Gia đình học tập: Chuyện một nhà có 3 đời theo nghề Y
VOV.VN - Bà Lê Thị Tuyết Khanh, nguyên giảng viên trường ĐH Y Hà Nội có chồng từng là bác sĩ nội khoa của Bệnh viện Bạch Mai. Trong 4 người con thì 2 người là bác sĩ. Nay, cháu nội vừa giành Huy chương Vàng Olympic quốc tế cũng chọn học y.
8 người con cả dâu lẫn rể thấp nhất là thạc sĩ
Những ngày đầu năm mới, căn nhà của bà Lê Thị Tuyết Khanh, nguyên giảng viên bộ môn Ký sinh Trùng, Trường ĐH Y Hà Nội, con cháu nội ngoại sum vầy. Câu chuyện rôm rả nhất trong gia đình bà Khanh vẫn là cháu đích tôn Nguyễn Mạnh Khôi năm qua đã giành được huy chương Vàng Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế và tiếp tục học Y theo truyền thống gia đình.
“Rất vinh dự và tự hào có cháu nối tiếp truyền thống gia đình. Tôi sinh được 4 người con đều học chuyên từ bé. Các cháu đã lập gia đình. Tôi có 8 đứa cháu, 4 cháu nội, 4 cháu ngoại. Trong đó, cháu Khôi là cháu nội đích tôn đầu tiên nên chúng tôi muốn cho cháu học hành theo hướng gia đình”, bà Khanh phấn khởi.
Chồng bà Khanh là bác sĩ Nguyễn Mạnh Tài, từng làm ở Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, rồi làm Phó Chủ nhiệm Khoa Hô hấp của bệnh viện. Ngày trẻ, mỗi lần vào bệnh viện, nhìn thấy các bác sĩ trong màu áo blose trắng, bà Khanh đã ấp ủ quyết tâm học hành để trở thành bác sĩ. Tốt nghiệp ĐH Y, bà được giữ lại trường làm giảng viên. Vậy là sự nghiệp đào tạo các thế hệ y bác sĩ của bà bắt đầu từ đó cho tới lúc nghỉ hưu trọn vẹn 51 năm. Đến với nhau là do mai mối nhưng tình yêu của bà Khanh với bác sĩ Nguyễn Mạnh Tài lớn dần theo tình yêu nghề Y. Tình yêu đó lại được truyền sang các thế hệ con cháu của ông bà.
Bà Khanh kể, gia đình bà có truyền thống làm nghề Y. Bố của Nguyễn Mạnh Khôi là thầy thuốc ưu tú, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Phó Chủ tịch Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam. Con gái của bà Khanh cũng là tiến sĩ bộ môn Sản. Tình yêu nghề của các con bà Khanh bắt đầu từ những ngày theo bố mẹ đến bệnh viện, được chứng kiến cảnh làm việc của các y bác sĩ.
“Ngày xưa đi dạy, tôi cũng hay đưa các con đến trường ở 13 Lê Thánh Tông, gần trường ĐH Đông Dương. Thỉnh thoảng, chồng tôi cũng đưa các con đến Viện, thành ra các con dần ham mê. Sau này khi đã trở thành bác sĩ ở bệnh viện Việt Đức, thỉnh thoảng bố của Khôi cũng hay đưa con đi trực. Bởi vậy, cũng tạo ra một cái đam mê”, bà Khanh kể.
Ngoài 2 người con làm bác sĩ, 2 người con không kế nghiệp cha mẹ cũng không kém phần thành đạt. Trong đó, một người theo ngành hàng không hiện đang làm việc tại VietNam Airline. Người con út tốt nghiệp thủ khoa kỹ sư tài năng ngành Điện tử viễn thông của ĐH Bách Khoa Hà Nội và nhận được học bổng đi du học tại Úc. “Trong gia đình tôi bây giờ 8 người con vừa dâu, vừa rể xóa nạn mù chữ thấp nhấp nhất là thạc sĩ”, bà Tuyết Khanh tự hào.
Dạy con cháu nghiêm túc nhưng không áp lực
Bà Khanh quan niệm, làm nghề Y hay bất cứ nghề gì cũng là phục vụ nhân dân. Vì vậy, việc học hành không có chỗ cho sự hời hợt, phải nhiệt tình, có trách nhiệm. Tác phong này của con cháu đến từ sự nghiêm túc của ông bà, bố mẹ.
Là thế hệ chịu nhiều thiệt thòi vì phải sơ tán trong chiến tranh, “nay trường này mai trường nọ nên sau này khi có điều kiện, bà Khanh mong muốn các con của mình được học hành trong môi trường tốt nhất. Chồng bà làm bác sĩ ở A9 luôn bận rộn với những ca cấp cứu. Bữa cơm của ông thường bắt đầu vào lúc 1-2 chiều. Do vậy, việc dạy dỗ con cái trong nhà hầu như đều do bà Khanh đảm trách. Vun trồng sự hiếu học cũng như chăm chút cho từng mầm cây, phải rất cẩn thận và tâm huyết. Khi được hỏi, các cháu sinh ra trong một gia đình hiếu học, toàn người thành đạt như vậy hẳn sẽ gặp không ít áp lực?, bà Khanh nói “mình thiệt thòi rồi thì giờ phải cho các con các cháu phải học hành đầy đủ nhưng trên tinh thần thương yêu, động viên, không áp lực, căng thẳng, vẫn cho các cháu giải trí, vẫn được chơi, vui vẻ.
Lớn lên trong một gia đình toàn người thành đạt, lại tham dự một kỳ thi tầm cỡ quốc tế, Nguyễn Mạnh Khôi không tránh khỏi sự áp lực. Dẫu vậy, Khôi nói rằng áp lực đó là do chính mình tạo ra. Còn thầy cô và gia đình lúc nào cũng bên cạnh, động viên và cho em những phương pháp tốt nhất để vươn tới mục tiêu của mình:
“Lúc áp lực nhất là trước khi kỳ thi diễn ra trong đầu em thay vì nghĩ kỳ thi áp lực thì đó là cơ hội để em thể hiện kiến thức em bản thân mình tích lũy năm qua, trước khi thi em cũng nghĩ đến cảnh chiến thắng để tự cố gắng hơn. Thường em sẽ dành khoảng 5-10 phút để viết thời gian biểu trong ngày hôm đấy, cuối ngày thì em sẽ tổng kết lại hôm đấy em đã hoàn thành mục tiêu gì còn mục tiêu gì em chưa làm được”, Mạnh Khôi chia sẻ.
Khôi tiết lộ, khi học cấp 3, bố mẹ định hướng cho em thi HSG quốc gia để được cộng điểm hoặc tốt hơn được tuyển thẳng vào Trường ĐH Y Hà Nội. Lớp 11 em cũng hoàn thành mục tiêu đạt giải nhất Kỳ thi. Lên lớp 12, trong lúc phân vân có nên thi lại hay thì em được gia đình và nhà trường động viên thi lại. Kết thúc hành trình đó là tấm Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế 2023.
Sau khi chinh phục tấm Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế, Khôi được tuyển thẳng vào Trường ĐH Y Hà Nội. Ngôi trường mà cách đây 32 năm bố em từng theo học. Khôi kể, từ bé đã được chứng kiến cảnh ông nội và bố chữa bệnh cứu người nên em không phân vân khi lựa chọn nghề này. Những bác sĩ trong gia đình chính là thần tượng của em và sự lựa chọn này một phần đến từ định hướng sớm của gia đình.
“Trước bố em cũng là học sinh chuyên Hóa trường Ams. Bố mẹ cũng định hướng cho em vào hóa. Sau khi lên lớp 8 được học Hóa, em càng cảm thấy thích thú với môn học này hơn. Còn hiện tại em là sinh viên đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội. Bên cạnh Hóa thì Y cũng là một niềm đam mê của em, quan trọng hơn thì bố mẹ em cũng là những người làm việc trong ngành Y, Khôi chia sẻ.
Truyền thống hiếu học của gia đình Nguyễn Mạnh Khôi giống như một tấm gương, sự tử tế và ham học hỏi của thế hệ trước trở thành tấm gương phản chiếu, soi rọi cho những thế hệ sau trưởng thành.