Già Đinh Văn Thép, người có uy tín ở làng Gadoong "nói được, làm được"
VOV.VN - “Nói được, làm được” là phương châm sống của già Đinh Văn Thép, người có uy tín ở làng Gadoong, xã Tư, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Không những làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình hạnh phúc, già Thép còn hết lòng vì lợi ích cộng đồng, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, được bà con Cơ Tu tin yêu, nể trọng.
Vai trò người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số ngày càng được khẳng định. Họ được ví như là cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước trong việc đưa chính sách, pháp luật tới người dân. Khi thực hiện Dự án 10 về truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, họ chính là những người nêu gương, đi tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, góp công sức cùng địa phương hoàn thành các mục tiêu. Họ cũng là người nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con để tạo sự đoàn kết trong cộng đồng…
Già Đinh Văn Thép năm nay đã 72 tuổi, nhưng mỗi lời nói, việc làm của ông đều được bà con Cơ Tu thôn Gadoong, xã Tư, huyện miền núi Đông Giang nể phục. Nhớ lại những năm trước đây, khi khi huyện Đông Giang thực hiện bê tông hóa nông thôn, xã Tư cũng như các địa phương khác gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Với vai trò là đảng viên, già Thép tiên phong hiến đất, kêu gọi dòng họ, thôn xóm giúp sức cùng địa phương hoàn thành chương trình.
Già Đinh Văn Thép chia sẻ, việc làm của mình xuất phát vì lợi ích cộng đồng, chứ chẳng phải gia đình khấm khá gì. Trải qua cảnh nghèo khó, ông hiểu rõ suy nghĩ của bà con Cơ Tu, bởi mỗi mảnh vườn, thửa ruộng đều gắn liền với kế sinh nhai của họ. Do vậy, ông nghĩ rằng, bỏ qua chút quyền lợi cá nhân để mang lại điều tốt đẹp, lớn lao hơn cho quê hương là việc nên làm. Già Đinh Văn Thép bộc bạch: “Khi Đảng, Nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là để nâng cao đời sống cho người dân, phát triển kinh tế, xóa nghèo đói, lạc hậu. Mà mình đi đòi Nhà nước đền bù cho mình có thấy bị ngược đời không? Chính vì thế mình phải hiến đất cho Nhà nước, cho địa phương làm các công trình dân sinh để phục vụ cho chính bà con mình. Mình là đảng viên phải chấp hành và nêu gương làm trước”.
Noi theo việc làm ý nghĩa, thiết thực của già Đinh Văn Thép, bà con thôn Gadoong rủ nhau tháo dỡ vườn tược, hiến đất làm đường, xây dựng các công trình dân sinh. Sự đồng thuận của người dân đã góp phần đưa xã Tư về đích Nông thôn mới sớm hơn kế hoạch. Ông Nguyễn Văn Thí, Trưởng thôn Gadoong, xã Tư, huyện Đông Giang cho biết, thôn có hơn 180 hộ, trong đó, người Cơ Tu chiến gần 90% dân số. Kinh tế của bà con chủ yếu làm nương rẫy và trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự giúp sức của những người có uy tín trong cộng đồng như già Đinh Văn Thép, mọi công việc trong thôn trở nên dễ dàng hơn: “Già Thép là người có tiếng nói với bà con. Các cuộc họp thôn, Chi bộ nào, già Thép thường xuyên tham mưu những cách làm hay, phát huy được sức mạnh dân dân, tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Như mới đây nhất, một trang trại chăn nuôi heo của doanh nghiệp trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường đã bị dân chặn xe. Già Thép đã đứng ra căn ngăn, tuyên truyền cho bà con phải sống và làm việc theo pháp luật nên mọi chuyện mới yên ổn”.
Trên mặt trận chống đói nghèo, già Đinh Văn Thép cũng rất nhạy bén trong cách lao động, sản xuất. Thời điểm huyện Đông Giang khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, già Thép nắm ngay cơ hội, chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng 5 héc ta rừng. Vài năm sau, già đầu tư mua bò nuôi dưới tán rừng, làm chuồng nuôi heo, khoanh nuôi gà vịt, cải tạo vườn tạp trồng rau màu, vừa cung cấp thực phẩm cho gia đình, vừa bán kiếm thêm thu nhập. Cách làm này đã giúp gia đình già Thép trở thành hộ khá giả trong vùng với thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Theo ông Nguyễn Văn Ép, Chi hội trưởng Chi Hội Cựu chiến binh thôn Gadoong, xã Tư, huyện Đông Giang, không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Đinh Văn Thép còn là cựu chiến binh tiêu biểu tại địa phương. Ông thường xuyên vận động các hội viên nỗ lực làm kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cây giống có sẵn trong vườn nhà. Ông Thép còn là người am hiểu và có tâm huyết gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống Cơ Tu. Đặc biệt, ở xã Tư, ông Thép là một trong số ít người còn biết nói lý, hát lý: “Ông Thép là người có tầm trong sinh hoạt Chi hội, nêu gương cho giới trẻ, vận động quần chúng... Đặc biệt, ông là 1 trong 4 thầy đã từng dạy nói lý, hát lý cho những người già như chúng tôi. Hiện nay, người Cơ Tu vẫn sử dụng nói lý, hát lý trong cưới xin, hội làng,... mà người như ông Thép nay còn quá ít".
Ở vị trí, vai trò nào, già Đinh Văn Thép cũng thể hiện trách nhiệm của một đảng viên, người có uy tín trong gia đình và cộng đồng. Với những đóng góp cho quê hương, đất nước, già Đinh Văn Thép nhận được nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Bằng khen trong Phong trào thi đua góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2005 - 2009, Bằng khen Hộ gia đình xây dựng đời sống văn hóa 2020...
Theo ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, vai trò người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số ngày càng được khẳng định. Họ được ví như là cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước trong việc đưa chính sách, pháp luật tới người dân. Ông Đỗ Hữu Tùng khẳng định: “Vai trò người có uy tín trong cộng đồng miền núi rất quan trọng. Khi thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, họ chính là những người nêu gương, đi tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, góp công sức cùng địa phương hoàn thành các mục tiêu. Họ cũng là người nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con để tạo sự đoàn kết trong cộng đồng… Hằng năm, huyện thường xuyên tổ chức gặp mặt, tuyên dương, khen thưởng, kịp thời động viên để những người uy tín tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình”.