Gia Lai đẩy mạnh phòng chống đau mắt đỏ trong trường học
VOV.VN - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, từ tháng 8/2023 tới nay, bệnh đau mắt đỏ đã xuất hiện ở 12/17 huyện, thị xã của tỉnh, với trên 4.600 ca mắc.
Bệnh đang có xu hướng lây lan nhanh, nhất là trong các trường tiểu học và THCS. Hiện nay, các trường học ở Gia Lai đang tập trung tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh về phòng chống bệnh này.
Trong vòng 20 ngày, từ lúc khai giảng năm học mới tới nay, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, ở trung tâm TP. Pleiku đã có hơn 300 em phải nghỉ học do bị bệnh đau mắt đỏ. Chị Đào Thị Bích Liên, nhân viên y tế cho biết, nhà trường đã thông qua nhiều kênh thông tin, nhiều phương tiện để tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh, nhằm hạn chế tình trạng lây lan của bệnh.
“Dưới nhiều hình thức như Facebook của nhà trường, zalo nhóm giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh rồi tuyên truyền bằng hình thức là phát thanh măng non ở trên đài phát thanh măng non của nhà trường. Những lớp có số lượng học sinh bị dịch đau mắt đỏ nhiều thì tôi đến tuyên truyền trực tiếp, ví dụ như là hướng dẫn cho các em là cách phòng bệnh hướng dẫn cho các em là những bước phòng bệnh cơ bản như là rửa tay bằng xà phòng, rồi không đưa tay lên mắt, mũi, miệng”, chị Liên cho hay.
Cùng với đó, hàng ngày, học sinh tới trường cũng đều được giáo viên phổ biến thêm kiến thức phòng bệnh.
“Trên trường, các cô cũng đã có dạy con là phải giữ vệ sinh cá nhân cho riêng mình, không được cầm nắm các đồ vật bẩn và đưa tay lên mắt. Và về nhà con cũng đã giữ vệ sinh cho riêng mình, như là đến nay con chưa có bị đau mắt đỏ”, em Đặng Nguyễn Tuấn Minh- Học sinh lớp 5/5 trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku cho biết.
Bà Nguyễn Thị Lượn, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Mây, TP. Pleiku cho biết, trung bình mỗi ngày, nhà trường có trên 15 học sinh phải nghỉ học vì đau mắt đỏ. Hiện nay, trường đặc biệt chú ý tới việc vệ sinh phòng bệnh cho học sinh, hạn chế lây lan chéo giữa học sinh.
“Đối với các em học sinh bán trú thì được tuyên truyền rất kỹ vào mười phút đầu giờ, các ngày học, các buổi học thì đều có những clip để hướng dẫn cho các cháu thực hiện. Và trong quá trình mà dạy và chăm sóc các cháu thì đều hướng dẫn cho các cháu là trước giờ ăn thì đều phải vệ sinh, rửa tay và trong quá trình sau khi đi vệ sinh thì cũng phải rửa tay. Và trong quá trình mà các bé ăn ngủ tại trường thì nhà trường cũng đã thực hiện để tránh công tác mà phòng tránh mà lây chéo giữa các cháu học sinh với nhau”, bà Lượn nói.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa mắt Vũ Phương Việt Hằng- trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết: thông thường bệnh đau mắt đỏ từ lúc khởi phát cho đến lúc khỏi bệnh kéo dài trong vòng 1 tuần. Nếu học sinh tự học tại nhà trong thời gian này thì bệnh đau mắt đỏ ít lây lan hơn. Dù bệnh không nguy hiểm, nhưng cha mẹ học sinh cũng cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của các cơ sở y tế.
“Trong trường học là nơi dễ lây lan nhanh nhất. Khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh cần cho trẻ ở nhà, để tránh lây cho bạn khác. Bố mẹ cần đưa con tới cơ sở khám chữa bệnh để khám, không tự ý mua thuốc để phòng chống những biến chứng có thể xảy ra”, bác sĩ Hằng khuyến cáo.