉnh Tây Nguyên đã vinh dự đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về dự. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, nhất là các già làng đối với sự phát triển của Tây Nguyên nói riêng, của cả nước nói chung. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết khẳng định: Đảng, Nhà nước và UBMT Tổ quốc luôn nghi nhận và trân trọng những đóng góp to lớn của đồng bào, của già làng các dân tộc Tây Nguyên vào thắng lợi chung của đất nước. Đảng, Nhà nước, Mặt trân Tổ quốc khẳng định rằng lúc nào cũng tin yêu các dân tộc thiểu số, đặc biệt là thương yêu các già làng- những người nòng cốt, có vai trò rất quan trọng trong việc động viên, giáo dục, giúp đỡ đồng bào các dân tộc anh em phát triển cùng với sự đi lên của đất nước./.