Gia tăng số người nhận BHXH một lần: Vì sao nhiều lao động bỏ chế độ hưu trí?

VOV.VN -Số lao động nghỉ việc xin nhận chế độ BHXH một lần quý 1 trên cả nước lên tới hơn 226.000 người, tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2020. Việc nhận BHXH một lần đồng nghĩa người lao động rời bỏ hệ thống an sinh xã hội. Vì sao NLĐ chọn cách nhận tiền, từ bỏ quyền lợi được hưởng chế độ hưu?

Chị Nguyễn Thị Hương, công nhân môi trường vừa nghỉ việc sau 10 năm làm việc được đóng BHXH, nằm trong số hơn 226.500 lao động cả nước rút BHXH một lần, tính từ đầu năm nay. Người phụ nữ 38 tuổi này cảm thấy mệt mỏi khi công ty liên tục chậm lương, nợ lương, cứ ba tháng mới trả một lần. Những lúc khó khăn, chị lại đi vay mượn, khi nhận lương đem trả nợ hết rồi tiếp tục xoay xở các khoản chi tiêu cho cuộc sống. Có tháng nhận lương, trừ hết các khoản tạm ứng, vay mượn, chỉ còn vỏn vẹn chưa đến 500 nghìn đồng. Tiền học của ba đứa con, cùng tiền thuốc thang cho người chồng hay đau ốm, chỉ có thể phụ vợ việc nhà, đến tiền chợ, tiền điện nước, ma chay, cưới hỏi... như muốn vắt kiệt sức lực của nữ công nhân. Sau nhiều ngày suy nghĩ, chị Hương quyết định  chọn nhận BHXH một lần.

Cầm trên tay 63 triệu đồng, số tiền tích lũy của gần 10 năm đóng BHXH, chị Hương không biết nên buồn hay vui: “Sau khi nghỉ ở công ty thì tôi đi làm công việc tự do, cũng làm được nhiều chỗ hơn. Nhiều lúc nghĩ mai sau già cũng không trông mong vào đâu được, có gì mà vui đâu. Cũng chỉ do kinh tế khó khăn, mà bây giờ muốn đóng BHXH phải mất một khoản đáng ra để lo cho các cháu ăn học thì lại phải đóng BHXH tự nguyện  thì không phải là chuyện nhỏ. Theo quy định thì đóng BHXH 20 năm mới được chốt để nhận lương hưu, mà bây giờ mới đóng được 9 năm, 10 năm thì phải đóng thêm 10 năm nữa, mà không có đủ điều kiện để đóng tiếp, thì chỉ còn cách rút tiền về thôi”.

Đồng nghiệp của chị Hương cũng lần lượt nghỉ, xoay sang làm công việc tự do như giúp việc gia đình hoặc bán hàng. Khoản tiền vài chục triệu đồng được lĩnh sau khi quyết định nhận BHXH một lần được dùng trang trải khó khăn cũng không còn chỉ sau vài tháng.

Chị Trần Thị Dung và chị Phạm Thu Hoa cho biết: “Ai cũng muốn được hưởng lương hưu chứ. Đi làm ở đâu cũng thế, doanh nghiệp quan tâm đời sống công nhân thì anh chị em sẽ muốn gắn bó lâu dài. Với mức lương không đủ cho người ta sống, bắt buộc phải nghỉ để đi tìm việc khác mà thôi. Nếu mà công việc tự do tạo thêm thu nhập lớn cho họ, thì họ sẽ muốn ra ngoài làm hơn là tiếp tục cống hiến cho công ty chứ. Có nhiều người muốn đóng tiếp để sau này lấy lương hưu khi về già nhưng mình muốn đóng cũng không biết đến chỗ nào đóng cả. Khi mình nghỉ là mình phải lấy hết, khi có việc gì khó khăn mà mình cần phải có nhiều tiền thì có khoản tiền đó để chi tiêu hiện tại”

Trong vòng 5 năm từ thời điểm Luật BHXH 2014 có hiệu lực, hơn 3,7 triệu người đã chọn hưởng chính sách nhận BHXH một lần thay vì chờ lương hưu. Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2020, cứ hai người tham gia vào hệ thống BHXH thì một người lại rời đi. Xu hướng này tiếp tục gia tăng.  Lý giải về "làn sóng" lao động chọn nhận BHXH một lần thay vì chờ tới tuổi để nhận lương hưu, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho rằng, nhiều công ty không đảm bảo mức thu nhập cho công nhân, nợ lương, hoặc công việc nặng nhọc…Người lao động khi không đủ sức khỏe để làm việc, họ sẽ rời bỏ nơi làm việc, quyết định không tham gia BHXH nữa và chọn "rút một cục".

 “Trước năm 1995, cứ 200 người tham gia BHXH  thì mới có một người về hưu. Thế nhưng hiện nay thì 10 người tham gia BHXH  đã có người nhận lương hưu. Nếu tham gia BHXH càng ít thì ảnh hưởng đến thực hiện các chính sách BHXH, đặc biệt là tính toán để đảm bảo cân đối quỹ BHXH cũng như chính sách chia sẻ an sinh xã hội” - ông Quảng cho biết thêm.

Dù lương tối thiểu vùng tăng mỗi năm, song thu nhập của đại đa số công nhân chưa đảm bảo được cuộc sống. Họ không có tiền tích lũy nên khi xảy ra sự cố như ốm đau, mất việc vì Covid-19 hay cần khoản tiền lớn để trang trải nợ nần, hoặc cần vốn kinh doanh tự do, họ phải tìm nguồn tài chính để bù đắp. Trong khi công nhân mất việc gần như không tiếp cận được các gói vay lãi suất tốt nên sẽ trông chờ vào tiền BHXH một lần.

Ông Lê Đình Quảng cho rằng, chính sách BHXH cần linh hoạt hơn để người lao động chọn giải pháp ở lại hệ thống an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi người lao động cũng như đảm bảo cân đối quỹ BHXH trong dài hạn: “Chúng tôi mong muốn phải có giải pháp đồng bộ, đặc biệt là quan tâm đến việc nâng cao thu nhập đời sống, tiền lương, tiền công cho người lao động, để khi họ đang có quan hệ lao động thì tiền lương của họ vừa để đảm bảo cuộc sống của họ, vừa có phần tích lũy. Khi có rủi ro, không có việc làm thì họ còn có điều kiện để duy trì cuộc sống và tiếp tục tham gia BHXH để hưởng chế độ BHXH hưu trí lâu dài”

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cảnh báo rút BHXH một lần trở thành "Thực trạng đáng lo ngại ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi người lao động và tác động đến an sinh của Nhà nước".

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, rút BHXH một lần, người lao động tự đánh mất quyền lợi của mình: “Đóng vào thì nhiều mà lấy ra thì ít. Đóng thì 2,6 tháng lương trong một năm mà lấy thì tối đa 2 tháng, mất 0,6. Nhưng cái mất lớn nhất, đó là mất lương hưu khi về già và mất tiền để lo tử tuất khi chết. Thậm chí còn mất các suất thường cho con khi chưa đủ tuổi 18 hoặc bố mẹ hết tuổi lao động. Và cái mất quan trọng nhất, đó là chúng ta mất đi bản chất của hệ thống an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước đang hướng đến là BHXH bảo phủ toàn dân”.

Trong dự thảo tờ trình đề nghị sửa đổi Luật BHXH đang lấy ý kiến đến ngày 16/6/2021, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội tiếp tục đề xuất thắt chặt điều kiện hưởng chính sách này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có lộ trình phù hợp và tăng cường tuyên truyền để người lao động tham gia BHXH hiểu rõ tính nhân văn của chính sách, bảo vệ quyền lợi lâu dài cho người lao động, đồng thời đảm bảo tính bền vững của hệ thống an sinh xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên