Gia đình là trường học đầu tiên của trẻ
(VOV) - Hiện nay rất nhiều trẻ đang cô đơn ngay trong chính gia đình của mình.
Hưởng ứng Ngày hội Gia đình Việt Nam (28/6) và Năm Gia đình Việt Nam – 2013, sáng 25/6 tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi nói chuyện chuyên đề “Vai trò của gia đình trong việc giáo dục con trẻ”.
Buổi nói chuyện có sự tham gia của cô giáo Nguyễn Tường Lan (Giáo viên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cha mẹ học sinh trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, Hiệu phó trường THCS-THPT Hà Thành - Hà Nội) cùng các chị em phụ nữ thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ thủ đô và nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Cô giáo Nguyễn Tường Lan chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong việc giáo dục con trẻ với các bậc phụ huynh |
Tại buổi nói chuyện, bà Tường Lan khẳng định vai trò to lớn của nhà trường, gia đình và xã hội trong sự nghiệp giáo dục con trẻ. Ba môi trường giáo dục chủ yếu này gắn kết, hỗ trợ nhau trong việc giáo dục trẻ. Trong đó, bà Lan đặc biệt nhấn mạnh vai trò của gia đình. Đó là cái nôi chắp cánh cho những thành công của con trẻ trong sự nghiệp và trên đường đời. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn ở Việt Nam hiện nay là hầu hết các gia đình đưa chưa có cách giáo dục con trẻ đúng mức dẫn đến những suy nghĩ, hành vi lệch lạc ở trẻ.
Bà Lan cho biết: Cuộc sống hiện đại đã lấy của phụ huynh quá nhiều thời gian, sức lực và tâm trí đến nỗi họ không có thời gian hoặc có rất ít thời gian dành cho con cái mình. Đây là một sai lầm phổ biến tác động trực tiếp đến thế hệ trẻ. Điều này dẫn đến một hệ lụy là rất nhiều trẻ hiện nay cảm thấy cô đơn ngay trong chính gia đình của mình.
Gia đình chính là môi trường giáo dục đầu tiên của trẻ. Ở đó, bố mẹ chính là những người thầy, người cô đầu tiên và cũng chính là người thầy, người cô đi suốt cuộc đời cùng con cái. Thế nhưng, nhiều gia đình hiện nay đã quên đi “chức năng sư phạm” của mình mà phó thác hoàn toàn trách nhiệm giáo dục cho nhà trường. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm.
Hơn nữa, hiện nay, các bậc phụ huynh thiếu kiến thức sư phạm trong việc dạy dỗ con, yêu thương con đúng cách. Việc không hiểu biết, không quan tâm tới tâm sinh lý con cái tạo nên khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình. “Biệt thế hệ” này càng lớn thì phụ huynh càng mất tự tin trong việc dạy dỗ con cái.
Để phát huy vai trò của gia đình trong việc giáo dục con trẻ thì trước hết các bậc làm cha mẹ phải coi việc dạy dỗ con ở nhà là một trong những nhiệm vụ lớn. Hãy là những người mẹ, người cha, người thầy, người cô và là những người bạn tốt nhất của con mình. Bà Lan khuyến cáo: “Mỗi ngày, cha mẹ hãy tạm gác những công việc của mình, bớt ra khoảng 10-15 phút để trò chuyện và chia sẻ cùng con”.
Bên cạnh việc dành thời gian trò chuyện cùng con, các bậc cha mẹ phải nâng cao kiến thức, tìm hiểu những thay đổi cơ thể tâm sinh lý của con mình, tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với từng đứa trẻ ở từng giai đoạn trưởng thành./.